Nguy cơ xe máy cũ nát thành 'rác' đô thị (Bài 2): Những khó khăn trong việc thu hồi, loại bỏ

Việc thu hồi xe máy cũ nát là hành động cần thiết nhưng để thực hiện được vẫn còn rất nhiều khó khăn vì có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân...

Bỏ xe máy cũ nát - Khó cũng phải làm

Những năm gần đây, số lượng người xe máy cũ nát tăng lên nhanh chóng, kéo theo hệ lụy là lượng khí xả thải có dấu hiệu tăng vọt làm môi trường không khí tại Hà Nội ngày càng ô nhiễm.

Thực tế này đòi hỏi cần có lộ trình và hành lang pháp lý để thải loại, thu hồi xe máy cũ nát, nhằm đảm bảo ATGT, giảm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng đến nay, lộ trình này vẫn chưa thể thực hiện được do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thành phố hiện có hàng triệu nhiều xe máy đã được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước; thậm chí có xe tuổi thọ đã trên 30 năm vẫn đang tham gia giao thông. Tuy nhiên, lộ trình thải loại xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội hiện đang gặp một số vướng mắc nhất định; chủ yếu là do hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện.

Việc chưa triển khai thực hiện Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố theo đúng lộ trình của Chính phủ là một khó khăn trong việc đề xuất quy định này trong thời gian tiếp theo. Cụ thể, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức rất khác nhau.

Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải xe mô tô, xe gắn máy, việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội phân tích về một số khó khăn để thực hiện công tác này:

"Xe máy bây giờ đang có hàng nghìn chiếc nhập lậu nên không biết niên hạn sử dụng, họ cũng không có đăng ký nên chúng ta rất khó lòng biết được năm tháng sản xuất và xuất xứ. Vậy chúng ta dùng căn cứ nào để thu hồi. Thứ hai là các loại xe được gióng lại hay còn gọi độ lại, họ mua máy một chỗ, khung một chỗ rồi về lắp ráp lại thì cũng rất lúng túng để cơ quan chức năng xác định loại xe này là cũ nát. Cái thứ 3 là làm sao để thu hồi, thì tôi cho là rất khó khăn".

Mặt khác, việc thu hồi xe máy cũ nát nhằm giúp các nhà quản lý kiểm soát được lượng khí thải độc hại xả ra từ loại phương tiện này. Để biết được những chiếc xe máy có lượng xả thải bao nhiêu, công nghệ máy móc còn phù hợp với tình thế xã hội và môi trường hiện tại nữa hay không thì cần phải có thời gian và quá trình kiểm định, đo lường mức độ khí thải và chất lượng máy móc của từng xe.

Để thực hiện được điều này thì cần phải xây dựng đề án cụ thể, có kế hoạch rõ ràng và thực hiện đồng bộ. Vì thế, để có căn cứ xử lý các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo ATGT và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Ý kiến các chuyên gia đóng góp cho vấn đề này:

"Đối với xe máy hiện nay mình chưa có quy chuẩn là phải kiểm định. Tôi thấy xe máy nào cũng có thể lưu hành được, có những cái xe trông rất là cũ kỹ mà vẫn cho lưu hành trên phố, cho nên cần kiểm định xem xe nào đủ điều kiện để lưu hành, bởi vì rõ ràng là có những chiếc xe để lưu thông trên đường phố rất nguy hiểm".

"Phải có sự vào cuộc của các bộ ngành, chứ riêng Bộ Giao thông không làm được, mà riêng Thành phố Hà Nội cũng không làm được. Bộ Giao thông là đưa ra các quy định để triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng cần có kiểm soát của lực lượng chức năng, của ngành công an, của thanh tra giao thông, của ngành y tế, của ngành tài nguyên môi trường và chính quyền các đô thị Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ".

Liên quan tới việc thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, người dân không cần quá lo lắng vì việc thải bỏ xe gắn máy là do người tiêu dùng quyết định chứ không bắt buộc phải thải bỏ khi chưa có các quy định pháp luật khác về môi trường, các điều kiện kỹ thuật phương tiện cao hơn. Còn đối với các loại xe có niên hạn sử dụng, khi hết niên hạn sử dụng, các nhà sản xuất sẽ phải có trách nhiệm tổ chức điểm thu hồi, xử lý theo đúng quy định.

PV: Thưa Tiến sĩ Khương Kim Tạo, theo ông đâu là những khó khăn, vướng mắc trong các quy định đối với việc thu hồi xe máy cũ nát ở Hà Nội?

Tiến sĩ Khương Kim Tạo: Các quy định đối với việc thu hồi xe máy cũ nát có mục tiêu là thu gom an toàn, xử lý an toàn, đảm bảo vấn đề ô nhiễm môi trường; còn xe máy cũ nát mà thuộc sở hữu của người dân mà người dân không mong muốn bị thu gom thì không ai có quyền thu hồi.

Nhưng đối với các bộ phận của xe như ắc quy, xăm lốp gây tổn hại tới môi trường thì các đơn vị sản xuất phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng và người dân để thu gom và xử lý. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ kinh phí để hỗ trợ việc thu gom này. Còn xe nào không phải bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, bảo vệ môi trường thì không được phép lưu hành nên các phương tiện được bảo dưỡng tốt, đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn lưu thông thì sẽ được lưu hành.

PV: Vậy ông có đóng góp gì để chúng ta đạt được mục tiêu loại bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành nhưng cũng đảm bảo các quyền lợi của người sở hữu phương tiện?

Tiến sĩ Khương Kim Tạo: Chúng ta nên có những quy định rõ ràng hơn để xử phạt phương tiện không đủ điều kiện lưu hành lần 1, lần 2, lần 3 và sau đó cấm lưu hành. Đó là những chế tài cụ thể để loại bỏ những phương tiện gây tổn hại an toàn và môi trường tham gia giao thông, từ đó gây ra tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Đối với niên hạn sử dụng của mô tô, xe gắn máy cũng cần sớm ban hành các quy định đầy đủ để lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý phương tiện này. Như thế sẽ đảm bảo các phương tiện an toàn và quyền lợi cho người sở hữu phương tiện.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Xe máy đang chiếm tới 90% lượng phương tiện giao thông, trong đó hàng triệu xe máy cũ nát. Đây được khẳn định là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường tại Thủ đô. Vì thế, xây dựng một lộ trình cụ thể để loại bỏ và thay thế những chiếc xe máy cũ nát là việc cần làm ngay vì một Hà Nội văn minh và phát triển bền vững. Vậy giải pháp nào để xử lý xe máy cũ nát, tránh nguy cơ xe máy cũ trở thành "rác" đô thị?

Theo VOV giao thông

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nguy-co-xe-may-cu-nat-thanh-rac-do-thi-bai-2-nhung-kho-khan-trong-viec-thu-hoi-loai-bo-d68545.html