Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp: Thông tin đáng sợ từ chuyên gia

Chuyên gia: đập Tam Hiệp bị dịch chuyển do lỗi thiết kế, bê tông xây dựng không đạt chuẩn, cấu trúc bị cong vênh.

Tình trạng đập Tam Hiệp - được xem là đập thủy điện lớn nhất thế giới – đang là mối lo ngại lớn những ngày qua, trong bối cảnh Trung Quốc đang hứng chịu đợt mưa lớn và kéo dài.

Đập Tam Hiệp được xây ở thượng nguồn sông Dương Tử, thuộc địa phận TP Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc (trung Trung Quốc).

Nghi ngờ lụt do đập Tam Hiệp xả lũ

Đợt mưa bắt đầu từ đầu tháng 6, ảnh hưởng đến cả 26 tỉnh thành khắp trung, đông, nam Trung Quốc, như Hồ Bắc, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Giang Tây, Quý Châu, An Huy…

Đập Tam Hiệp được xây trên thượng nguồn sông Dương Tử. Ảnh: SHANGHAIIST

Đập Tam Hiệp được xây trên thượng nguồn sông Dương Tử. Ảnh: SHANGHAIIST

Nhân dân Nhật báo ngày 27-6 xác nhận đã có 81 người chết và mất tích trong đợt mưa lũ này. Ngoài ra còn có tới 740.000 người phải sơ tán. Nhà chức trách Trung Quốc ước tính nước này đã thiệt hại 27 tỉ nhân dân tệ (3,8 tỉ USD) trong đợt mưa này. Đây là đợt mưa lũ nghiêm trọng nhất Trung Quốc kể từ đợt mưa lũ năm 1998 khiến hơn 2.000 người chết.

Dự kiến khu vực sẽ tiếp tục hứng mưa lớn trong tuần này.

Lụt ven sông Dương Tử tại Trùng Khánh.

Tân Văn xã ngày 28-6 dẫn lời quan chức TP Nghi Xương nói TP này đã hứng lượng mưa tới 17 cm trong những ngày qua, mức cao nhất trong 50 năm nay.

Tân văn xã ghi nhận, tính đến chiều 28-6, đã có hơn 650.000 người ở Nghi Xương và nhiều khu vực khác của tỉnh Hồ Bắc bị mưa lũ ảnh hưởng. Ngoài ra 79.000 ha hoa màu, hàng trăm ngôi nhà bị hư hại. Theo các trang tin Thepaper.cnChinanews ngày 27-6, nhiều khu vực ở TP Nghi Xương đang ngập trong nước, nhiều xe cộ bị kẹt trên đường phải nhờ đến cứu hộ.

Lụt ở Nghi Xương.

Đáng chú ý, TP Nghi Xương cách đập Tam Hiệp chỉ 40 km.

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc đều đưa tin theo hướng TP Nghi Xương bị ngập và xảy ra lũ lụt là do mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên hiện có nhiều người nghi ngờ TP Nghi Xương bị ngập là do đập Tam Hiệp xả lũ. Chưa có ý kiến chính thức của chính phủ Trung Quốc về việc này.

Nước trong hồ chứa cao hơn mức cho phép 2 m

Theo truyền thông Trung Quốc, thời điểm hơn một tuần trước, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp đã cao hơn mức cảnh báo lũ. Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CNTV, nước bên trong đập Tam Hiệp vẫn đang tiếp tục tăng lên và đã cao hơn 2 m so với mức cho phép.

Tuy nhiên Hoàn cầu Thời báo dẫn lời ông Quách Tấn – nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu địa chấn Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp vẫn an toàn vì có khả năng chứa lượng nước lớn hơn nhiều. Truyền thông Trung Quốc nói nguy cơ vỡ đập chỉ là tin đồn của truyền thông phương Tây.

Đập Tam Hiệp xả nước ngày 13-5-2006. Ảnh: China Photos/GETTY IMAGES

Trang tin Taiwan News đưa lo ngại của nhiều chuyên gia rằng hiện đập Tam Hiệp có nguy cơ rất lớn sẽ bị vỡ, khi lượng nước từ trên thượng nguồn đổ về thuộc hàng lớn nhất cả 80 năm nay. Taiwan News cho rằng đập Tam Hiệp đang đối mặt thách thức lớn nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2003.

Theo Taiwan News, dù đập Tam Hiệp từng được Bắc Kinh khen ngợi là một trong những thành tựu kỹ thuật lớn nhất trong lịch sử loài người nhưng hiện tính toàn vẹn cấu trúc của nó đang bị đặt câu hỏi.

Thông tin đáng sợ từ chuyên gia

Taiwan News dẫn lời nhà thủy văn học Wang Weiluo (người Đức gốc Trung Quốc) cho biết các hạng mục thiết kế, xây dựng và giám sát chất lượng con đập đều do cùng một nhóm người thực hiện, và công trình này được hoàn thành rất nhanh.

Ông Wang lo ngại đập Tam Hiệp khó có khả năng trụ được lâu. Theo thông tin từ ông Wang thì hiện con đập này đã có nhiều vết nứt, bê tông dùng xây dựng đập cũng không đạt tiêu chuẩn.

Công nhân quan sát đập Tam Hiệp xả nước sau một đợt mưa lớn ngày 24-7-2012. Ảnh: STR/AFP/GETTY IMAGES

Năm 2019 ông Wang từng có bài viết rằng con đập được đính lại bằng hàng chục khối bê tông độc lập rời nhau.

“Các khối bê tông này không nối kết với nền móng bên dưới, chúng chỉ gắn lên trên nó” – theo ông Wang.

Cả chục năm trước ông Wang từng nói con đập Tam Hiệp đã bị dịch chuyển do bị lỗi thiết kế. Nhiều chuyên gia nhà nước Trung Quốc cũng thừa nhận con đập đã bị dịch chuyện vài cm, nhưng trong giới hạn an toàn bình thường.

Năm ngoái từng xuất hiện một số hình ảnh cho thấy con đập có phần bị cong vênh.

Cũng theo ông Wang, sau trận lụt lớn năm 1998, Trung Quốc đã thuê nhiều chuyên gia phương Tây đánh giá lại chất lượng công trình đập. Các chuyên gia cho rằng thanh thép hàn của đập không đáp ứng tiêu chuẩn. Các công nhân Trung Quốc không hài lòng và nói sở dĩ các chuyên gia phương Tây đánh giá vậy là vì phân biệt chủng tộc.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh RFI (Pháp), chuyên gia Wang cho rằng chính phủ và truyền thông Trung Quốc cố tình không thừa nhận nguy cơ vỡ đập.

Ông Wang cảnh báo đập Tam Hiệp bị vỡ sẽ là thảm họa với dân sống ven hạ nguồn sông Dương Tử, cụ thể tính mạng khoảng 400 triệu người ở Vũ Hán, Nam Kinh và Thượng Hải sẽ bị đe dọa.

Khi con đập mới đi vào hoạt động, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói con đập có thể chịu đựng được các đợt lũ tồi tệ nhất và bền vững tới cả 10.000 năm. Một vài năm sau truyền thông Trung Quốc giảm xuống còn 1.000 năm. Và đến năm ngoái thì giảm lần nữa xuống còn 100 năm. Theo nhiều nhà quan sát, điều này cho thấy sự tự tin của Trung Quốc với con đập đã giảm dần.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/nguy-co-vo-dap-tam-hiep-thong-tin-dang-so-tu-chuyen-gia-921178.html