Nguy hiểm bệnh viêm não mô cầu

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước đã ghi nhận 10 trường hợp mắc viêm màng não mô cầu. Theo các chuyên gia y tế, cùng với nhiều loại bệnh nguy hiểm thường xuất hiện trong mùa hè, bệnh viêm não mô cầu đang có xu hướng phát triển.

Thường để lại di chứng nặng nề

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ người dân tộc Mông vào viện với các dấu hiệu: Sốt cao, hôn mê rất sâu, nhiều vết xuất huyết dưới da…

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó chị Hảng Thị D. có biểu hiện sốt nhưng vẫn tỉnh táo, đến ngày 2-5, bệnh nhân bắt đầu tiêu chảy, hôn mê… nên hôm sau gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) để khám; tại đây, các bác sĩ chẩn đoán nghi ngờ bệnh nhân bị viêm não mô cầu và cho chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương để tiếp tục điều trị.

Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết: Sau khi thăm khám, xét nghiệm, bệnh nhân được xác định bị viêm màng não mủ do viêm não mô cầu với diễn biến rất cấp tính nên đã dẫn đến tình trạng phù não vô cùng trầm trọng.

Bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, mất phản xạ, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong rất cao. Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 cũng tiếp nhận hai trường hợp mắc viêm não mô cầu, đó là một nữ sinh 15 tuổi (ở huyện Ba Vì) và một bệnh nhi 14 tháng tuổi (ở huyện Đông Anh).

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở giới trẻ và thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...) nên có khả năng gây thành dịch.

Sau khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 1 đến 10 ngày, trung bình 5-7 ngày. Bệnh có biểu hiện rất đa dạng với nhiều thể như: Viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, tổn thương ở nhiều cơ quan. Trong lâm sàng thường hay gặp hai thể bệnh là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết.

Đặc biệt, ở thể nhiễm khuẩn huyết tối cấp, tỷ lệ tử vong rất cao (lên tới 60-70%). Ở thể viêm màng não mủ, tỷ lệ tử vong là 30-40% nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, còn có các thể bệnh khác, gồm: Viêm khớp, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm nắp thanh quản tối cấp...

Dễ chuẩn đoán nhầm

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 90 đến hơn 100 người mắc viêm não mô cầu, tỷ lệ tử vong khoảng 15%-20%. Ngoài ra, bệnh có thể để lại di chứng nặng nề (chậm phát triển, điếc, liệt…).

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đây là loại bệnh không thường gặp nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh sốt xuất huyết do biểu hiện bệnh có những dấu hiệu tương tự như xuất huyết dưới da, đau đầu, cứng gáy, sốt...

Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời, não mô cầu chuyển nặng rất nhanh và có thể gây tử vong. “Mảng xuất huyết dưới da ở bệnh nhân viêm não mô cầu có hình sao - dấu hiệu phân biệt với sốt xuất huyết. Bệnh nhân có dấu hiệu này cần được đưa ngay đến bệnh viện”- PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đối với viêm màng não mủ, sau sốt cao đột ngột và đau đầu nhiều, xuất hiện các dấu hiệu của hội chứng màng não sớm, điển hình như nhức đầu dữ dội, nôn vọt, táo bón. Người bệnh nằm tư thế “cò súng” (thường gặp ở trẻ em do tăng trương lực cơ gấp để làm cho giảm đau).

Dấu hiệu đặc trưng nhất là ban xuất huyết “hình sao” do hoại tử nội mạch dưới da. Ban xuất hiện sớm khoảng từ 5-15 giờ hoặc muộn hơn. Ban có thể xuất hiện toàn thân và thường ở các đầu ngón chân, tay, vành tai, cánh mũi. Kích thước của mỗi ban không đồng đều từ 1-2mm, có thể to hơn, bờ nham nhở không tròn, có xu hướng lan rộng ra và chập lại với nhau.

Đặc biệt các nốt ban to và ở trung tâm có nốt đen, sau đó tạo thành nốt phỏng rồi hóa thành mủ. Các ban không cùng lứa tuổi (có nghĩa là mọc không cùng đợt mà có nốt là dát sẩn nhưng có nốt đã hoại tử).

Ngoài ra, gan, lách to ra nhanh. Huyết áp giảm dần và có thể tụt trong trường hợp sốc nhiễm khuẩn. Nếu bị phù nề não, thường có vật vã, mạch chậm, huyết áp tăng vọt, rối loạn hô hấp và hôn mê. Bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp vào những giờ đầu (trong vòng 48 giờ), hiếm hơn là vào 2-3 ngày sau.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, với bệnh viêm não mô cầu, cần nhận biết sớm các dấu hiệu nguy kịch để kịp thời xử lý; bệnh cũng khó phát hiện qua các dấu hiệu ban đầu nếu không làm xét nghiệm. Viêm não do vi khuẩn não mô cầu là một bệnh rất nguy hiểm, người dân cần đảm bảo tiêm phòng vắc xin, đảm bảo vệ sinh để nâng cao khả năng phòng bệnh.

Hiện nay, có hai loại vắc xin phòng ngừa viêm não mô cầu là AC của Pháp và BC của Cuba. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đang triển khai tiêm vắc xin AC, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, cùng với việc đưa con em mình đi tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin hiện có, mỗi gia đình cần thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi ở, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, bảo đảm vệ sinh ăn uống, sử dụng các loại thực phẩm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết… Đó là cách phòng tránh hiệu quả không chỉ bệnh viêm não mô cầu mà còn cả các loại bệnh dễ phát sinh trong mùa hè.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, tại ổ dịch, người dân cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Mai Trang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/nguy-hiem-benh-viem-nao-mo-cau-tintuc403724