Nguy cơ từ sự chia rẽ

Tình hình Libya ngày càng xấu đi khi bạo lực leo thang dữ dội. Nhiều khu vực ở phía nam thủ đô Tripoli đã phải hứng chịu các vụ tiến công bằng đạn pháo, trong bối cảnh xung đột đẫm máu tiếp diễn giữa quân đội chính phủ được quốc tế công nhận và lực lượng do Tướng Kh.Haftar đứng đầu ở miền đông. Cộng đồng quốc tế lo ngại sự hậu thuẫn của bên ngoài đối với hai bên đối địch ở Libya càng làm tình hình quốc gia Bắc Phi này thêm rối ren, phức tạp.

Tình hình Libya ngày càng xấu đi khi bạo lực leo thang dữ dội. Nhiều khu vực ở phía nam thủ đô Tripoli đã phải hứng chịu các vụ tiến công bằng đạn pháo, trong bối cảnh xung đột đẫm máu tiếp diễn giữa quân đội chính phủ được quốc tế công nhận và lực lượng do Tướng Kh.Haftar đứng đầu ở miền đông. Cộng đồng quốc tế lo ngại sự hậu thuẫn của bên ngoài đối với hai bên đối địch ở Libya càng làm tình hình quốc gia Bắc Phi này thêm rối ren, phức tạp.

Cuộc xung đột ở Libya khiến hơn 200 người chết, gần 1.000 người bị thương và hàng nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA), được quốc tế công nhận, đã phát lệnh bắt giữ Tướng Kh.Haftar, người đứng đầu quân đội và ủng hộ chính quyền ở miền đông Libya. Tuy nhiên, lệnh này được phát đi chỉ mang tính hình thức bởi thực tế lực lượng của Tướng Haftar đang tiếp tục mở các đợt tiến công lớn nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.

Diễn biến phức tạp có nguy cơ dẫn tới làn sóng phần tử cực đoan bạo lực gia tăng tại Libya. Các phần tử khủng bố vốn đang hiện diện tại Libya có thể trỗi dậy. Trong khi đó, sự chia rẽ giữa các cường quốc về các vấn đề liên quan cuộc khủng hoảng ở Libya ngày càng sâu sắc. Anh đã đưa ra một dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn và giảm căng thẳng ngay lập tức ở Libya. Tuy nhiên, Nga bày tỏ quan ngại về những ngôn từ trong dự thảo nghị quyết chỉ trích chiến dịch tiến công của Tướng Haftar là mối đe dọa đối với sự ổn định của Libya. Cả hai cường quốc Mỹ và Nga đều khẳng định không thể ủng hộ dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) do Anh đề xuất. Nga cho rằng, dự thảo nghị quyết này đã không đưa ra được chứng cứ khi chỉ trích Tướng Haftar, trong khi Mỹ đề nghị có thêm thời gian để cân nhắc các lựa chọn.

Đặc phái viên LHQ về Libya G.Salame cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn tại quốc gia Bắc Phi, khi cáo buộc một số quốc gia đã khuyến khích Tướng Haftar tiến công vào Tripoli. Theo ông Salame, bên cạnh sự ủng hộ của Nga, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), nhiều nước khác cũng đã thể hiện quan điểm rằng, chiến dịch quân sự của Tướng Haftar là động thái phù hợp để chấm dứt sự chia rẽ chính trị tại Libya. Hội đồng Bảo an LHQ bị chia rẽ khi không thống nhất được cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng này. GNA đã kêu gọi sự ủng hộ của châu Âu nhằm chống lại lực lượng của Tướng Kh.Haftar. Trong bối cảnh đó, Đức đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức một cuộc họp khẩn về tình hình Libya, sau khi đàm phán về dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tại Tripoli không đạt được thỏa thuận.

Lo ngại “chảo lửa” xung đột ở Libya cháy lan đe dọa sự ổn định ở khu vực, các nước láng giềng của Libya kêu gọi một giải pháp chính trị để tránh leo thang quân sự. Chỉ có giải pháp chính trị và giải pháp đó phải nằm trong tay của chính người dân Libya, dưới sự bảo trợ của LHQ, mới có thể đưa Libya thoát khỏi tình hình rối ren hiện nay. Xung đột tiếp diễn gây lo ngại làm phát sinh thêm cuộc khủng hoảng người di cư Libya. Thủ tướng Libya F.Sarraj cảnh báo, khoảng 800 nghìn người di cư dự kiến sẽ tràn vào Italy và châu Âu để chạy trốn khỏi xung đột. Trong số những người di cư không loại trừ có cả tội phạm và các phần tử thánh chiến có liên hệ với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn đang “đục nước béo cò” ở quốc gia Bắc Phi.

Hơn tám năm kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo M.Gaddafi, Libya vẫn chia rẽ chính trị và leo thang bạo lực. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp giúp chấm dứt xung đột ở Libya, song hòa bình ở quốc gia này lại phụ thuộc phần lớn vào thiện chí của các bên. Nếu một đất nước Libya thật sự duy trì được đoàn kết thì bên ngoài khó có thể can thiệp và cũng không có chỗ cho khủng bố và bạo lực gia tăng. Một giải pháp chính trị thông qua đối thoại giữa các đảng phái là lựa chọn duy nhất có thể hạ nhiệt căng thẳng hiện nay và giúp Libya không phải đón thêm một “Mùa xuân A-rập” đau thương.

VÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/39915202-nguy-co-tu-su-chia-re.html