Nguy cơ tiềm ẩn của xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ (Phần 1)

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (Economist Intelligent Unit - EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh) vừa đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu năm 2018 và một số năm sau đó.

ECB được dự báo sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng vào năm 2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong đó, EIU bày tỏ lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn đối với kinh tế toàn cầu liên quan đến xu hướng các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ từng bước thắt chặt hoặc dỡ bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ quy mô lớn được áp dụng trong những năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Kinh tế thế giới năm 2017 phát triển “lành mạnh” nhất từ năm 2010 đến nay, với tăng trưởng dương ở cả 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone và Nhật Bản. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu là nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng, mà bản thân chính sách này cũng cho thấy sự phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn còn rất chậm và không chắc chắn.

Các chính sách nới lỏng tiền tệ đã khuyến khích tiêu dùng và tăng đầu tư trong năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn còn rất yếu, thậm chí ở mức đáng lo ngại tại một số nền kinh tế chủ chốt, và giá cả nguyên liệu thô vẫn ở mức thấp so với cách đây 10 năm. Dự báo trong cả năm 2017, kinh tế toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng 2,9%, mức tăng đáng kể so với tốc độ tăng trưởng thực tế chỉ ở con số 2,3% năm 2016.

Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ

Các yếu tố thuận lợi của kinh tế toàn cầu 2017 được đánh giá là không bền vững và tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn trong những năm tới. Cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều được dự báo sẽ bộc lộ những dấu hiệu “hụt hơi”. Xu hướng này sẽ bắt đầu khiến lạm phát tăng mạnh hơn. Giá cả các nguyên liệu thô như kim loại bắt đầu tăng dần, do nhu cầu tăng và những biện pháp kiểm soát sản lượng chặt chẽ hơn từ phía Trung Quốc.

Việc này sẽ làm tăng thêm chi phí đầu vào của nhiều loại mặt hàng tiêu dùng trên khắp thế giới. Tốc độ tích lũy nợ và lạm phát tăng nhanh hơn sẽ khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần lượt có những động thái mạnh mẽ hơn trong chính sách tiền tệ, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại.

Bên cạnh việc tăng lãi suất tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong năm 2018, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng được dự báo sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng (QE) – vốn là biện pháp bơm thêm tiền vào thị trường bằng việc mua trái phiếu. Đây sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới việc bình thường hóa lãi suất tại khu vực đồng euro.

Mặc dù tác động của quyết định này sẽ mất nhiều thời gian, chi phí vay ngân hàng tăng cao tại ba nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ buộc các ngân hàng trung ương khác hành động tương tự. Tác động của xu hướng này đối với kinh tế toàn cầu sẽ rất rõ ràng, tăng trưởng kinh tế năm 2018 và các năm sau đó sẽ khó có thể đạt mức như năm 2017.

Mặc dù việc tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu khó có thể gây biến động lớn cho các thị trường tài chính, xu hướng này vẫn tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế. Thời gian vừa qua, các chương trình QE đã giữ cho lãi suất dài hạn ở mức thấp, nhờ đó các chính phủ đã khích lệ nhà đầu tư tập trung vào mở rộng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn gửi tiền vào ngân hàng.

Nguồn tiền đổ vào thị trường quá lớn những năm qua đã đẩy giá chứng khoán, trái phiếu và bất động sản lên cao. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lặp lại khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009, xuất phát từ quy trình giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sau đó là giá bất động sản và chứng khoán.

Một nguy cơ khác là việc chính phủ các nước và giới nghiên cứu kinh tế chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế về tác động đối với các thị trường từ việc cắt hoặc giảm bớt những gói kích thích tài chính. Từ trước đến nay, kinh tế thế giới chưa bao giờ triển khai các gói QE với quy mô lớn như vừa qua nên cũng chưa thực sự đánh giá hết tác động của việc rút lại các gói này sẽ như thế nào.

Fed đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu biến động bằng cách xác định chính xác sẽ cắt giảm bao nhiêu lượng tiền bơm vào thị trường trong khoảng thời gian bao lâu. ECB và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) gần như chắc chắn cuối cùng cũng đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, việc các thị trường tài chính sẽ phản ứng như thế nào thì vẫn còn chưa rõ.

Những mối quan hệ tác động qua lại vẫn được xem là hiển nhiên từ trước đến nay, như việc thắt chặt thị trường lao động sẽ tạo ra lạm phát, vẫn chưa chứng tỏ là sẽ đúng trong kỷ nguyên hậu khủng hoảng tài chính.

Không khó để dự báo về kịch bản của việc cắt giảm lượng tiền bơm vào thị trường (của Fed và ECB) có thể khiến giá các loại tài sản sụt giảm do nhà đầu tư nhận thấy việc gửi tiền vào ngân hàng sẽ sinh lời cao hơn. Ngoài ra, các thị trường chứng khoán cũng có thể biến động nếu lợi tức trái phiếu bỗng tăng vọt.

Bên cạnh những thách thức về tác động tiềm ẩn của việc thắt chặt tiền tệ, kinh tế toàn cầu trong thời gian tới có thể phải đối mặt với những rủi ro chính trị lớn nhất trong nhiều năm qua.

Trong đó, nguy cơ lớn nhất là chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính sách đối ngoại của Mỹ được dự báo là tiếp tục xu hướng “lộn xộn” như vừa qua, gây ra những tác động sâu sắc đến tình hình chính trị và kinh tế toàn cầu.

Nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục xu hướng “biệt lập” như đã thể hiện từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, chủ động từ bỏ vai trò lãnh đạo địa chính trị toàn cầu, như việc rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thái độ nước đôi của ông Trump với châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thực tế này đang khiến cho các đồng minh của Mỹ như Đức và Canada phải nỗ lực củng cố các liên minh ở nơi khác, tạo điều kiện cho đối thủ cạnh tranh của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, mở rộng ảnh hưởng của mình. Sự tiếp tay của Mỹ cũng được cho là nguyên nhân khiến Saudi Arabia phát động một cuộc tẩy chay và cô lập Qatar tại Trung Đông giữa năm 2017./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nguy-co-tiem-an-cua-xu-huong-that-chat-chinh-sach-tien-te-phan-1-/67763.html