Nguy cơ tiềm ẩn của xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ (Phần 2)

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thực thi các chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn đối với nền kinh tế đang phát triển quá nóng của Trung Quốc nhằm tránh nguy cơ đối mặt với khủng hoảng tài chính.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mỹ tạo ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với việc ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong trường hợp Mỹ rút tiếp khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang thành các hành động tẩy chay và cấm vận, hoặc Mỹ và Triều Tiên sa lầy vào xung đột sau khi khẩu chiến đã lên đỉnh điểm, hậu quả đối với kinh tế toàn cầu sẽ là rất nghiêm trọng và sâu rộng.

Một số dự báo trong những năm tới

Kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn an toàn và có nhiều chỉ số tích cực như việc làm, giá nhà ở và lợi nhuận từ đầu tư kinh doanh đều tăng. Tuy nhiên, tiền lương trung bình tại Mỹ vẫn chưa tăng mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2001.

Điều này có nghĩa là chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ còn có thể kéo dài thêm vài năm nữa, ít nhất là đến đầu năm 2020. Trong giai đoạn từ 2018-2020, GDP của Mỹ sẽ tăng trung bình 2,2%/năm.

Nền kinh tế khu vực Eurozone nhiều khả năng cũng tiếp tục duy trì đà phục hồi gần đây, mặc dù nguy cơ chính trị vẫn còn ở mức cao. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản vẫn chỉ ở mức 1%/năm trong giai đoạn 2018-2022.

Các thách thức của kinh tế Nhật Bản là lực lượng lao động giảm, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi tăng lên trong khi chính sách thắt chặt nhập cư vẫn không được nới lỏng. Lạm phát vẫn duy trì trong khoảng mục tiêu của BoJ đặt ra là 2%.

Triển vọng cho các thị trường mới nổi trong giai đoạn 2018-2019 là khá sáng sủa, với tốc độ tăng trưởng GDP vào khoảng 4,6% so với dự kiến 4,4% của năm 2017.

Brazil và Nga, đứng thứ ba và thứ tư trong những nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới, đều sẽ tăng trưởng trở lại sau giai đoạn suy thoái kéo dài. Bên cạnh đó, các điều kiện tài chính của những nền kinh tế này cũng được dự báo là thuận lợi, dù có một số biến động nhất định.

Trong năm 2018, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 5,8%, so với con số dự kiến 6,8% trong năm 2017. Kinh tế Trung Quốc có thể sẽ hồi phụ nhẹ lên mức 6,1% trong năm 2019 trước khi tốc độ tăng trưởng lại chậm đi.

Đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn nữa, xuống còn 4,8%.

Sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sử dụng vị thế quyền lực được củng cố vững chắc của mình để thực thi các chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn đối với nền kinh tế đang phát triển quá nóng của Trung Quốc nhằm tránh nguy cơ đối mặt với khủng hoảng tài chính.

Quá trình siết chặt tín dụng sẽ làm tăng chi phí cho vay và giảm đầu tư vào hoạt động kinh doanh sản xuất. Các công ty trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi một số đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, gồm Australia, Hàn Quốc và Indonesia sẽ chịu tác động tiêu cực khi nhu cầu từ Trung Quốc giảm đi.

Theo tính toán của EIU, tăng trưởng của Australia và Indonesia trong năm 2018 sẽ giảm xuống lần lượt là 2,4% và 4,7% so với mức tăng trưởng dự kiến là 2,6% và 5,1% trong năm 2017.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chững lại, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong giai đoạn 2018-2022, với tốc độ tăng trưởng GDP có thể lên đến 8%. Tuy nhiên, kinh tế Ấn Độ cũng đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Ấn Độ cũng đang phải giải quyết vấn đề nợ xấu của các công ty thuộc sở hữu nhà nước sau giai đoạn bùng nổ cho vay cách đây vài năm.

