Nguy cơ từ thực phẩm trong quá trình hội nhập

Đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước chứng minh rằng, người Việt Nam ngày càng 'mê thịt hơn rau' - nguyên nhân chủ yếu gây ra thừa cân, béo phì cũng như các bệnh về tim mạch, huyết áp. Trong khi đó, thực phẩm biến đổi gene - hiện có mặt ngày càng nhiều ở nước ta thì lại đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính an toàn.

PGS,TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam trình bày các nghiên cứu tại hội thảo.

Người Việt béo phì vì bỏ rau ăn thịt

Những năm gần đây, tình hình an ninh lương thực thực phẩm ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu lương thực ở nhiều nơi vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở các vùng Tây Nguyên, miền núi phía bắc và các vùng hay gặp thiên tai.

Tại buổi hội thảo khoa học với chủ đề "Dinh dưỡng, an ninh và an toàn thực phẩm trong bối cảnh hội nhập", do Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp CropLife Việt Nam tổ chức ngày 18-9 vừa qua, PGS,TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia đã khẳng định, người Việt hiện đang có những thói quen nguy hiểm trong ăn uống, tác nhân chính gây chứng béo phì, tim mạch và cao huyết áp.

Dẫn các số liệu thống kê, PGS,TS Lê Bạch Mai nhấn mạnh, nếu những năm 80 thế kỷ trước, hằng ngày mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 460g gạo, thì đến nay con số này chỉ còn khoảng 370g. Thế nhưng, thay vào khoảng chênh lệch đó lại là bánh mỳ hoặc các loại đồ ăn khác làm từ bột mỳ. Ngoài ra, các thực phẩm có tinh bột "tốt" từ khoai, củ cũng bị người Việt "ngó lơ" trong thời buổi hiện đại.

Đáng chú ý hơn cả là lượng thịt người Việt “nạp” vào cơ thể mỗi ngày. Năm 1985, mức tiêu thụ thịt trên đầu người ở nước ta chỉ là 13,6g, thì đến năm 2010 đã trở thành 85g và ngày càng tăng.

Trong khi đó, mức tiêu thụ rau xanh và quả ngọt lại cho thấy những nguy cơ đáng ngại. Cũng theo PGS,TS Lê Bạch Mai, sau hơn ba thập kỷ kể từ năm 1985, lượng rau mỗi người Việt ăn hằng ngày đã giảm đi 10%. Đối với quả ngọt, đến năm 2000, mức tiêu thụ có tăng so năm 1985, nhưng từ năm 2000 đến nay lại "dậm chân tại chỗ".

"Mức tiêu thụ rau xanh như vậy mới chỉ đạt 50% so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Từ khuyến cáo này, còn có thể thấy, thực phẩm từ các loại ngũ cốc tốt cho sức khỏe không được coi trọng ở Việt Nam, trong khi lượng thịt động vật thì lại gia tăng cao", nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia cảnh báo.

Cơ cấu năng lượng khẩu phần thay đổi theo hướng gia tăng tỷ lệ lipid và protein. Mức tiêu thụ thực phẩm giàu glucid đã qua chế biến, mức tiêu thụ quả chín cũng như các thức ăn động vật tăng lên rõ rệt. Sự thay đổi năng lượng khẩu phần này cần được kiểm soát kịp thời để hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.

Thực phẩm biến đổi gene có an toàn?

Cây trồng biến đổi gene bắt đầu được phổ biến rộng rãi từ năm 1996, được coi như một trong số nhiều giải pháp giúp bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm toàn cầu. Đặc biệt, công nghệ biến đổi gene kháng sâu bệnh và chống chịu thuốc trừ cỏ đã giúp giảm 8,2% lượng thuốc trừ sâu cần sử dụng, tăng thu nhập cho các nông hộ, tăng 659 triệu tấn sản lượng nông nghiệp trên toàn cầu và làm giảm 27,1 tỷ khí thải nhà kính.

Đến từ trung tâm nghiên cứu nổi tiếng thế giới về công nghệ sinh học và cây trồng PG Economics, TS Graham Brookes, Giám đốc PG Economics nhấn mạnh tại buổi hội thảo: “Trong hơn 20 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến việc ứng dụng công nghệ sinh học cây trồng tại các nước đang phát triển đóng góp như thế nào vào việc nâng cao năng suất, bảo đảm sản xuất an toàn, tăng trưởng thu nhập cho người dân, góp phần giảm đói, nghèo và suy dinh dưỡng tại một số khu vực nhạy cảm nhất với các vấn đề này trên thế giới”.

Theo số liệu nghiên cứu của PG Economics, cùng với gần 190 triệu héc-ta diện tích canh tác cây trồng biến đổi gene trên toàn cầu, việc tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ sinh học đã và đang mang đến các tính trạng, đặc tính dinh dưỡng có lợi, giúp bù đắp tình trạng suy giảm dinh dưỡng gây ra bởi biến đổi khí hậu trên một số loại cây trồng.

Liên quan đến những tranh cãi xung quanh cây trồng và thực phẩm biến đổi gene, PGS,TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam cho rằng, đến nay còn có nhiều tranh luận về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gene lên sức khỏe con người.

"Tuy nhiên, đa phần các tổ chức lớn và uy tín trên thế giới như WHO, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) đều khẳng định, thực phẩm biến đổi gene là an toàn, có giá trị dinh dưỡng tương tự như thực phẩm không biến đổi gene và chưa thấy có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe con người", ông Trương Hồng Sơn cho biết.

LINH PHAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/37671502-nguy-co-tu-thuc-pham-trong-qua-trinh-hoi-nhap.html