Nguy hiểm khi lưu thông trên hồ Khuổi Khe

Hồ Khuổi Khe thuộc thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư, huyện Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn là hồ rộng và khá sâu. Diện tích mặt hồ lên tới 32ha. Vì cuộc sống mưu sinh, ở đây hiện có hơn 50 chiếc bè mảng được người dân dùng để đi lại trên hồ đi làm ruộng, nương rẫy.

Hằng ngày, nhân dân các thôn Nà Đon, Khuổi Ít và Pò Khiển thuộc xã Kim Lư dùng bè, mảng là những đoạn cây vầu dài năm đến bảy mét ghép lại, gắn động cơ ở phía sau để chạy trên mặt hồ đi làm ruộng, chăn thả gia súc, chăm sóc rừng quế. Điều đáng nói là nhiều người dân không biết bơi, nhưng không có bất kỳ phương tiện cứu sinh nào được trang bị.

Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình bà Bàn Thị Lưu, ở thôn Nà Đon có một chiếc mảng được làm từ những cây vầu to ghép lại, dùng động cơ loại nhỏ, có chân vịt gắn phía sau. Năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng ngày nào bà cùng với các con đều sử dụng bè mảng này làm phương tiện để gia đình đi trên mặt hồ mất khoảng 4km đến vườn, rừng của mình và đi làm công. Khi về bà dùng chiếc bè này chở củi từ rừng về, đến vụ thu hoạch thì chở lúa.

Nhân dân ba thôn Nà Đon, Khuổi Ít và Pò Khiển, xã Kim Lư, huyện Na Rỳ có ruộng và một số diện tích trồng quế ở phía trong, nên hằng ngày phải vượt qua hồ Khuổi Khe để đi làm ruộng, chăm sóc quế. Bè, mảng nào cũng được gắn động cơ để lướt trên mặt hồ nhanh hơn. Đi lại bằng bè, mảng trên mặt hồ rất mất an toàn, vì một số người dân không biết bơi và không có bất cứ một phương tiện cứu sinh nào được trang bị trên những phương tiện thô sơ này.

Người dân đi lại qua hồ Khuổi Khe bằng bè, mảng mà không trang bị phao cứu sinh rất mất an toàn.

Người dân đi lại qua hồ Khuổi Khe bằng bè, mảng mà không trang bị phao cứu sinh rất mất an toàn.

Theo đồng chí Triệu Văn Phòng, Trưởng Công an xã Kim Lư cho biết: Người dân tự chế các động cơ là máy tuốt lúa, máy cắt cỏ gắn vào đuôi mảng và sử dụng xăng để chạy. Hồ dài khoảng 7km, nước hồ khá sâu, khoảng 15 đến 20m, chỗ sâu nhất đến 30m, nếu chèo bằng tay, người dân di chuyển mất khoảng 2 giờ, tuy nhiên sử dụng động cơ gắn vào mảng mất khoảng 1 giờ. Năm 2015, đã có 1 học sinh THCS vào tắm và bị đuối nước thương tâm.

Ngoài ra, đi lại trên những chiếc bè mảng dùng vật liệu sẵn có buộc, ghép lại, lâu ngày ngâm dưới nước bị mục, đang đi lại trên hồ mà bè, mảng vỡ ra, hoặc gặp sự cố, lại không được trang bị áo phao, phao cứu sinh thì rất nguy hiểm.

Thiếu tá Nông Văn Thiêm, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Trên địa bàn xã Kim Lư có hồ thủy lợi là hồ Khuổi Khe, thường xuyên có bà con đi lại làm kinh tế trên mặt hồ và người dân ở đây chủ yếu đi lại bằng bè mảng tự đóng. Đối với công tác tuyên truyền, ngay từ đầu năm, Đội CSGT-TT đã tuyên truyền, nhắc nhở đến bà con thường xuyên kiểm tra, gia cố cho bè mảng thật chắc chắn, khi đi lại bằng bè mảng trên mặt hồ phải mặc áo phao, tuy nhiên qua những dịp chúng tôi vào kiểm tra, bà con cũng còn chủ quan, chưa thực hiện việc mặc áo phao, việc đi lại thường xuyên bằng bè, mảng tự đóng cũng rất nguy hiểm, đặc biệt với người không biết bơi, còn người biết bơi với diện tích rộng lớn và nước sâu cũng rất nguy hiểm khi xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, do không có chế tài xử phạt nên cũng không có quy định nào để xử lý được, mặc dù việc đi lại như vậy rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng.”

Ngoài ra, người dân tự trang bị cho mình cách phòng tránh đuối nước như: Cần phải biết bơi, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở đến những gia đình thường xuyên lưu thông qua hồ, nhất là những ngày hè, trẻ em được nghỉ học thường theo cha mẹ đi làm, việc cần thiết phải có phao cứu sinh để đề phòng rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào, với bất cứ ai.

Ngọc Ánh –Thanh Tùng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/nguy-hiem-khi-luu-thong-tren-ho-khuoi-khe-550318/