Nguy cơ trẻ mắc tăng động giảm chú ý

Các nhà nghiên cứu Na Uy vừa cho biết, nếu người mẹ sử dụng acetaminophen trong thai kỳ sẽ tăng 22% nguy cơ sinh ra trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý.

Điều này dẫn đến việc các nhà nghiên cứu e ngại rằng việc sử dụng thuốc này dài hạn trong quá trình mang thai có thể dẫn đến tình trạng bệnh hoặc thương tổn nguy hiểm hơn…

Hội chứng tăng động giảm chú ý là gì?

Theo Cơ quan Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong các hội chứng rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất thường được chẩn đoán ở trẻ em. Trẻ mắc hội chứng ADHD có thể gặp khó khăn về tập trung, kiểm soát việc phát sinh hành vi (nghĩa là hành động mà không nghĩ đến hệ quả) hoặc nhìn chung là trẻ hành động quá nhiều so với mức bình thường.

Trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý luôn vận động nhiều một cách bất thường, không hề tập trung hay kiên nhẫn trong bất kỳ hoạt động nào.

Tại Mỹ, trẻ em ở độ tuổi 4-17 mắc hội chứng ADHD đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Trẻ mắc hội chứng ADHD có thể có các biểu hiện như hay mơ mộng, thường hay quên hoặc làm mất đồ, hay bồn chồn, hay cựa quậy hoặc nhúc nhích cơ thể, nói quá nhiều, khó cự tuyệt lại những điều hấp dẫn trẻ, khó hòa đồng với bạn bè…

Về can thiệp, có hai hình thức can thiệp là dùng thuốc và trị liệu hành vi, ngoài ra cũng cần một số hỗ trợ khác ở trường học nhằm giúp trẻ có thể dễ dàng hòa nhập hơn như bố trí trẻ ngồi ở vị trí ít yếu tố khiến trẻ phân tâm, hỗ trợ của giáo viên hoặc người hỗ trợ tâm lý và bạn học, có hình thức khuyến khích, khen thưởng phù hợp... Gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng và các thành viên trong gia đình cũng nên tìm hiểu và được hỗ trợ, đào tạo để giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ.

Ảnh hưởng từ acetaminophen đến hội chứng ADHD ở trẻ?

Theo nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà khoa học Na Uy, những phụ nữ sử dụng nhiều thuốc giảm đau chứa hoạt chất paracetamol (acetaminophen) trong thời gian mang thai có thể có nguy cơ sinh con mắc hội chứng (ADHD) so với những người không sử dụng loại thuốc này.

Các nhà khoa học đã thu thập và phân tích dữ liệu từ gần 113.000 trẻ và bố mẹ, trong đó có 2.246 trẻ đã được chẩn đoán mắc hội chứng tăng động giảm chú ý. Gần một nửa số các bà mẹ đã sử dụng acetaminophen tại một thời điểm nào đó trong suốt quá trình mang thai. Nghiên cứu cho thấy rằng nếu thai phụ sử dụng loại thuốc giảm đau này trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ đều có thể tăng thêm 7% nguy cơ sinh con mắc ADHD và nguy cơ này thậm chí còn tăng lên ở mức 22% và 27% nếu thai phụ sử dụng loại thuốc giảm đau này trong tương ứng ba tháng giữa và ba tháng cuối.

Nếu thai phụ bị viêm nhiễm và sốt, và sử dụng loại thuốc này khoảng từ 22 đến 28 ngày, thì nguy cơ sinh trẻ mắc ADHD cao hơn gấp 6 lần so với những thai phụ không sử dụng loại thuốc này khi mang thai. Tuy nhiên, cũng theo kết quả phân tích, việc sử dụng acetaminophen ngắn hạn dường như không tăng nguy cơ trẻ mắc ADHD.

Mẹ mang thai sử dụng nhiều acetaminophen, con dễ mắc chứng tăng động giảm chú ý.

Các nhà nghiên cứu cho biết, tính đến độ tuổi 13, khoảng 4% trẻ trong nghiên cứu này được chẩn đoán chính thức mắc hội chứng ADHD. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa khẳng định được liệu việc sử dụng dài hạn acetaminophen trong thai kỳ có thể dẫn đến những bệnh tật hoặc tổn thương nguy hiểm hơn và các nhà nghiên cứu đã không có đủ dữ liệu về mức độ nghiêm trọng của người mẹ khi buộc phải sử dụng loại thuốc giảm đau này trong thai kỳ.

BS. Antonio Saad (chi nhánh Đại học Y Texas tại Galveston) cho rằng, có thể mối liên quan giữa việc sử dụng acetaminophen và việc trẻ sinh ra bị mắc hội chứng ADHD trong nghiên cứu này đơn thuần chỉ là xác xuất. Ông giải thích thêm rằng: Việc không dùng acetaminophen cũng có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực. Các loại thuốc giảm đau hạ sốt khác như ibuprofen lại không nên được sử dụng trong thai kỳ, dẫn đến việc chỉ còn có thể sử dụng thuốc an thần narcotic để giảm đau khi không còn thuốc gì để hạ sốt.

Thông thường, thai phụ bị sốt các bác sĩ khuyên sử dụng acetaminophen ở liều lượng thấp nhất có thể và dùng trong thời gian ngắn nhất. Nhưng theo Jordi Julvez, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu Barcelona cho rằng: Một liều tương đối nhỏ acetaminophen chỉ trong vài ngày cũng có thể ảnh hưởng thực sự đến quá trình phát triển của não bộ của thai nhi.

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, nghiên cứu này có thể có nhiều hạn chế và nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ADHD ở trẻ. Tuy nhiên, họ vẫn khuyến cáo các bà mẹ mang thai cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về vấn đề sử dụng acetaminophen trong thời gian kéo dài.

Đàm Mỹ Linh

((Theo dailymail.co.uk, 2017))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguy-co-tre-mac-tang-dong-giam-chu-y-n138606.html