Nguy hiểm tiềm tàng từ những cửa hàng bán quân tư trang giả tràn lan trên mạng

Mới đây, Công an TP. Hà Nội đã đề nghị truy tố 14 bị can trong đường dây giả danh tướng quân đội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây không phải lần đầu tiên, các đối tượng xấu lấy danh nghĩa quân đội hay công an để tiến hành lừa đảo bằng các hành vi dọa dẫm, xin việc… Một trong những nguyên nhân để vấn đề này vẫn còn tiếp diễn, đó chính là việc quân tư trang vẫn còn được bán một cách khá công khai.

Giả tướng quân đội, lừa đảo gần 1.000 người

Ngày 24/2, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố 14 bị can trong đường dây giả danh tướng quân đội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các sản phẩm quân tư trang được ship về.

Các sản phẩm quân tư trang được ship về.

Các bị can chính trong vụ án được xác định là Hoa Hữu Long (56 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) và vợ là Cao Thị Kim Loan, cùng các đồng phạm khác như Nguyễn Minh Sơn (49 tuổi, quận Cầu Giấy), Mạc Phúc Hải (56 tuổi, quận Ba Đình), Phùng Thị Thanh Huế (42 tuổi, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Tháng 2/2018, Cục Bảo vệ an ninh quân đội nhận được nhiều đơn của người dân tố cáo một người là Hoa Hữu Long - tự nhận là Thiếu tướng quân đội, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn, thông qua hình thức nhận người vào làm việc tại Tập đoàn Đông Dương của Bộ quốc phòng (S10).

Sau khi tiến hành xác minh, Bộ Quốc phòng cho biết không có ai là Hoa Hữu Long mang quân hàm Thiếu tướng. Cũng không có Tập đoàn Đông Dương nào thuộc Bộ Quốc phòng. Đầu tháng 4/2018, Bộ Quốc phòng đã chuyển hồ sơ sang Công an TP. Hà Nội để thụ lý điều tra theo đúng thẩm quyền. Đến tháng 4-2018, Cơ quan an ninh điều tra, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố lần lượt các bị can liên quan đến vụ việc.

Qua điều tra xác định được trong khoảng thời gian từ cuối năm 2015, lợi dụng việc Bộ Quốc phòng đang có đề án tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội, Hoa Hữu Long cùng một số đối tượng đã sử dụng các quyết định, tài liệu giả, mạo danh Bộ Quốc phòng, tạo dựng việc có chủ trương thành lập Tập đoàn Đông Dương, Binh đoàn 10 (S10) và có nhu cầu tuyển dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành.

Long mạo nhận là thiếu tướng quân đội, hai bị can Sơn và Hải cũng mạo nhận là người trong quân đội với các bậc hàm khác nhau để lừa xin việc cho người dân vào Tập đoàn Đông Dương. Rất nhiều người đã tin tưởng vào cái mác tướng quân đội giả mạo và rơi vào bẫy của đường dây lừa đảo này.

Một cửa hàng trên mạng xã hội rao bán bảng tên.

Mỗi người nộp hồ sơ xin việc phải nộp cho nhóm của Long 65-150 triệu đồng. Từ năm 2016-2018 đã có gần 1.000 người tin tưởng đưa tiền cho các đối tượng. Tổng số tiền Hoa Hữu Long và các bị can thu được của bị hại có nhu cầu xin việc lên tới 83 tỷ đồng.

Hiện tại, số tiền bị tạm giữ trong vụ án là 3,5 tỉ đồng. Ngoài ra còn gần 26 tỉ đồng của 8 thẻ tiết kiệm đứng tên mẹ của Cao Thị Kim Loan. Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã phong tỏa toàn bộ số tiền và số thẻ tiết kiệm của vợ chồng Hoa Hữu Long và một số người thân liên quan.

Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã lấy lời khai 650 bị hại, còn hàng trăm bị hại khác tuy đã có giấy triệu tập nhưng không đến hoặc địa chỉ không rõ ràng.

Qua quá trình điều tra, vợ chồng Hoa Hữu Long, Cao Thị Kim Loan cũng như một số đối tượng khác đều khai báo số tiền thu được của người lao động đã nộp về cho đối tượng T1, thường gọi là "anh Đức", nhưng không biết nhân vật này ở địa chỉ nào, làm gì. Hiện Cơ quan An ninh điều tra vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra danh tính của đối tượng nói trên.

Được biết, để "hóa thân" vào vai một tướng quân đội, các đối tượng chủ chốt trong đường dây đã mua quân phục và tự tạo cho mình thông tin giả mạo để lừa đảo. Để tránh bị lộ, các bị can khi thu tiền đều căn dặn người dân phải giữ kín thông tin, không viết biên lai nhận tiền vì tập đoàn là đơn vị kinh tế bí mật của Bộ Quốc phòng.

