Nguy cơ từ vụ tấn công Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine

Theo phân tích của một kỹ sư người Việt ở Stockholm, không thể loại trừ hoàn toàn rủi ro về sự cố hạt nhân, tuy nhiên có thể nhận định rủi ro đó là rất rất nhỏ.

Liên quan vụ việc tòa nhà 5 tầng được dùng làm cơ sở đào tạo tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine bị trúng đạn pháo và cháy làm dấy lên lo ngại về một sự cố hạt nhân có thể xảy ra.

Dưới đây, VOV.VN giới thiệu bài phân tích của tác giả Phùng Việt Anh, Tiến sĩ chuyên ngành An toàn nhà máy điện hạt nhân, tốt nghiệp Trường Kĩ thuật Hoàng gia Thụy Điển (KTH). Anh đang sinh sống tại Stockholm, Thụy Điển.

Vị trí của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: CNN

Vị trí của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: CNN

Trước hết cần nói, việc giao tranh, bắn phá diễn ra trong phạm vi nhà máy là rất đáng lo ngại. Không thể loại trừ hoàn toàn rủi ro về sự cố hạt nhân, tuy nhiên hiện có thể nhận định rủi ro đó là rất nhỏ.

Các nhà máy điện hạt nhân hiện nay bao gồm cả Zaporizhzhia được thiết kế kỹ thuật theo triết lý bảo vệ nhiều lớp (defense in depth).

Một trong các lớp bảo vệ chính là vỏ bọc (containment) bằng bê tông thép gia cố. Bên trong vỏ bọc chứa các thành phần trọng yếu về an toàn của nhà máy như lò phản ứng, bơm làm nguội, v.v. Vỏ bọc này rất chắc chắn, có thể chịu được những tác động lớn, như động đất, các vụ nổ, thậm chí cả máy bay phản lực trực tiếp lao vào.

Các lớp bảo vệ chính khác như: vỏ thép lò phản ứng (reactor vessel) dày khoảng 200-300 mm, vỏ thanh nhiên liệu (cladding) thường bằng hợp kim Zircaloy dày khoảng 5 mm.

Lò phản ứng có hệ thống làm nguội lò thông thường và hệ thống làm nguội khi khẩn cấp để đảm bảo an toàn lò. Ngay cả khi lò đã đóng, hệ thống làm nguội phải tiếp tục vận hành trong thời gian khoảng 30 giờ. Hệ thống này yêu cầu điện năng từ lưới điện hoặc máy phát diesel dự phòng.

Để xảy ra sự cố nặng dẫn tới rò rỉ phóng xạ, tất cả các lớp bảo vệ chiều sâu phải bị phá vỡ. Xác suất để xảy ra tình huống này là rất rất nhỏ, bình thường vào cỡ hơn 10 000 hoặc hơn 100 000 năm xảy ra một lần.

Ngay nếu như xảy ra sự cố nặng rò rỉ phóng xạ như vậy, cũng sẽ không thể ở cấp độ như Chernobyl. Vì loại lò phản ứng và thiết kế kỹ thuật, an toàn của hai nhà máy này hoàn toàn khác nhau.

Và trong bất kỳ tình huống nào, tuyệt đối sẽ không có chuyện nhà máy điện hạt nhân có thể phát nổ như một quả bom hạt nhân.

Tất nhiên trong chiến tranh, có những rủi ro phi kỹ thuật khác có thể gộp vào. Nhưng cũng cần lưu ý là nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm trong lãnh thổ Ukraine cách Kyiv chưa tới 500 km, và cũng cách Moscow chưa tới 1000 km. Nếu sự cố rò rỉ phóng xạ lớn xảy ra, nó có thể không chỉ ảnh hưởng tới Ukraine, Kyiv mà còn tới Nga, Moscow. Mong là điều này sẽ khiến các bên liên quan đều cần phải kiềm chế hành động của mình vì an toàn của bản thân người dân trong nước cũng như an toàn của cả châu Âu.

Hiện có rất nhiều thông tin lan truyền thiếu tính khoa học hợp lý, cả trên mạng xã hội, truyền thông không chính thống, lẫn truyền thông chính thống, gây hoang mang, thậm chí hoảng loạn quá mức về các sự việc. Rủi ro là có, không thể loại trừ hoàn toàn, nhưng cũng không nên thổi phồng quá mức thực tế. Mọi người nên suy nghĩ, đối chiếu và cân nhắc kỹ khi tiếp nhận các nguồn thông tin./.

Phùng Việt Anh (Stockholm, 4/3/2022)

Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/blog/nguy-co-tu-vu-tan-cong-nha-may-dien-hat-nhan-zaporizhzhia-o-ukraine-post928422.vov