Nguy cơ từ những ổ dịch Covid-19 trong các gia đình

Từ một người mắc bệnh, các thành viên khác trong gia đình cũng được phát hiện dương tính với virus. Đây là thực tế đang diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước.

Việt Nam đang phải đối mặt cùng lúc đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn. Đặc biệt, nhiều chùm ca bệnh lây lan trong gia đình đã được phát hiện.

Phong tỏa cả xã, huyện vì những “ổ dịch thu nhỏ”

Hà Nam là địa phương đầu tiên ghi nhận bệnh nhân trong làn sóng Covid-19 mới bùng phát. Đó là BN2899 (nam, 28 tuổi, trú tại Hà Nam, mắc Covid-19 sau thời gian cách ly tập trung tại Đà Nẵng), được Bộ Y tế công bố vào ngày 29/4.

Chỉ một ngày sau, 7 người khác trong gia đình người đàn ông này cũng mắc Covid-19, trong đó, có con gái một tuổi của BN2899.

Sau khi phát hiện ổ dịch này, Hà Nam phải phong tỏa nhiều thôn, xã vì ca mắc Covid-19. Tổng số F1, F2 truy vết lên tới hơn 5.000 người.

 Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Hà Nam. Ảnh: CDC Hà Nam.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Hà Nam. Ảnh: CDC Hà Nam.

Tại Hà Nội, trưa 7/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận 7 người nhiễm nCoV. Trong số này, bệnh nhân đầu tiên là anh L.V.C. (BN3092). Anh C. từng đi du lịch Đà Nẵng, yếu tố dịch tễ liên quan chuyên gia Trung Quốc mắc Covid-19.

Đến tối cùng ngày, tổng số ca bệnh tại huyện Thường Tín là 10 người, đều là những người thân trong một gia đình, lây virus từ anh L.V.C. Đặc biệt, hai bệnh nhân là cháu bé một tuổi và 8 tuổi.

Liên quan chùm ca bệnh này, huyện Thường Tín đã truy vết 326 trường hợp F1, đã cách ly và đang chờ kết quả xét nghiệm, số F2 là 604. Ngoài ra, phố Tía thôn Tử Dương và 2 thôn An Duyên, Đông Duyên (nơi ở của các bệnh nhân) cũng bị phong tỏa.

Lực lượng chức năng phong tỏa và phun khử khuẩn nhiều khu vực tại xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) sau khi phát hiện 4 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Ảnh: Việt Linh.

Tối 9/5, Hà Nội phát hiện tiếp chùm ca bệnh khác cũng trong một gia đình ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, được cách ly tập trung tại trường Quân sự Sơn Tây. Họ đều là F1 của BN3253, gồm chồng, con và cháu ngoại. Trong đó, chồng và cháu ngoại sống cùng nhà với bệnh nhân; người con gái đến nhà chơi ngày 5/5.

BN3253 đã được Bộ Y tế ghi nhận vào tối cùng ngày, là nữ, 74 tuổi. Bà nhiễm virus sau khi tiếp xúc ca mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

UBND huyện Phúc Thọ đã thiết lập khu vực cách ly y tế đối với ổ dịch Covid-19 tại xã này. Toàn bộ xã Hiệp Thuận "nội bất xuất, ngoại bất nhập" trong thời gian 21 ngày (từ 0h ngày 10/5 đến hết ngày 31/5).

Tại Hòa Bình, sáng 10/5, Sở Y tế tỉnh thông báo vừa phát hiện thêm 4 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Ca bệnh chỉ điểm là người đàn ông 64 tuổi, tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 tại quán cơm Ngọc Bích (tổ 15, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình).

Sau đó, 4 thành viên khác trong gia đình ông gồm vợ, con dâu, con trai và cháu trai (2 tuổi) cũng đều có kết quả dương tính.

Cần bảo vệ người già, trẻ nhỏ

Trong các ca mắc Covid-19 tử vong tại Việt Nam, hầu hết là người cao tuổi, mắc các bệnh lý nền như suy tim, ung thư máu, tiểu đường type II, tăng huyết áp, viêm phổi... Đặc biệt, nhiều nhất là nhóm bị suy thận mạn giai đoạn cuối, lọc máu chu kỳ.

Khi nhiễm bệnh, nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, thể trạng béo phì có nguy cơ diễn biến nặng hơn.

Tình trạng nặng khi mắc Covid-19 được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ định nghĩa là những người phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt (ICU), đặt ống nội khí quản, thở máy hoặc tử vong.

Nguyên nhân là SARS-CoV-2 làm suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác. Khi bị virus tấn công, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ kích hoạt, gây suy các cơ quan, giảm chức năng dẫn tới bệnh nặng hơn.

Vì vậy, các gia đình cần lưu ý vệ sinh nhà cửa, nơi ở thường xuyên, lau bề mặt, nền nhà, vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt, các vị trí tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, công tắc điện cần được vệ sinh ít nhất một lần mỗi ngày. Nơi ở cần đảm bảo thông thoáng không khí trong nhà; thường xuyên mở cửa ra vào và cửa sổ.

Nếu bản thân hoặc người già, người cao tuổi, nhóm mắc bệnh lý nền, mạn tính trong gia đình có biểu hiện sốt, ho, khó thở, chúng ta cần khai báo ngay cho các cơ sở y tế để được tư vấn. Nếu đi từ vùng dịch, những nơi được Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động khai báo.

Gia đình có người thân, thành viên đang cách ly tại nhà cần tuân thủ hạn chế tiếp xúc, không tổ chức tiệc, tụ tập đông người. Người cách ly phải ở khu riêng, ăn - ngủ riêng.

Bên cạnh đó, chúng ta nên duy trì thói quen luyện tập thể thao tại nhà và ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng.

Ngoài ra, để tránh mang mầm bệnh về cho gia đình, trong "Sổ tay Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới", Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa sạch tay với xà bông, dung dịch sát khuẩn.

Trong tình hình hiện nay, chúng ta nên hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; hạn chế tụ tập đông người; không khạc, nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-tu-nhung-o-dich-covid-19-trong-cac-gia-dinh-post1213828.html