Không chỉ lừa đảo xin việc, các bị can còn đưa ra thông tin tập đoàn được giao thực hiện một số dự án để lập hồ sơ và thu tiền của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Cần truy quét quân nhu giả

Vụ việc nói trên chỉ là một trong những vụ điển hình của việc sử dụng danh nghĩa quân đội, công an tiến hành lừa đảo. Để thực hiện trót lọt hành vi, việc đầu tiên các đối tượng phải làm luôn là tìm mua cho mình một bộ quân phục, ve hàm và thậm chí là huân, huy chương giả để đánh lừa các bị hại.

Thực sự không nói quá khi nhận định, những kẻ đang buôn bán các vật phẩm quân nhu giả đang tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo. Và hiện tại, có rất nhiều những kẻ như vậy trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội.

Thực sự không khó để tìm kiếm những cửa hàng như vậy trên mạng xã hội. Ở đó, người mua có thể đặt đầy đủ các loại trang phục của công an, quân đội như giày, thắt lưng, quân hàm, bảng tên…

Đáng nói, một số cửa hàng còn mua bán cả huân huy chương, kỷ vật chiến tranh có liên quan đến công an, quân đội. Đây là cửa hàng cung cấp sản phẩm cho người sưu tầm. Nhưng không rõ, trong số những người mua ấy, có bao nhiêu kẻ lừa đảo muốn mua một bộ huân, huy chương về chỉ đề hù dọa người khác. Để rồi từ đó nảy sinh hành vi lừa đảo.

Để thử nghiệm độ "dễ" khi muốn "biến thân" thành một sĩ quan, chúng tôi đặt hàng, đủ loại, gồm: quân hàm Đại tá lục quân, trang phục quân đội, kèm theo huân huy chương đủ loại: Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Hai, Huân chương Chiến công, bảng tên...

Đối tượng Hoa Hữu Long (trái) và Cao Thị Kim Loan.

Sau khi trò chuyện với người chủ hàng tên H, người này kể rằng đã có rất nhiều khách hàng đặt đơn "đồng bộ" như vậy. Tuy nhiên, chủ cửa hàng online này cũng không lý giải được người mua đặt hàng đủ bộ quân tư trang như vậy với mục đích gì.

Theo giá trên các shop online ấy, những huân, huy chương đầy ý nghĩa như Huân chương Sao vàng và Huân chương Độc lập, cũng chỉ được bán với giá khoảng 1,5 triệu đồng. Đáng nói, có những cửa hàng còn rao bán các loại huy hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân hay Anh hùng Lao động cũng với giá khoảng 1,5 triệu đồng.

Mua dễ, bán nhanh, đó là một trong những yếu tố dẫn đến các vụ việc đóng giả cán bộ công an, sĩ quan quân đội để tiến hành lừa đảo. Hiện nay, chế tài xử lý các hành vi này cũng đã có rất nhiều, cụ thể theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh cấm kinh doanh; hàng hóa dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, xác định quân trang là mặt hàng cấm kinh doanh, buôn bán.

Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 16-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 10 của NĐ này cũng quy định rõ với hành vi buôn bán quân phục, thiết bị của CAND có giá trị từ 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì các đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 100 triệu đồng. Với hành vi sản xuất ra quân phục, thiết bị đó có thể bị xử phạt hành chính số tiền gấp đôi mức phạt trên.

Nghị định số 82/2016/NN-Đ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội Nhân dân Việt Nam, quy định rõ: "Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, làm nhái, tàng trữ, trao đổi, mua bán, cho tặng và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam".

Ngoài ra các đối tượng vi phạm còn có thể bị xử lý về hình sự trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 về tội "Sản xuất, buôn bán hàng cấm" và Điều 192 "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả" của BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Cùng với các văn bản pháp luật trên, Bộ Quốc phòng cũng có chỉ thị số 93/CT-BQP nêu rõ quân trang là mặt hàng cấm kinh doanh đối với các doanh nghiệp ngoài Quân đội và đã quy định cụ thể hình thức xử lý với các mức độ khác nhau. Các hình thức mua, bán, trao đổi, cho tặng quân trang, quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu đối với người ngoài quân đội cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Chế tài đã có, hình thức xử lý, xử phạt đã rõ ràng. Vậy chúng ta chỉ cần một sự vào cuộc triệt để và nghiêm khắc để dẹp bỏ những hành vi mua, bán quân tư trang quân đội, công an. Từ đó chấm dứt được những vụ lợi dụng hình ảnh của người chiến sĩ để lừa đảo, gây mất niềm tin của nhân dân với lực lượng Công an, quân đội.

Ngọc Mai

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nguy-hiem-tiem-tang-tu-nhung-cua-hang-ban-quan-tu-trang-gia-tran-lan-tren-mang-583731/