Nguy cơ tiềm ẩn từ 'virus' ly khai ở Tây Ban Nha

Những ngày qua, bất chấp sự phản đối quyết liệt của chính quyền trung ương cũng như cộng đồng quốc tế, chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) ở miền Bắc Iraq và chính quyền xứ Catalunya ở Tây Ban Nha vẫn tiến hành trưng cầu ý dân về độc lập.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái này có nguy cơ khiến tư tưởng ly khai trỗi dậy trong cộng đồng người Kurd tại các nước láng giềng như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng mới tại khu vực Trung Đông vốn đã nhiều bất ổn. Còn với Tây Ban Nha, nó có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng với những hệ lụy nặng nề cho cả châu Âu.

Giấc mộng Catalunya

Catalunya - vùng đất giàu có ở Đông Bắc Tây Ban Nha, được đánh giá là một trong những vùng phát triển nhất, có nền văn hóa, ngôn ngữ riêng và được hưởng nhiều quyền tự quyết trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội nên từ lâu đã nuôi ý định tách ra thành một nhà nước độc lập. Năm 2006, Catalunya đã đàm phán với chính quyền Madrid đòi công nhận vùng này là một “quốc gia”. Tuy nhiên, năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi này.

Trong những năm qua, ý định tách ra độc lập càng được thôi thúc mạnh mẽ khi Catalunya phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, mà nguyên nhân một phần là do những quyết sách của chính phủ Tây Ban Nha. Người dân Catalunya cảm thấy bất công khi nhận ngân sách không tương xứng với tiền thuế đóng góp và vùng này còn phải chia sẻ gánh nợ với các khu vực hoạt động yếu kém của Tây Ban Nha trong khi lại đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương.

Cảnh sát Tây Ban Nha lập hàng rào ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân trái Hiến pháp của vùng Catalunya. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, tham vọng của Catalunya đã không được Madrid chấp nhận. Cuối năm 2014, Catalunya từng lên kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân về nguyện vọng độc lập. Do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Chính phủ Tây Ban Nha và đặc biệt là phán quyết của Tòa án Hiến pháp nước này yêu cầu đình chỉ kế hoạch trưng cầu, người đứng đầu vùng Catalunya lúc đó đã buộc phải chuyển cuộc trưng cầu ý dân thành một cuộc thăm dò không mang tính bắt buộc. Kết quả bỏ phiếu cho thấy hơn 80% trong số 2,2 triệu người tham gia bỏ phiếu ủng hộ tách Catalunya khỏi Tây Ban Nha, và đó chính chính là cơ sở để Catalunya tiếp tục theo đuổi tham vọng ly khai.

Tháng 9-2015, tất cả các đảng chủ trương đòi độc lập, cánh tả và cánh hữu, lần đầu tiên giành được đa số ghế ở Nghị viện vùng Catalunya. Tháng 11 cùng năm, Nghị viện Catalunya đã thông qua nghị quyết khởi động tiến trình thành lập “Nhà nước Catalunya độc lập” chậm nhất là vào năm 2017. Tháng 9 vừa qua, cơ quan lập pháp vùng Catalunya đã nhất trí thông qua một dự luật gây tranh cãi, mở đường cho việc tiến hành trưng cầu ý dân về độc lập vào ngày 1-10. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết vô hiệu hóa kết quả bỏ phiếu của cơ quan lập pháp vùng Catalunya.

Hiện vẫn chưa rõ một Catalunya đơn phương tách ra độc lập sẽ như thế nào song con đường hướng tới mục tiêu này rõ ràng đang rất rối ren. Sau “thắng lợi” trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua, người đứng đầu chính quyền Catalunya, Carlos Puigdemont, muốn khởi động tiến trình đòi độc lập cho vùng đất này. Trong khi đó, chính quyền trung ương vẫn phản đối quyết liệt và thậm chí đã dùng biện pháp mạnh để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu.

Những mâu thuẫn ngày càng chồng chất có thể đẩy hai bên vào ngõ cụt, với những hậu quả khó lường. William Booth, Tổng biên tập Washington Post chi nhánh London (Anh) nhận định với những gì diễn ra trong những ngày qua, có thể thấy được thực tế là chính quyền trung ương và lực lượng đòi độc lập ở Catalunya đang “tiến thẳng tới chỗ đối đầu” và “con đường họ chọn rõ ràng không có đường lùi”.