Vấn đề này cùng tình trạng sản lượng dư thừa của ngành thép sẽ làm giảm hoạt động cho vay đầu tư sản xuất trong vài năm tới.

Do vậy, trước mắt, tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong các năm tài chính 2016/2017-2017/2018 (từ tháng 4 năm trước đến đến tháng 3 năm sau) chỉ đạt mức trung bình 7,2%, trước khi tăng tốc lên mức dự báo ở trên, do các chương trình cải cách của Thủ tướng Narendra Modi bắt đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong cơ sở hạ tầng và hoạch định chính sách.

Việc Brazil tăng trưởng trở lại sau 2 năm suy thoái sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế khu vực Mỹ latinh quay trở lại mức tích cực trong năm 2017. Tuy nhiên tăng trưởng theo từng năm của Brazil sẽ còn thiếu ổn định do tình trạng tham nhũng chưa được khắc phục gây cản trở niềm tin của các nhà đầu tư.

Kinh tế Mexico năm 2017 có thể tăng trưởng thấp hơn dự báo ban đầu do tác động của vụ động đất gần thủ đô Mexico City vào tháng 9 vừa qua, trước khi tăng trưởng tốt hơn trong năm 2018. Tại Venezuela, tình trạng kinh tế khó khăn vẫn tiềm ẩn nguy cơ khiến chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro sụp đổ vào cuối năm 2018.

Kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi tăng trưởng khó khăn do bất ổn xã hội, chiến tranh và khủng bố. Chiến dịch cô lập Qatar hiện tại của một số nước Arab có thể kéo dài vài năm vì không bên nào chịu nhượng bộ trước.

Căng thẳng gia tăng sẽ khiến cuộc xung đột hiện nay bước sang giai đoạn các nước Arab áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế khó khăn hơn đối với Qatar. Tuy nhiên về tổng thể, kinh tế khu vực này vẫn có bước phát triển nhất định trong giai đoạn 2018-2022, với điểm sáng là kinh tế Iran có thể tăng trưởng trên 5%/năm.

Trong tháng 10/2017, đồng USD có dấu hiệu hồi phục, do kết quả của nền kinh tế Mỹ phát triển tích cực. Do chủ trương thắt chặt tiền tệ của Fed trong thời gian tới, đồng bạc xanh sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, tuy nhiên, đồng USD sẽ có khó có thể khôi phục lại mức cao như cuối năm 2016.

Từ năm 2020, đồng USD có thể sẽ suy yếu dần cùng với chu kỳ hụt hơi của tăng trưởng kinh tế và Fed bắt đầu lại cắt giảm lãi suất.

Tại khu vực đồng euro, bất ổn chính trị xoay quay nguy cơ xứ Catalunya đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha (cùng với khả năng Catalunya rời khỏi EU) đang gây sức ép lên đồng tiền này.

Tuy nhiên, sự can thiệp của ECB trong chính sách tiền tệ có thể làm giảm đáng kể những quan ngại về sự đổ vỡ của khu vực Eurozone liên quan đến nguy cơ chính trị này. Việc ECB thu hẹp các chương trình QE trong năm 2018 cũng sẽ khiến đồng euro tăng giá.

Các thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã không có tác dụng trong việc kích thích tăng giá dầu. Nhiều khả năng OPEC sẽ buộc phải kéo dài thỏa thuận này cho đến quý 4/2018 và chỉ nới lỏng sản lượng từ từ, để tránh gây xáo động thị trường.

Giá dầu Brent, công cụ tính giá dầu trung bình thế giới, sẽ tăng lên khoảng 54 USD/thùng trong năm 2018 do sản lượng bị thắt chặt. Sau đó giá dầu sẽ dao động trong khoảng 55 USD/thùng, trong bối cảnh dầu sản xuất từ đá phiến của Mỹ sẽ ấn định cả giá trần và giá sàn cho thị trường dầu thế giới./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nguy-co-tiem-an-cua-xu-huong-that-chat-chinh-sach-tien-te-phan-2-/67765.html