Nguy cơ xe máy cũ nát thành 'rác' đô thị (Bài 3): Giải pháp nào?

Những phương tiện xe máy cũ nát có nguy cơ gây phát thải khí độc hại ra môi trường... Vậy làm thế nào để quản lý, hạn chế được vấn đề này?!

Hiện nay, Hà Nội có khoảng gần 6 triệu xe máy và tốc độ tăng trưởng của loại hình phương tiện này trên 10%/năm. Trong đó, có hàng triệu xe máy đã được sử dụng với thời hạn đã lâu, thậm chí có những xe máy được mua và sử dụng lên tới 30 năm. Mặc dù thành phố đã có kế hoạch tiến hành thu hồi những phương tiện xe máy cũ nát nhưng quá trình này đang gặp một số khó khăn do hành lang pháp lý chưa được đầy đủ hoàn thiện.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng- Phó trưởng Phòng CSGT, công an thành phố Hà Nội cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là các phương tiện xe máy chưa có quy định về niên hạn nên việc xác định các phương tiện xe máy cũ, nát không đơn giản. Bởi thực tế cho thấy, có nhiều phương tiện được mua từ lâu nhưng thời giant ham gia giao thông thực tế trên đường ít nên chất lượng phương tiện không bị ảnh hưởng nhiều theo thời gian nên đòi hỏi cần phải có sự kiểm định để đưa ra quyết định chính xác. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng nêu ý kiến:

“Mặc dù việc xử lý xe cũ nát xe không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông là cần thiết nhưng cần phải có sự sàng lọc và tính toán một cách kỹ lưỡng đối với những phương tiện có quá trình sử dụng ít thì khi xử phạt hay theo niên hạn phải có sự tính toán làm sao cho phù hợp Trước hết phải điều chỉnh lại văn bản quy phạm pháp luật về việc niên hạn đối với xe mô tô, xe gắn máy”.

Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Hữu Minh- Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn Quốc gia cho rằng, việc thiếu những văn bản quy định, quy chuẩn về khí thải đối với xe máy sẽ khiến cho quá trình thu hồi xe máy gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, để thực hiện được việc thu hồi các phương tiện này, thì trước hết cần có những quy định, quy chuẩn về khí thải cụ thể. TS Trần Hữu Minh nhấn mạnh:

“Việc đầu tiên chúng ta cần làm là xây dựng các quy định của pháp luật liên quan đến niên hạn liên quan đến tình trạng kỹ thuật phương tiện liên quan đến khí thải. Sau khi ban hành rồi, cần có 1 giai đoạn nhất định để tăng cường tuyên truyền cho người dân, sau đó thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Như vậy thì đó là 1 lộ trình rất phù hợp có thông tin có cảnh báo, có quy định pháp luật thì chúng ta mới thực hiện được”.

Trong khi đó, TS Đỗ Khắc Sơn- Giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, những phương tiện xe ô tô, xe máy cũ nát có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường không khí của đô thị và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, chính quyền các đô thị sẽ hạn chế những phương tiện xe máy cũ, nát đi vào trong khu vực trung tâm. TS Đỗ Khắc Sơn nói:

“Đối với 1 số thành phố lớn của Việt Nam để kiểm soát lượng phát thải thì thứ nhất là đối với ô tô phải nâng chuẩn và hạn chế những phương tiện cũ nát đi vào trong thành phố vì những phương tiện đó phát thải ô nhiễm lớn. Và những phương tiện đó không nên cho đi vào trong thành phố và chỉ cho phép chạy ở vùng ngoại ô, bên ngoài, thoáng. Khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thân thiện đối với môi trường”.

KTS Trần Huy Ánh- Hội viên hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc ban hành, thông báo các tiêu chuẩn, quy định về xe cũ, nát chính quyền các đô thị cũng nên cân nhắc đến việc phân loại và thu mua những phương tiện này. Song song với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhân thức của người dân về những ảnh hưởng, tác động tới môi trường của những phương tiện này. KTS Trần Huy Ánh nêu ý kiến:

“Trong tiềm thức của người dân đã nhận ra và đến 1 ngày nào đó người ta chỉ cần thông báo những xe cũ nát gây ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến tiếng ồn, gây ảnh hưởng cho xã hội thì sẽ không hoạt động nữa. Ngoài ra đối với việc phân khu thành các khu khác nhau để thu phí vào trung tâm hay tăng cường dịch vụ cho thuê cũng làm cho người dân bớt sử dụng thay đổi phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó thay đổi phương tiện để bà con chở hàng hóa, có việc làm đi lại trong thành phố, có việc làm”.

