Nguy hiểm ẩn sau việc sử dụng hóa chất tẩy trắng thực phẩm

Vấn đề tẩy trắng thực phẩm tuy không mới, nhưng vẫn là mối lo đáng ngại cho người tiêu dùng. Đặc biệt trong tình hình thực phẩm sạch vốn khan hiếm do dịch tả lợn hay ô nhiễm nguồn nước…

Trong thực phẩm, có thể dùng chất tẩy trắng nhưng phải tuân theo các tiêu chuẩn hết sức khắt khe. Pháp luật không cho phép ngâm với liều cao và thời gian dài. Một số hóa chất được dùng trong bảo quản, tẩy trắng thực phẩm có nguồn gốc từ họ Sulfit như SO2, Natri Sulfi, hydro Sunfit… được cho phép nhưng chỉ với liều lượng nhất định.

Cần tránh chọn lòng, bì lợn đã luộc sẵn mà có độ trắng quá mức

Cần tránh chọn lòng, bì lợn đã luộc sẵn mà có độ trắng quá mức

Theo quy định của Bộ Y tế, oxy già, urê không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia được phép cho vào thực phẩm. Đối với urê, người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính nếu ăn phải. Ăn thường xuyên dù ở hàm lượng ít, urê cũng tích tụ dần vào cơ thể gây độ mãn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, gây tiêu chảy, rối loạn thần kinh... Với oxy già công nghiệp tẩy trắng và làm sạch cho thực phẩm, đặc biệt là các loại hải sản như mực hay bạch tuộc… cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nếu chất độc tích tụ trong cơ thể. Trong oxi già công nghiệp có nhiều tạp chất có thể gây các bệnh về đường ruột, thần kinh… tùy vào các chất. Muốn biết thực phẩm có ngấm oxy già hay không thì cần mang đi xét nghiệm, bằng mắt thường khó phát hiện được.

TS Nguyễn Quang Tề - nguyên Trưởng phòng Sinh học Thực nghiệm (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) cho biết: Các loại hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi rất đặc trưng là mùi ươn. Ngoài ra, mô thịt thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản còn tươi sống. Với hải sản như bạch thuộc và mực đông lạnh cần xem ngày đóng và hạn sử dụng để tránh mua phải sản phẩm hết hạn. Khi chế biến hải sản nếu thấy mùi khai, có vị khó chịu thì không nên ăn.

Hải sản là thực phẩm thường được sử dụng chất bảo quản

Phương pháp làm tươi hải sản an toàn là bảo quản đông, nhiệt độ càng thấp càng để được lâu. Để vân chuyện an toàn thường phải theo công thức một hải sản, 2 đá (tức là 1kg mực, bạch tuộc cần 2kg đá) nhưng vận chuyển sẽ khó khăn hơn nên họ cho thêm urê để vận chuyển nhẹ nhàng hơn và giữ được lâu hơn. Ngoài ra nếu người tiêu dùng mua hải sản mà thấy mùi Clo thì có thể hải sản đã được ngâm nước javen, cũng không nên mua.

Nên chọn hải sản tươi sống còn bơi được là tốt nhất. Hải sản tươi chất lượng phải còn đủ bộ phận, quan sát sẽ có tròng mắt trong sáng, có lớp da căng, bóng mịn nhưng thân hình không trương phình. Khi chế biến, thịt săn nhưng không teo nhỏ, ra ít nước. Thịt ăn ngọt và có mùi thơm.

Với các thực phẩm có nguy cơ lạm dụng hàn the, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, có thể phân biệt qua mùi vị và màu sắc. Đối với thịt lợn, miếng thịt có tẩm hàn the rất tươi, thớ thịt săn nhưng khô. Khi cắt vào bên trong thịt nhũn, có dịch, độ đàn hồi kém. Khi ăn sẽ thấy miếng thịt bở và có mùi hôi. Đối với bì heo, bình thường để ngoài không khí một thời gian sẽ không còn trắng nữa, nên lưu ý khi mua lòng, bao tử heo nhất là loại đã luộc rồi thì không nên mua loại trắng quá mức.

Măng được ngâm hóa chất để tẩy trắng và giữ được lâu hơn

Đối với bún, độ trắng tùy theo chất lượng gạo. Người ta hay sử dụng oxalic axit trong việc làm trắng bún. Ngoài ra, chất tinopal có khả năng phát huỳnh quang, gây ra hiệu ứng tán xạ trên bề mặt sản phẩm, chúng giúp sản phẩm trở nên trắng sáng, bóng bẩy hơn cũng được sử dụng làm trắng bún, bánh phở. Chất này không được phép sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Để nhận biết, nếu thấy bún có màu trắng tinh, bóng loáng, không tự nhiên như màu trắng của gạo thì là đã được sử dụng hóa chất làm trắng.

Măng tươi cũng là thực phẩm hay bị sử dụng hóa chất: Người tiêu dùng dựa vào cảm quan có thể phân biệt được măng tươi tự nhiên và măng ngâm hóa chất. Theo đó măng tươi tự nhiên khi đã muối thường có màu vàng tươi nhạt, còn măng ngâm hóa chất màu trắng nhợt nhạt hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng. Nếu măng tự nhiên để một thời gian sẽ có màu hơi thâm đen trong khi hàng ngâm hóa chất có màu trắng phau. Ngoài ra măng không ngâm hóa chất thường dai, không giòn; còn măng bị ngâm hóa chất giòn, bẻ dễ gãy…

Khi sử dụng quá dư lượng các chất tẩy trắng, bảo quản thực phẩm, sẽ gây nên các triệu chứng nôn ói, chóng mặt, tiêu chảy... cho người sử dụng. Theo tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan - giảng viên Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM nhận định, vẫn chưa nhận thấy khả năng gây ung thư của những chất làm trắng trên. Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên thi các độc tốc cũng sẽ tích tụy và tiềm ẩn khả năng bị ung thư. Với những người mẫn cảm, khi sử dụng thực phẩm có dư lượng Hydro Sunfit cao sẽ giảm huyết áp, gây nên cơn co thắt phế quản. Về lâu dài họ sẽ bị hen xuyễn thậm chí hôn mê dẫn đến tử vong nếu quá mẫn cảm và liều lượng cao.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguy-hiem-an-sau-viec-su-dung-hoa-chat-tay-trang-thuc-pham-166832.html