Nguy cơ tử vong khi tự mua thuốc điều trị tiểu đường không rõ nguồn gốc

Nhiều trường hợp chỉ nghe người quen giới thiệu đã tự ý mua thuốc 'tiểu đường hoàn' không rõ nguồn gốc xuất xứ, không theo đơn bác sĩ được bán tràn lan để điều trị bệnh đái tháo đường, dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

 Loại thuốc bệnh nhân L.T.K.A đã uống (hộp đựng không phải là hộp thực tế của thuốc)

Loại thuốc bệnh nhân L.T.K.A đã uống (hộp đựng không phải là hộp thực tế của thuốc)

Vừa qua, nữ bệnh nhân L.T.K.A (58 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được đưa vào khoa Nội của BV Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai trong tình trạng mệt, chóng mặt, nôn ói liên tục. Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, ghi nhận bệnh nhân tỉnh táo nhưng thở mệt, đường máu cao (290 mg/dl), được chẩn đoán nhiễm toan máu - đái tháo đường type 2 - tăng huyết áp.

Bệnh nhân bị nhiễm toan máu nặng với pH máu = 6.8 (người bình thường pH máu từ 7.35 - 7.45), đây là tình trạng rối loạn thăng bằng toan kiềm nặng có thể có nguy cơ bị tử vong. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực bằng việc truyền Insulin tĩnh mạch liên tục để kiểm soát đường huyết, dùng thuốc chống toan máu và truyền dịch cân bằng điện giải.

Qua khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân bị đái tháo đường và tăng huyết áp đã lâu, trước đây điều trị bằng thuốc tân dược theo toa của BS, nhưng gần đây có người quen giới thiệu nên bệnh nhân tự ý mua 1 loại thuốc được giới thiệu là thuốc Đông y gồm 2 loại: viên thuốc màu vàng, màu xanh, mỗi loại uống 8 viên/ngày. Sau khi uống được 4 ngày thì thấy mệt nhiều, càng uống càng mệt nên nhập viện.

Trước đó 3 tháng, khoa Nội của BV Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cũng đã tiếp nhận điều trị một trường tương tự là nam bệnh nhân Trần Thành D (61 tuổi, ở huyện Vĩnh Cửu) cũng tự ý mua loại thuốc như trên uống điều trị đái tháo đường. Bệnh nhân vào viện vì mệt nhiều, rối loạn tiêu hóa và đặc biệt là suy thận cấp và nhiễm toan máu. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ uống thuốc một ngày và nhập viện ngay khi có bất thường nên đã được cứu sống, hiện đang tái khám định kỳ điều trị bệnh đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp.

Loại thuốc bệnh nhân Trần Thành D đã sử dụng

Mới đây nhất vào đêm 19/2, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân (63 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) trong tình trạng suy đa tạng nghi do ngộ độc phenformin do tự ý điều trị đái tháo đường bằng viên “tiểu đường hoàn”. Dù được tích cực cấp cứu nhưng bệnh nhân đã tử vong sau đó.

Theo các bác sĩ nhận định, đối với những trường hợp trên, bệnh nhân đã uống loại thuốc có pha trộn hoạt chất Phenformin (là 1 loại thuốc điều trị đái tháo đường trước đây, nhưng đã bị cấm lưu hành từ rất lâu vì có thể gây nhiễm toan máu, suy thận và gây tử vong với tỷ lệ rất cao).

BS Trần Viết Hợi, BV Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết: “Không phải ai cũng được may mắn khi được phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu. Ở Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị tử vong sau khi tự ý mua thuốc Đông y trị tiểu đường về uống để tự chữa bệnh. Nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng về vấn đề này nhưng nhiều người dân vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của việc “tự chữa bệnh” mà không theo chỉ định của bác sĩ”.

BS Hợi cũng khuyến cáo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc trà trộn chất cấm phenformin và mạo danh thuốc Đông y. Vì vậy, người dân không nên tự ý đi mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh mà nên đến các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị theo toa của các bác sĩ chuyên khoa.

NGUYỄN THỦY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nguy-co-tu-vong-khi-tu-mua-thuoc-dieu-tri-tieu-duong-khong-ro-nguon-goc-post239388.html