Nguy cơ trỗi dậy của cánh hữu ở Mỹ La-tinh

Chính quyền của tân Tổng thống Pa-ra-goay Phê-đê-ri-cô Phran-cô đang bị cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh cô lập, nhằm phản đối việc Thượng viện Pa-ra-goay phế truất Tổng thống Phéc-nan-đô Lu-gô, đưa Phó Tổng thống Phran-cô lên nắm quyền điều hành đất nước khi chỉ còn khoảng 10 tháng là đến kỳ bầu cử.

Cựu Tổng thống Lu-gô, nạn nhân trong “cuộc đảo chính được tính toán kỹ”. Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Pa-ra-goay hiện nay bắt nguồn từ vụ đụng độ đẫm máu giữa lực lượng cảnh sát với một nhóm nông dân không có đất tại huyện Xu-ru-gu-a-ti, tỉnh Xa-nin-đê-y-u ngày 15-6 vừa qua. Cuộc giáp chiến không cân sức này đã khiến 17 người bị thiệt mạng, trong đó có 6 sĩ quan và nhân viên cảnh sát, cùng khoảng 80 người khác bị thương, đa số là nông dân.

Báo chí Pa-ra-goay cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn tới vụ đụng độ ở Xu-ru-gu-a-ti và tiếp theo là sự ra đi của Tổng thống Lu-gô chính là tranh chấp đất đai. Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban vì Sự thật và Công bằng (CVJ), trong suốt 35 năm cầm quyền, chế độ độc tài quân sự của An-phrét-đô Xtrô-ết-nơ đã giao một cách bất hợp pháp gần 7 triệu ha đất canh tác cho các chủ đồn điền, gia đình và người thân của giới quan chức trong Chính phủ. Việc ông Lu-gô thắng cử Tổng thống năm 2008 là một thắng lợi của tư tưởng cánh tả ở Pa-ra-goay, sau 61 năm dưới ách thống trị của đảng Cô-lô-ra-đô bảo thủ, chỉ lo quan tâm đến lợi ích của một nhóm thiểu số tư sản và điền trang giàu có. Giới chủ và các chủ đồn điền trên cả nước bắt đầu lo ngại về khả năng Tổng thống Lu-gô sẽ tiến hành một cuộc cải cách triệt để và phân chia lại đất đai, tài sản như đã từng hứa trong khi tranh cử. Tuy nhiên, do thế yếu trong Thượng viện, ông Lu-gô không thể đưa ra những quyết sách nhằm mở đường cho một cuộc cải cách sâu rộng về đất đai.

Vụ đụng độ ở Xu-ru-gu-a-ti chính là cơ hội “nghìn năm có một” của phái bảo thủ và cực hữu trong Quốc hội, nhằm “nhổ tận gốc” tư tưởng “cải cách ruộng đất” và phân chia lại tài sản đang ấp ủ trong lòng ông Lu-gô.

Những biến động ở Pa-ra-goay buộc Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) triệu tập một cuộc họp bất thường lần thứ hai để bàn về tình hình Pa-ra-goay. Cho đến nay, trong OAS đã có 3 nước rút đại sứ tại Pa-ra-goay là Ác-hen-ti-na, Vê-nê-xu-ê-la, Ê-cu-a-đo và 7 nước triệu hồi đại sứ để phản đối việc phế truất Tổng thống Lu-gô, một hành động mà các quốc gia này coi là cuộc đảo chính. Trong khi đó, nhiều nước khu vực đã thông báo không thừa nhận Chính phủ lâm thời của Pa-ra-goay. Trong phản ứng của mình, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đã ra thông cáo nêu rõ Tổng thống mới của Pa-ra-goay không được tham gia cuộc họp của Hội đồng thị trường chung và Hội nghị thượng đỉnh của MERCOSUR diễn ra từ ngày 25 đến 29-6 tại Ác-hen-ti-na.

Giới quan sát quốc tế nhận định, quốc gia Nam Mỹ này đang bị cuốn vào một vòng xoáy nguy hiểm. Theo họ, lý do “thiếu trách nhiệm trong việc thực thi chức trách” mà Thượng viện đưa ra để hạ bệ Tổng thống Lu-gô là không đủ sức thuyết phục. Ẩn dưới lớp vỏ ngôn từ hào nhoáng ấy là một mưu toan lớn hơn, đó là sự trỗi dậy của cánh hữu, xa rời dần quỹ đạo của phong trào cánh tả đã trải qua giai đoạn hưng thịnh tại khu vực Mỹ La-tinh trong nhiều năm qua. Sự kiện này cũng nhắc nhở các nước trong khu vực nhớ lại cuộc đảo chính tương tự năm 2009 tại Ôn-đu-rát, đồng thời là lời cảnh báo về nguy cơ các tổng thống hợp hiến trong khu vực bị lật đổ qua bàn tay của cơ quan lập pháp.

Phương Châu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguy-co-troi-day-cua-canh-huu-o-my-la-tinh/