Nguy hại từ thói xu nịnh

Đề án Văn hóa công vụ có quy định nhân viên không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng.

Minh họa: DAD

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án Văn hóa công vụ, trong đó có quy định nhân viên không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng. Thanh Niên trao đổi với TS Phan Quang Anh, Đại học Quốc gia Singapore, về hành vi nịnh và tác hại của nó với bộ máy.

TS Phan Quang Anh - Ảnh: NVCC

Việc nhân viên nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo ở công sở có phải biểu hiện của sự thân thiết, cùng sát cánh trong công việc hay không?

Tôi muốn nhìn nhận hành vi nịnh từ quan điểm của tâm lý học lao động cũng như quản trị chiến lược. Nhiều nghiên cứu cho rằng, ở công sở, nịnh đúng nơi, đúng người, đúng thời điểm sẽ mang lại các hiệu quả tích cực cho người lao động. Chẳng hạn, người quản lý đánh giá người lao động tốt hơn, lương thưởng và các hậu đãi được tăng lên. Các cơ hội thăng tiến cũng dễ dàng hơn.

Tuy vậy, “nịnh” khác với “khen”. Cùng là mục tiêu tán dương hành động hay suy nghĩ của cấp trên, người thật tâm khen cảm thấy thoải mái vì động cơ khen do ngưỡng mộ hoặc quan hệ giữa họ vốn hòa ái từ trước. Trong khi đó, người có hành vi nịnh, về mặt tâm lý, thường sẽ nhận thức được ngay “tính sai trái” của hành động mình vừa làm vì họ hiểu rằng cấp trên không xứng với những lời "khen" như vậy.

Tạp chí Administrative Science Quarterly (ASQ - tạp chí hàng đầu trong ngành quản trị) đã đăng tải nghiên cứu năm 2017 của nhóm tác giả Keeves và cộng sự liên quan đến hành vi nịnh.

Một hệ thống chưa đủ chuyên nghiệp trong công tác lãnh đạo, yếu năng lực lãnh đạo, tự ti hoặc tự tôn trong thái độ lãnh đạo, hoặc không đảm bảo được các ranh giới quan hệ đều dễ sử dụng hoặc ưa sử dụng những người có hành vi nịnh bợ

Kết quả cho thấy, người nịnh có cảm giác bị đè nén khi nịnh. Vô hình trung, họ có ác cảm với cấp trên của mình. Điều này có thể thấy rất rõ trong vụ scandal của Hãng Sunbeam năm 2001. Lãnh đạo của hãng vốn là một người độc đoán và cấp dưới cho rằng nên nịnh nọt ông để an toàn. Tới khi ông bị điều tra, chính những người này cung cấp chứng cứ chống lại ông đầu tiên.

Đó là các nghiên cứu ở nước ngoài. Lịch sử có cho thấy nịnh bợ lãnh đạo có ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống tại VN hay không?

Tôi xin lấy ví dụ từ trường hợp của nhà Trần. Vua Trần Dụ Tông mải mê ăn chơi, tin dùng các quan hay xu nịnh, như Chu Văn An đã nêu trong Thất Trảm sớ. Tôi cho rằng sự sụp đổ của nhà Trần cũng bắt đầu từ đây, khi Dụ Tông quá ăn chơi đến mức không có con, phải truyền ngôi lại cho Dương Nhật Lễ là con nuôi anh mình. Trần Nghệ Tông lật đổ Nhật Lễ, nhưng rồi lại quá nghe lời Hồ Quý Ly dẫn tới việc tự tay giết cháu là Trần Phế Đế, để rồi sau đó nhà Trần bị Hồ Quý Ly lật đổ.

Đại Việt càng khốn đốn về sau với việc nhà Minh xâm lược khi Hồ Quý Ly không có năng lực đánh ngoại xâm. Vì vậy, nhìn nhận việc nịnh bợ, gièm pha như một chỉ báo gián tiếp cho sự suy giảm năng lực lãnh đạo là một điều có căn cứ.

Hiện tại, ở môi trường công sở VN, việc nịnh bợ cố nhiên là một hình thức gây hại, đặc biệt nếu lãnh đạo không có bản lĩnh vững vàng.

Chính phủ đã thừa nhận thực trạng nịnh bợ, lấy lòng cấp trên và quyết tâm giải quyết nó

Theo ông, một bộ máy chính quyền như thế nào thì sẽ có xu hướng dùng những người ưa nịnh, và những người tiến thân bằng cách nịnh bợ?

