Nguy cơ từ chất thải công nghiệp

Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia đang phát triển có diện tích dành cho công nghiệp tăng theo từng năm. Song song với bước tiến đó là vấn đề xử lý rác thải công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Điều này đe dọa không nhỏ tới công tác bảo vệ môi trường .

Tính đến tháng 7/2016, cả nước đã có 316 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 88,6 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 60,2 nghìn ha, chiếm khoảng 67,8% tổng diện tích đất tự nhiên. Có thể thấy hơn một nửa diện tích đất tự nhiên được sử dụng cho công nghiệp, đồng nghĩa với một lượng lớn rác thải sản xuất nhà máy có thể lấp đầy đất tự nhiên bất kỳ lúc nào.

Rác thải công nghiệp là mối nguy cơ tiềm tàng của môi trường.

Là một quốc gia đang phát triển với định hướng công nghiệp hóa vậy nên chúng ta luôn chú trọng đầu tư để tăng năng suất. Tuy nhiên máy móc trong chế tạo và sản xuất của Việt Nam đi sau thế giới rất nhiều có khi lên tới 20-30 năm. Theo thống kê không đầy đủ trong năm 2010 lượng phát thải khí nhà kính tại nước ta 264.8 triệu tấn CO2. Trong đó công nghiệp năng lượng và công nghiệp sản xuất chiểm tỉ trọng cao nhất, lên tới 64.7% tổng CO2 phát thải.

Nhìn vào thực tế những năm qua trong hai ngành công nghiệp năng lượng và sản xuất có thể thấy. Thủy điện lớn nhỏ mọc ra chóng mặt nhưng chất lượng luôn bị đặt dấu hỏi. Nhiệt điện với đặc thù của mình là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm không khí. Tại các khu công nghiệp như Thụy Vân (Việt Trì, Phú thọ), Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Gang thép Thái Nguyên… vào những ngày trời ẩm một màn bụi mờ lơ lửng làm không khí ngột ngạt và nguy hại vô cùng. Đặc biệt tại khu nhà máy xi măng Hữu Nghị (Thụy Vân) không lúc nào bầu không khí ở đây được thoáng đãng, mặt đường và cây xanh bên vỉa hè phủ đầy bụi.

Rác thải công nghiệp ngoài khí thải và chất thải rắn, nước thải cũng là mối nguy cơ tiềm tàng cho an ninh môi trường tại các khu chế xuất. Tính đến hết tháng 10 năm 2014, trong số 209 Khu Công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động có 165 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 79% tổng số KCN đang hoạt động, tăng 6% so với năm 2013. Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy xấp xỉ 630.000 m3/ngày/đêm. Với lưu lượng nước thải hiện tại của 165 KCN khoảng 350.000 m3/ngày/đêm, trong trường hợp tất cả các KCN đang hoạt động, thu hút đầu tư và được lấp đầy 100%, thì lượng nước thải phát sinh khoảng 600.000 m3/ngày.đêm.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều KCN đã có trạm xử lý nước thải nhưng chưa hoạt động thường xuyên, nước thải sau xử lý chưa đạt QCVN. Đây là trường hợp các KCN Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ), KCN Thụy Vân (Phú Thọ), KCN Tam Điệp (Ninh Bình)...vẫn tồn tại tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt các KCN chưa xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải còn gây ô nhiễm môi trường lớn hơn như KCN Cầu Nghìn (Thái Bình) phát sinh trên 1.000 m3/ngày.đêm, KCN Hòa Bình (Kon Tum) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chưa có hệ thống thu gom nước thải nên không thể vận hành.

Trước tình trạng khủng hoảng môi trường như vậy, nhưng tiếng nói của luật pháp và các nhà quản lý vẫn chưa thực sự có trọng lượng. Trong bộ luật về bảo vệ môi trường có ghi rã hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường có mức phạt từ 30 triệu đồng đến 130 triệu đồng. Tuy nhiên số tiền như vậy chưa đủ tính răn đê đối với những doanh nghiệp lớn. Việc bỏ qua một vài bước trong xử lý nước thải có thể tiết kiệm cho nhà máy hàng tỉ đồng mỗi năm. Chính vì vậy mới có nhiều khu chế xuất xả thải gây ô nhiễm như vậy. Lý do lạc hậu về công nghệ cũng cần được nhắc tới ở đây. Vốn đầu tư ít nên máy móc và quy trình sử lí khá đơn giản và không đạt tiêu chuẩn.

Nhiều khu công nghiệp hiện nay vẫn thường xuyên xả trực tiếp rác thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường

Về phía các nhà quản lý, việc phát hiện ra sai phạm hết sức khó khăn. Chỉ khi nào tình trạng mội trường đã quá báo động mới có 1 vài đợt xử lý răn đe. Cùng nhìn vào vụ xả thải Formusa Hà Tĩnh, trong suốt một thời gian dài Cty Formusa đã đổ rất nhiều chất thải công nghiệp nặng xuống biển nhưng chỉ đến khi cá chết trắng bờ, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Điều phần nào đi ngược lại với mong muốn mà định hướng của Việt Nam khi tham ra vào hiệp ước biến đổi khí hậu toàn cầu Cop-21 diễn ra tại Paris-Pháp cuối năm 2015.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã cấu kết với các doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại để ký hợp đồng khống. Thực chất họ thuê các chủ xe ba gác hoặc xe ben chở đổ ra môi trường. Hoặc có những đơn vị nhận chuyển giao với giá thấp sau đó đổ vào những khu đất trống rồi đốt hoặc đơn giản là chất đống để đó. Thậm chí, dùng xe ép rác để đổ vào các bô rác, trạm trung chuyển nhà nước lại phải bỏ tiền ngân sách ra xử lý số chất thải này.

Ðộ độc hại của các chất thải độc hại rất khác nhau. Có chất gây nguy hiểm cho con người như các chất cháy có điểm cháy thấp, các chất diệt côn trùng, các vật liệu clo hóa phân hủy chậm, có chất gây tác động nhỏ hơn nhưng khối lượng của nó lại là vấn đề lớn như các chất thải hầm mỏ, xỉ, thạch cao phốt phát cũ hoặc các sệt hydroxyt khác.

Với nguy cơ về biến đổi khí hậu đang thường trực, mỗi quốc gia cần có những hành động cụ thể để bảo vệ chính mình. Còn khi ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp xử lý chất thải còn bị xem nhẹ thì môi trường sẽ chịu nguy cơ ô nhiễm ngày càng cao và không thể lường trước được.

Hiển Ngọc

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/nguy-co-tu-chat-thai-cong-nghiep.html