Vấn đề độc lập của người Kurd

Trước Catalunya, một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập khác cũng đã được tiến hành tại các khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq gồm 3 tỉnh Arbil, Sulaimaniyah và Dohuk, và các khu vực giáp giới có tranh chấp, như tỉnh Kirkuk nhiều dầu mỏ. Người đứng đầu chính quyền người Kurd ở Iraq (KRG) Masoud Barzani tuyên bố đã giành chiến thắng và sẽ đối thoại với Chính quyền Baghdad sau cuộc trưng cầu ý dân này. Động thái này của KRG đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của chính quyền trung ương Baghdad và một loạt các quốc gia có cộng đồng người Kurd sinh sống như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria cũng như Mỹ, Nga, Liên hợp quốc. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố Chính phủ Iraq sẽ không tiến hành đàm phán với KRG do đây là cuộc trưng cầu trái hiến pháp.

Ngay trước khi cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của người Kurd diễn ra, báo cáo của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) có trụ sở tại Brussels (Bỉ), đã nhận định trưng cầu ý dân sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả bỏ phiếu ra sao. Các nhà phân tích cho rằng cuộc trưng cầu ý dân này có thể đặt người Kurd vào cuộc xung đột mới với Chính quyền Iraq và những ngày tới đây có thể sẽ chứng kiến bất ổn leo thang ở khu vực này.

Mặt khác, cuộc xung đột vũ trang giữa Iraq và người Kurd sẽ làm cuộc chiến chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) bị sao nhãng. Các lực lượng Iraq và người Kurd đã thành công trong nỗ lực đẩy lùi IS tháo chạy khỏi thành trì Mosul ở phía Bắc Iraq hồi tháng 7 vừa qua sau một chiến dịch ròng rã 9 tháng, song các phần tử cực đoan vẫn kiểm soát những ổ phục kích tại Iraq và có thể lợi dụng khoảng trống chính trị để gây bất ổn.

Ngoài ra, việc người Kurd ủng hộ việc tách khỏi chính quyền trung ương Iraq cũng sẽ tạo tiền lệ cho cộng đồng người Kurd tại các nước láng giềng đứng lên đòi độc lập. Thực tế đã cho thấy trong khi người Kurd tại Iraq chuẩn bị cho nền độc lập thì người Kurd tại Syria lại ráo riết xây dựng một cơ chế tự trị. Theo một nguồn tin, cộng đồng người Kurd tại Syria sẽ tổ chức bầu cử hội đồng địa phương và khu vực vào cuối tháng 10-11/2017 và tháng 1/2018. Nếu điều này xảy ra thì một nhà nước độc lập tách khỏi Syria sẽ là mục tiêu tiếp theo của cộng đồng người Kurd. Và đây cũng là nỗi lo chung của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Lựa chọn hạt nhân”

Có thể thấy cả 2 cuộc trưng cầu ý dân trên đều dẫn đến nguy cơ khích lệ trào lưu đòi ly khai ở khu vực. Ở châu Âu, căng thẳng giữa Catalunya và Madrid rõ ràng đang phản ánh rõ nét những mâu thuẫn, rạn nứt trong kế hoạch hội nhập sâu rộng hơn của châu Âu, và dẫn tới một cuộc tranh cãi về bản sắc trên toàn khu vực. Cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta thậm chí cho rằng cuộc khủng hoảng ở Catalunya sẽ nhanh chóng phát tán như một “dịch bệnh” ra toàn châu Âu. Nhà báo, cây bút bình luận nổi tiếng người Pháp Natalie Nougayrède nhận định vấn đề Catalunya đang phơi bày những giới hạn về mặt chính trị và những khó khăn mà châu Âu cũng như nền dân chủ Tây Ban Nha phải đối mặt. Số phận vùng Catalunya không chỉ khiến chính trường Tây Ban Nha trở nên phức tạp và nguy hiểm mà còn là mối quan ngại của cả châu Âu.

Trong khi đó, cuộc trưng cầu ý dân của cộng đồng người Kurd tại Iraq có nguy cơ làm nổ ra một cuộc chiến tranh sắc tộc ở Iraq, kéo cả khu vực vào cuộc chiến tranh sắc tộc và bè phái, gây hỗn loạn chính trị và làm gia tăng bất ổn ở Trung Đông. Chắc chắn IS và các thế lực cực đoan sẽ tìm cách lợi dụng sự bất ổn và mối bất hòa này.

Suy cho cùng, những rủi ro từ vấn đề Catalunya và vấn đề người Kurd đang đem tới một loại virus mới. Tây Ban Nha cũng như Iraq sẽ phải vượt qua các thách thức để giải quyết tình trạng bế tắc kéo dài lâu nay. Giải pháp chính trị được coi là yếu tố cần thiết nhất ở thời điểm này. Với Tây Ban Nha, nếu xu hướng ly khai thắng thế sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU. Với Iraq, nếu vấn đề độc lập của người Kurd không thể giải quyết ổn thỏa mà chỉ đơn thuần mang đến một cuộc xung đột bạo lực thì tình trạng bất ổn trong khu vực sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Như Trung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguy-co-tiem-an-tu-virus-ly-khai-o-tay-ban-nha/