Người lãnh đạo cũng là con người, và việc ưa được ghi nhận hay khen tặng là hoàn toàn bình thường. Người lãnh đạo cũng cần có những người gần gũi để họ có thể đưa ra các lời cố vấn. Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp và khoảng cách cần có giữa các cấp là điều cần thiết vì nếu không, ranh giới mong manh trong mối quan hệ sẽ khiến họ ngộ nhận bản thân hoặc tin dùng cá nhân quá mức.

Vì vậy, tôi cho là người thiếu chuyên nghiệp, thiếu tự tin vào năng lực bản thân dẫn đến tự ti, cũng như thừa tự tin dẫn đến tự tôn, và không biết cách điều hòa các mối quan hệ sao cho đúng mực đều là những đối tượng “yếu thế” trước hành vi nịnh.

Một hệ thống chưa đủ chuyên nghiệp trong công tác lãnh đạo, yếu năng lực lãnh đạo, tự ti hoặc tự tôn trong thái độ lãnh đạo, hoặc không đảm bảo được các ranh giới quan hệ đều dễ sử dụng hoặc ưa sử dụng những người có hành vi nịnh bợ.

Đề án Văn hóa công vụ nêu vấn đề nói không với nịnh bợ song lại chưa có chế tài, hay định tính, định lượng để nhận dạng hành vi đó. Theo ông, nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

“Không trong sáng” là một cụm từ rất khó để đưa ra các đánh giá “cứng”.

Một cách suy nghĩ khác là nếu là vì mục đích trong sáng thì sao? Nếu tôi nịnh sếp mình để sếp phân bổ thêm tiền cho hoạt động từ thiện của cơ quan thì đó là trong sáng hay không trong sáng? Không trong sáng vì sử dụng tiền sai mục đích (không có trong kế hoạch cơ quan), nhưng trong sáng vì không vụ lợi cá nhân.

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì văn bản quy phạm đều cần tường minh trong câu chữ. Vì vậy tôi cho rằng, nếu sử dụng cụm từ “không trong sáng” thì phải định danh rõ ràng thế nào là “không trong sáng”. Tôi nghĩ, với nhiều vấn đề như vậy, Ủy ban Kiểm tra T.Ư hay Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ phải là người đánh giá theo nguyên tắc án lệ. Vấn đề khó khăn hơn cả sẽ là tìm ra “án điểm” để từ đó có thể định nghĩa cụm từ “không trong sáng”.

Văn hóa sợ lãnh đạo, nịnh lãnh đạo

Thật ra, chữ văn hóa để nói lề thói, tập quán thì cũng có thể nói là ta cũng có lề thói tập quán cấp dưới nịnh cấp trên. Nó đi từ việc tôn trọng và đề cao người cấp trên trong hệ thống hành chính. Cái đó có từ thời quân chủ, giữa quan cấp dưới với quan cấp trên. Rồi thời thực dân còn có thêm vấn đề quan ta nịnh quan tây, quan cấp nhỏ lấy lòng quan cấp lớn hơn.

Tới thời bao cấp, cũng có những việc như thế. Tới giờ vẫn có. Chúng ta có thể thấy còn có loại nữa là cấp trên được tôn trọng đến nỗi át cấp dưới, chỉ đạo cả những việc rất riêng tư. Chẳng hạn, khi nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ định lấy nhau, họ là rổ rá cạp lại. Thời bao cấp người ta nhìn việc đó khe khắt lắm. Một lãnh đạo Báo Văn nghệ còn thông báo trong chi bộ là anh em trong chi bộ không được tới dự. Chuyện đó là rõ nhất cho văn hóa sợ lãnh đạo, nịnh lãnh đạo.

Việc tiếp tục thói quen đó cũng ảnh hưởng tới công việc. Chúng ta từng có chuyện như nhân viên nghỉ việc công sở vì việc của lãnh đạo. Chẳng hạn hồi năm 2012 cán bộ Sở Công thương Vĩnh Long bỏ giờ làm việc đi dự liên hoan mừng giám đốc mới, hay cán bộ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tới nhà giám đốc sở mới nhậm chức trong giờ hành chính để “biết nhà” hồi năm 2016.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Trinh Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/nguy-hai-tu-thoi-xu-ninh-1040922.html