Nguy cơ xóa sổ nền văn hóa du mục của người Dukha, Mông Cổ

Tại khu vực phía bắc miền trung Mông Cổ, dọc biên giới với Nga, người Dukha đã sống cuộc sống du mục qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, hiện nay nền văn hóa truyền thống của họ đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

 Khung cảnh văn hóa được tái hiện qua các bức ảnh trong một khu rừng gần làng Tsagaannuur, Khovsgol Aimag, Mông Cổ

Khung cảnh văn hóa được tái hiện qua các bức ảnh trong một khu rừng gần làng Tsagaannuur, Khovsgol Aimag, Mông Cổ

Người Dukha đang lo lắng về nguy cơ mai một bản sắc do lệnh bảo tồn của chính phủ cấm săn bắn không có giấy phép trên hầu hết vùng đất truyền thống của họ

6 năm trước, Chính phủ Mông Cổ đã bổ sung hầu hết các khu vực chăn thả gia súc của người Dukha vào công viên quốc gia, nhằm ngăn chặn nạn săn bắn không được kiểm soát đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ trước

Đàn tuần lộc được đưa đến các điểm chăn thả gần khu vực sinh sống hai lần một ngày

Cô bé Tsetse dành nhiều giờ mỗi ngày để cưỡi trên lưng tuần lộc, điều khiển chúng bằng sự kết hợp giữa các mệnh lệnh bằng giọng nói, chọc, đá gót và kéo dây xích

Tuần lộc thay gạc (sừng) mỗi năm một lần vào cuối mùa xuân đến đầu mùa hè. Con cái có gạc dài hơn con đực

Một người đàn ông Dukha chăn thả đàn tuần lộc khoảng 300 con, là tổng tài sản của 4 gia đình

Người dân thức dậy, ăn sáng rồi thả đàn tuần lộc, tập hợp chúng lại vào lúc 12h trưa, sau đó thả một lần nữa. Khoảng 7h hoặc 8h tối họ lại dồn chúng lại

Trong thời gian đàn tuần lộc được chăn thả, người phụ nữ trong gia đình sẽ chặt gỗ (củi), làm một số công việc khác và chuẩn bị thức ăn cho cả nhà

Bác sĩ Davaajav Nyamaa cưỡi tuần lộc đến thăm những người du mục. Nyamaa là người dân tộc Darkhad, những người chăn gia súc đến từ phía bắc Mông Cổ

Ông sử dụng điện thoại để gọi bệnh nhân. Những người du mục sử dụng ăng ten lớn, gắn vào cây để kết nối với mạng di động 3G

Bà Baigalmaa Munkhbat chuẩn bị thức ăn cho gia đình trong lều. Chế độ ăn của người Dukha chủ yếu là thịt và các sản phẩm làm từ bột mì, như bột để làm bánh bao và một loại mì ống địa phương

Trà sữa mặn là đặc trưng của Mông Cổ nói chung và người Dukha nói riêng, được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như lá trà, nước, sữa, muối, bơ và thường được uống nóng

Bà Jargal Gomboses nói chuyện với con gái và cháu gái của mình rằng: "Trong thời của bà, mọi thứ, như gạo và bột, thực sự rất hiếm. Nhưng bây giờ, miễn là có tiền, có thể lấy bất cứ thứ gì, bất kỳ quần áo nào"

"Khi bà còn trẻ, mọi người không có bất kỳ thứ gì như điện thoại, vì vậy chỉ biết được tin tức khi đi xuống trung tâm làng. Nhưng bây giờ mọi người có điện thoại và cả tivi"

Một khoản trợ cấp đang được trả cho các gia đình bị ảnh hưởng. Một số người đã sử dụng số tiền đó để rời khỏi cuộc sống du mục và chuyển đến những ngôi làng khác

Đây là nơi thế hệ tiếp theo dành cả ngày trong nhà và lớp học, thay vì với tuần lộc, lều và rừng

Tsagaannuur là ngôi làng gần nhất dành cho những người chăn tuần lộc sống trong rừng. Nó được xây dựng trong thời Liên Xô cũ để hỗ trợ những người đánh cá, trong đó có nhiều người Dukha, cho đến khi ngừng hoạt động

Gia đình bé Taivan đã quyết định sử dụng trợ cấp hàng tháng của chính phủ thuê một ngôi nhà trong làng, để mẹ có thể ở cùng em và anh trai trong năm học

Những người trong độ tuổi từ 35 đến 40 thuộc thế hệ cuối cùng nói ngôn ngữ Dukhan, nhà ngôn ngữ học Elisabetta Ragagnin cho biết. Cùng các giáo viên của trường Tsagaannuur, cô đang viết ngữ pháp và sách giáo khoa bằng tiếng mẹ đẻ của dân du mục để giúp bảo tồn ngôn ngữ truyền thống

Otgonkhuu Tseveen, con trai của một gia đình Dukha, nói chuyện với giáo viên của mình tại trường làng Tsagaannuur rằng đôi khi cha mẹ cậu nói chuyện bằng tiếng Dukha và cậu nghe được một vài từ. “Mặc dù biết một chút nhưng tôi không thể nói một câu đầy đủ bằng ngôn ngữ truyền thống"

Tuệ Minh (Theo Theatlantic)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/anh-nguy-co-xoa-so-nen-van-hoa-du-muc-cua-nguoi-dukha-mong-co/825963.antd