Nguy cơ vỡ đê rất cao trong mùa mưa bão

Công tác đảm bảo an toàn chống lũ đang gặp nhiều thách thức do hệ thống đê điều xuống cấp, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều diễn biến phức tạp... Nỗi lo về hệ thống đê xuống cấp là có thực khi mà cả nước còn 230 điểm trọng yếu, nguy cơ lớn mất an toàn, trong khi theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cuối năm nay có thể xảy ra nhiều trận lũ lớn bởi theo quy luật sau hạn hán là mưa lũ lớn.

Tuyến đê biển Tây ở tỉnh Cà Mau thường xuyên bị sạt lở do sóng biển. Ảnh: Bích Nguyên

Tuyến đê biển Tây ở tỉnh Cà Mau thường xuyên bị sạt lở do sóng biển. Ảnh: Bích Nguyên

Nguy cơ mất an toàn đê điều bất cứ lúc nào

Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có dân số trên 26 vạn người. Do nằm giữa sông Ninh Cơ, sông Sò và áp sát biển Đông nên huyện Hải Hậu thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, nhất là lũ, bão, nước dâng, xâm nhập mặn. Thực tế trong nhiều năm qua, hệ thống đê huyện Hải Hậu thường xuyên bị sạt lở, đe dọa tới cuộc sống của người dân. Trong đó, cơn bão số 7 năm 2005 đã làm vỡ gần như toàn bộ tuyến đê biển của huyện, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Cơn bão số 10 năm 2017 gây hư hỏng nặng mái đê phía đồng Cồn Tròn, Hải Thịnh III, thị trấn Thịnh Long, nhiều vị trí mái bị sạt đến sát mặt đê, sâu 3-5m; 940m mái đê phía biển bị sạt lở.

Ông Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: “Do biển Hải Hậu thuộc vùng biển tiến, biển thoái nên tuyến đê biển vô cùng xung yếu, thường xuyên xảy ra các sự cố khi gặp bão lớn, triều cường và được xác định là trọng điểm trong công tác phòng, chống bão của tỉnh Nam Định. Nguy cơ vỡ đê rất cao mỗi mùa mưa bão. Đến nay, tuyến đê biển Hải Hậu đã cơ bản được kiên cố nâng cấp nhưng chỉ có khả năng chống được bão cấp 9, còn 10km chưa được kiên cố, nhiều đoạn bị sụt sạt, có nguy cơ cao trong mùa bão”.

Hiện nay, tuyến đê sông và các cống thủy sản tại huyện Hải Hậu đã xuống cấp. Ông Điền cho biết, đê Tả Ninh còn khoảng 5,6km đê chưa đủ cao trình thiết kế, có một số tuyến kè xung yếu như kè Phú Văn, kè Giáp Quý. Ngoài ra, tuyến đê hữu sông Sò hiện còn 4,5km đê chưa đủ cao trình thiết kế và có 6 cống thủy sản cũ nên chưa đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) cần phải xây dựng phương án bảo vệ trong mùa lũ bão.

Huyện Hải Hậu chỉ là một trong số các địa phương có nhiều tuyến đê luôn bị đe dọa mỗi mùa mưa bão. Tổng cục PCTT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hệ thống đê điều nước ta có quy mô lớn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác PCTT, lụt, bão, là lá chắn bảo vệ đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Toàn quốc hiện có hơn 9.000km, trong đó, hơn 2.700km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Năm 2019, đã xảy ra một số sự cố đê điều, điển hình là triều cường vượt lịch sử kết hợp với gió mùa Đông Nam mạnh vào đầu tháng 8-2019 gây nước dâng và sóng cao trên 3m làm tràn đỉnh đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; mưa lớn tại Tây Nguyên, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, làm vỡ đê bao Quảng Điền (tỉnh Đắk Lắk)...

Điều lo ngại là hệ thống đê điều do chịu tác động từ các loại hình thiên tai và cả hoạt động của con người đang bị xuống cấp, hư hỏng. Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho hay: “Trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại 230 trọng điểm xung yếu, 399km đê còn thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt nhỏ hẹp; 459 cống cũ, hư hỏng; 158km kè hư hỏng, xung yếu”. Nếu các trận mưa cực đoan như trận mưa lớn năm 2008 gây lụt tại Thủ đô Hà Nội, mưa lũ lịch sử năm 2015 tại khu vực Đông Bắc, năm 2017 tại miền Trung... xảy ra ở phía thượng lưu của lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình khi các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn đã sử dụng hết dung tích phòng lũ cho hạ du, thì khả năng xảy ra lũ lớn, lũ vượt tần suất thiết kế trên hệ thống sông là rất cao, uy hiếp an toàn đê điều.

Đánh giá về thực trạng đê điều hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, hệ thống đê cấp III hiện có 230 điểm xung yếu, có nguy cơ mất an toàn đê điều bất cứ lúc nào. Ngoài ra, có 2 nguy cơ đáng lo, đó là các vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng; trong thời gian dài không có lũ lớn nên một số địa phương chủ quan, đồng thời, hệ thống đê điều chưa được thử sức chịu đựng nên không đánh giá hết được khả năng chống lũ.

Vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng

Ông Trần Công Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục PCTT cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng đi trên đê làm hư hỏng mặt đê, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ. Từ năm 2011 đến hết tháng 5-2020, xảy ra 10.678 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Các cơ quan chức năng mới giải tỏa, xử lý được 3.276 vụ, còn 7.402 vụ chưa xử lý được. Trong đó, 5 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 126 vụ, giải tỏa, xử lý được 55 vụ, còn tồn đọng 71 vụ.

Trong khi đó, công tác hộ đê còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo ông Vũ Xuân Thành, việc phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu sự cố đê điều mang tính quyết định, tuy nhiên, những năm gần đây, việc tổ chức và thực hiện công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động đang bị lơ là, xem nhẹ và thực hiện không đầy đủ. Bên cạnh đó, phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê chưa sát thực tế và tình huống có thể xảy ra; lực lượng tham gia hộ đê lúng túng.

Để đảm bảo an toàn đê điều trong mùa lũ bão, Tổng cục PCTT yêu cầu các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện. Kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn các công trình PCTT và cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn trước thiên tai. Nhất là đảm bảo an toàn cho hơn 9.078km đê, hàng nghìn kè, cống; xử lý các vụ vi phạm pháp luật tồn đọng và ngăn chặn tình trạng tái diễn, vi phạm mới. Đồng thời, xây dựng các kịch bản, phương án, tổ chức huy động lực lượng kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả, đảm bảo sớm ổn định đời sống sản xuất và tái thiết sau thiên tai.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguy-co-vo-de-rat-cao-trong-mua-mua-bao-post430511.html