Nguy hiểm khi tự ý dùng thuốc trị cúm

Số ca mắc cúm A đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều ca diễn biến nặng. Một trong những nguyên nhân là nhiều người chủ quan với bệnh, tự ý mua thuốc điều trị cúm.

Trẻ em cần được tiêm vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch ngay từ 6 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Trẻ em cần được tiêm vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch ngay từ 6 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Chủ quan không đi khám, tự ý dùng thuốc trị cúm

Theo chuyên gia y tế, các bệnh cúm thường xuất hiện nhiều vào mùa đông - xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm. Thông thường, thời tiết khô nóng của mùa hè không thích hợp cho vi rút cúm phát triển và gây bệnh. Tuy nhiên, mùa hè năm nay lại ghi nhận số ca mắc cúm A gia tăng một cách bất thường. Đáng lo ngại, nhiều người dân vẫn có tâm lý chủ quan, cho rằng cúm A là bệnh cảm mạo thông thường, có thể tự khỏi mà không cần đi khám bệnh; họ thậm chí nghĩ rằng có thể tự mua thuốc điều trị.

Mới đây, thai phụ Nguyễn Thu Phương (27 tuổi, ở Hưng Yên) đã đến một bệnh viện ở Hà Nội để khám sau khi sốt cao 2 ngày không dứt, đau rát họng, khàn tiếng, được chẩn đoán mắc cùng lúc cúm A và sốt xuất huyết, nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Trước đó, chị Phương đã có dấu hiệu ho và sốt cao. Tuy nhiên, chị cảm thấy sức khỏe của mình rất tốt và tưởng đó là dấu hiệu “ho mọc tóc”. Sau khi đến bệnh viện làm xét nghiệm, chị mới biết mình mắc cúm A, mà còn mắc cả sốt xuất huyết. Việc đồng nhiễm hai bệnh truyền nhiễm trên thai phụ là rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ biến chứng ở cả mẹ và thai nhi, có thể dẫn tới dị tật thai nhi, sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc nguy cơ tiền sản giật. May mắn là chị đã đi khám kịp thời nên được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, tránh các biến chứng khôn lường xảy ra.

Trước đó, chị Thúy Hoa (34 tuổi, Hà Nội) đã phải nhập viện cấp cứu trong đêm sau khi tự ý dùng thuốc điều trị cúm. Chị Hoa kể lại rằng, đây thực sự là trải nghiệm “nhớ đời” khi chủ quan với sức khỏe. Ngày 12-7, chị Hoa bắt đầu có những triệu chứng như ho, sổ mũi. Nghĩ là cảm cúm thông thường nên chị đã sử dụng thuốc trị cúm, tuy nhiên sau 6 ngày, tình trạng bệnh không giảm mà còn có thêm triệu chứng ho có đờm, chảy nước mũi liên tục. Đến ngày 19-7, chị sốt cao 39oC, mất sức nhiều nên gia đình lập tức đưa chị đến bệnh viện khám cấp cứu trong đêm. Chị được chẩn đoán mắc cúm A và cơ thể mất sức trầm trọng. Sau hai tuần điều trị, sức khỏe của chị Hoa mới dần ổn định.

Chẩn đoán cúm sớm để hạn chế biến chứng

Cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng; sự thể nguy hiểm hơn với người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể tiến triển nặng, gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Trần Tiến Tùng (chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Medlatec) cho biết: "Bệnh cúm thường gặp, nhưng không vì thế mà người dân lơ là, chủ quan. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, nguy cơ “dịch chồng dịch” là rất lớn - bao gồm dịch cúm, sốt xuất huyết, Covid-19, thậm chí là cả bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới".

Bác sĩ Tùng khuyến cáo, việc điều trị cúm chỉ dễ dàng và hiệu quả khi được phát hiện sớm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh này có thể để lại hậu quả khôn lường như viêm xoang, viêm tai, nặng hơn là suy đa cơ quan. Do đó, để tránh biến chứng và hậu quả khôn lường có thể xảy ra do cúm, khi có dấu hiệu người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm kịp thời. Sau sốt 24 giờ là thời điểm thích hợp nhất để làm xét nghiệm nhằm biết được có bị cúm hay không. Người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, mà cần uống thuốc theo đơn bác sĩ.

Trước tình trạng người dân tự tìm mua thuốc trị cúm, đặc biệt là thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo, theo đó người dân không tự ý mua thuốc kháng vi rút để điều trị cúm. Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, nên mọi người không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Bảo Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1038687/nguy-hiem-khi-tu-y-dung-thuoc-tri-cum