Nguy cơ xung đột ở xứ Catalonia

Không phải vô cớ, tờ Guardian (Anh) dự đoán, Catalonia có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng trầm trọng hơn trong tuần này. Chính quyền Tây Ban Nha đối diện nguy cơ bất tuân từ các đơn vị công quyền và cả dân sự...

Đúng như dự đoán, chính quyền trung ương Tây Ban Nha hồi cuối tuần qua đã giải tán nghị viện Catalonia, phế truất thủ hiến Carles Puigdemont và các thành viên chính quyền khu vực này để mở đường cho một cuộc bầu cử mới. Quyết định nhằm phản ứng lại việc Catalonia tuyên bố độc lập này dự báo có thể khiến cuộc khủng hoảng ở Tây Ban Nha thêm trầm trọng.

Thủ hiến bị phế truất Carles Puigdemont tại Girona, Catalonia hôm 29/10

Cùng với quyết định giải tán nghị viện, Madrid đã phế truất thủ hiến Carles Puigdemont, sa thải lãnh đạo cảnh sát Josep Lluis Trapero. Toàn bộ hệ thống chính quyền Catalonia, từ cảnh sát tới tài chính, truyền thông…đều bị đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Thủ tướng Mariano Rajoy đã bổ nhiệm cấp phó, bà Soraya Saenz Santamaria chịu trách nhiệm đối với Catalonia. Catalonia dự kiến sẽ phải tổ chức bầu cử lại vào ngày 21/12.

Theo giới phân tích, có nhiều lý do khiến Madrid có thể đưa ra quyết định cứng rắn trên. Đầu tiên là việc phe ủng hộ độc lập ở Catalonia không tập hợp được đủ sự ủng hộ cần thiết. Các khảo sát được thực hiện thường xuyên cho thấy, nhiều trong số khoảng 5,3 triệu cử tri đủ điều kiện bầu cử ở Catalonia không ủng hộ ly khai khỏi Tây Ban Nha. Thứ hai, vẻ như quan trọng không kém, Madrid nhận được sự ủng hộ từ Mỹ và các đồng minh châu Âu, vốn đang lo lắng trước sự lây lan của chủ nghĩa cực hữu ở lục địa già. Tuy nhiên, quyết định của chính quyền Tây Ban Nha cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tạo ra các cuộc xung đột ở Catalonia, xuất phát bởi sự chia rẽ sâu sắc trong công chúng.

Các quyết định trên của Madrid được thực thi thông qua việc kích hoạt điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha. Tờ DW của Đức mô tả, đây là một “lựa chọn hạt nhân”, hay nói như cựu Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Maria Garcia, nó không khác một quả bom nguyên tử. Với việc kích hoạt điều 155, chính quyền trung ương Tây Ban Nha có quyền áp thực thi mọi biện pháp cần thiết để buộc xứ Catalonia tự trị phải tuân thủ, điều chưa từng xảy ra trong gần 40 năm. Nó có thể làm tổn thương sâu sắc tới những người ủng hộ Catalonia độc lập, dẫn tới những phản kháng mạnh mẽ hơn.

Không phải vô cớ, tờ Guardian (Anh) dự đoán, Catalonia có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng trầm trọng hơn trong tuần này. Chính quyền Tây Ban Nha đối diện nguy cơ bất tuân từ các đơn vị công quyền và cả dân sự, đúng như lời hiệu triệu của ông Carles Puigdemont. Theo Guardian, nhiều trong số 200.000 nhân viên công lực ở Catalonia đã tuyên bố sẽ không tuân theo lệnh của Madrid. Một tổ chức công đoàn tại Catalonia đã kêu gọi đình công trong 10 ngày để phản đối chính quyền trung ương. Dù cảnh sát trưởng Trapero khẳng định sẽ chấp hành việc bị sa thải, nhưng phản ứng của lực lượng 17.000 người thuộc Mossos d’Esquadra (tổ chức cảnh sát Catalonia) vẫn rất khó đoán.

Ngay cả trong trường hợp Madrid có thể tổ chức một cuộc bầu cử vào đúng ngày 21/12 như kế hoạch tại Catalonia để thành lập nên chính quyền mới thì cuộc khủng hoảng ở vùng này cũng khó chấm dứt. Khảo sát gần đây cho biết, các đảng phải ủng hộ độc lập ở Catalonia có thể chỉ giành được 42,5% phiếu bầu, so với 43,4% của phe phản đối. Tuy nhiên, kết quả do tổ chức Sigma Dos tiến hành trên 1.000 người này trở nên không đáng tin khi được đăng trên tờ El Mundo, vốn ủng hộ chính quyền trung ương Madrid. Trong khi đó, Guardian cho hay nhiều khảo sát khác cho thấy nghị viện mới của Catalonia sẽ vấn chiếm đa số bởi những người có tư tưởng độc lập. Tới chừng đó, chính quyền Tây Ban Nha ắt khó có thể “kê cao gối ngủ” nếu không tìm được một giải pháp thỏa hiệp với phe ly khai.

AN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nguy-co-xung-dot-o-xu-catalonia-post205655.html