Trung Quốc là quốc gia có kinh nghiệm trong việc thu hồi và xử lý những xe máy cũ nát. Thông qua việc thành lập những Trung tâm thu hồi xe cũ để mua lại những chiếc xe cũ nát với giá rẻ, dần dần người dân Trung Quốc đã tự nguyện mang những xe cũ nát đến giao nộp cho chính quyền và thậm chí phải nộp phí đối với những phương tiện đã thực sự cũ.

PV có cuộc trao đổi vơi Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang- Nghiên cứu sinh của Đại học Theo (Twele) Hà Lan về bài học kinh nghiệm của Trung Quốc và những lưu ý cho Hà Nội.

PV: Thưa ông, xin ông chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát các phương tiện cũ của các đô thị trên thế giới?

Chuyên gia GT Nguyễn Ngọc Quang: Đối với các nước, người ta kiểm định dịnh kỳ đối với ô tô. Xe nào không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải và tiêu chuẩn về an toàn sẽ bị phạt. Nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ bị thu hồi. Đối với Trung Quốc một số thành phố đã áp dụng chính sách cấm sử dụng xe máy chạy xăng và thu hồi những xe cũ. Đối với những nước như Trung Quốc thì người ta có chính sách tương đối mạnh mẽ và có sự hỗ trợ về mặt tài chính rất rõ ràng. Đối với người dân không thu hồi.

PV: Để thực hiện thu hồi xe máy cũ nát, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, theo ông, Hà Nội cần lưu ý gì?

Chuyên gia GT Nguyễn Ngọc Quang: Hà Nội có chủ trương dừng hoạt động của xe máy sau 2025 và thu hồi xe máy cũ nát. Tuy nhiên tôi thấy đây là nhiệm vụ tuy cần thiết nhưng rất khó thực hiện.

Hiện tại ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy định như thế nào là xe cũ nát, nhiều xe cũ những chưa chắc đã nát, vì cũ nhưng vẫn đi lại được, đảm bảo an toàn. Hiện nay chúng ta chưa có những quy định nên việc thu hồi rất khó.

Hiện nay những ai đi xe cũ nát, những người nghèo đang chật vật làm ăn buôn bán, không có tiền mu axe cũ mới phải mua cũ nát. Vậy thu hồi như thế nào? Theo quan điểm của tôi tương đối khó nên đặt rõ ra, nếu xe không đảm bảo an toàn về mặt lưu thông sẽ thu hồi hoặc xử lý, đảm bảo an toàn về mặt giao thông.

Thứ hai là những phương tiện có lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép cũng bị xử lý. Hiện nay Việt Nam định kỳ kiểm soát ô tô nên sẽ đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. Chúng ta có thể có những chế tài xử lý hợp lý về mặt luật pháp. Đối với xe máy, khó là từ trước đến nay chưa có quy định về kiểm định, tiêu chuẩn về an toàn giao thông, tiêu chuẩn về khí thải nên đây là 1 vấn đề tương đối khó.

Đối với Hà Nội để ban hành xe cũ nát cần ban hành những tiêu chuẩn rõ ràng và xác định những đối tượng như thế nào sẽ bị thu hồi, những đối tượng nào sẽ bị xử lý về mặt kỹ thuật. Và những người sử dụng phương tiện xe máy cũ nát phải có sự hỗ trợ về mặt tài chính để khuyến khích họ. Trước mắt ở Việt Nam nên thực hiện những chính sách khuyến khích trước sau đó mang tính cưỡng chế.

PV: Xin cám ơn ông!

Để giảm thiểu những ảnh hưởng đến môi trường đô thị, thì việc hạn chế các phương tiện cá nhân trong đó có việc thu hồi xe máy cũ nát là một chủ trương đúng của thành phố.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần xây dựng một lộ trình cụ thể, rõ ràng mà trước mắt cần hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn về kiểm soát nồng độ khí thải phương tiện và tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đối với xe máy, niên hạn phương tiện.

Song song với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc nhận thức được những tác hại của phương tiện cũ nát, từng bước từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, có như vậy mới đảm bảo sự phát triển bền vững của các đô thị.

Theo VOV giao thông

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nguy-co-xe-may-cu-nat-thanh-rac-do-thi-bai-3-giai-phap-nao-d68544.html