Nguy cơ thiếu điện và giải pháp... thị trường

Nhìn chung, Việt Nam không giàu về tài nguyên khoáng sản, và càng không giàu về các nguồn năng lượng (kể cả tái tạo và không tái tạo).

Ba nguyên nhân khách quan

Các bạn trẻ check-in với điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: Lekima Hùng.

Thứ nhất, tiềm năng các nguồn năng lượng truyền thống của Việt Nam rất ít: nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt, uranium) cần phải có thời gian để hình thành (tuổi địa chất) và cần có không gian để chứa (diện tích chứa và bề dày chứa). Tuổi địa chất (tính bằng hàng trăm triệu năm) của Việt Nam quá trẻ. Diện tích chứa của Việt Nam (cả đất liền và thềm lục địa) quá nhỏ bé. Bề dày chứa nguồn năng lượng hóa thạch của Việt Nam cũng không lớn (không sâu).

Nguồn thủy điện (tái tạo) phụ thuộc vào thời tiết, lưu vực hứng nước và lưu lượng nước của các con sông lớn chủ yếu (80%) đều nằm ở ngoài biên giới, sông ngòi trên lãnh thổ Việt Nam ngắn và đổ thẳng ra biển.

Thứ hai, các nguồn năng lượng được phân bổ không đồng đều, xa nơi tiêu thụ: than đá tập trung ở vùng Đông Bắc, dầu mỏ và khí đốt ở ngoài biển Đông, thủy điện trên miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên.

Thứ ba, điều kiện khai thác các nguồn năng lượng ở Việt Nam cực kỳ khó khăn: than phải khai thác dưới sâu bằng công nghệ đắt tiền, nguy hiểm; dầu mỏ và khí đốt phải khai thác ngoài khơi, xa bờ, ở vùng nước sâu, sóng lớn; thủy điện phụ thuộc thời tiết mưa/bão.

Ba nguyên nhân chủ quan

Các nguyên nhân chủ quan đã và đang làm sâu sắc thêm các bất cập khách quan nêu trên. Cụ thể:

Thứ nhất, cách tiệm cận về phát triển ngành năng lượng của Việt Nam không đúng. Công tác quản lý ngành năng lượng còn nhiều bất cập (đặc biệt là trong thời gian gần đây): chiến lược phát triển ngành năng lượng có cũng như không; quy hoạch các ngành than, điện luôn bị phá vỡ; quản lý phát triển theo quy hoạch bị buông lỏng, phó mặc cho chủ đầu tư (về tiến độ, về công nghệ, về huy động vốn, về mặt bằng...).

Thứ hai, cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam đang được hình thành theo hướng sử dụng nhiều năng lượng. Các ngành công nghiệp đòi hỏi phải tiêu dùng nhiều năng lượng (như xi măng, phân bón, luyện thép, luyện nhôm) đã và đang được phát triển hoặc là quá mức cần thiết, hoặc là không hiệu quả. Xuất khẩu các sản phẩm như xi măng/clinker, thép, nhôm, kim loại là xuất khẩu năng lượng và nhập khẩu môi trường bẩn. Các sản phẩm phân bón hóa chất nhập khẩu rẻ hơn nhiều so với sản xuất trong nước...

Thứ ba, hiệu quả sử dụng năng lượng của các ngành kinh tế rất thấp: hệ số đàn hồi về năng lượng của Việt Nam luôn phải lớn hơn 1,5; trong khi của thế giới nhỏ hơn 1. Bình quân, để làm ra được 1 đô la Mỹ giá trị GDP, Việt Nam phải tiêu dùng 1 kWh điện, trong khi thế giới chỉ cần dùng 0,3 kWh.

Xuất khẩu các sản phẩm như xi măng/clinker, thép, nhôm, kim loại là xuất khẩu năng lượng và nhập khẩu môi trường bẩn. Các sản phẩm phân bón hóa chất nhập khẩu rẻ hơn nhiều so với sản xuất trong nước...

Cần vận hành theo quy luật thị trường

Khái niệm “cân bằng năng lượng” đã có từ thời bao cấp (1970), khi ngành điện bắt đầu được phát triển theo Tổng sơ đồ điện 1 (Quy hoạch điện 1). Trong cơ chế thị trường, cân bằng năng lượng được xem xét như mối quan hệ “cung - cầu” về năng lượng. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, giải pháp căn cơ và tổng thể để phát triển bền vững ngành điện phải là những giải pháp thị trường. Hay nói cách khác, ngành điện cũng cần được vận hành theo các quy luật của thị trường. Cụ thể như sau:

Quản lý ngành điện theo quy luật cạnh tranh

Thị trường điện Việt Nam hiện nay đã có nhiều người bán, trong đó có tập đoàn Điện lực (EVN), nhưng chỉ có một người mua duy nhất, đó là EVN. Không có “cạnh tranh hoàn hảo” là điểm tối nhất trong ngành điện của Việt Nam hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu điện.

Việc EVN vừa đang được độc quyền mua điện (thông qua Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia - A0), vừa đang tham gia vào bán điện là điều không thể chấp nhận được trong cơ chế thị trường. Điều này đang làm méo mó và sẽ làm triệt tiêu thị trường điện (làm cho nhiều người không muốn làm ra hàng để bán ở một cái chợ mà chỉ có một người mua).

Vì vậy, giải pháp ngăn ngừa nguy cơ thiếu điện đơn giản nhất và có thể triển khai nhanh nhất đó là tách A0 ra khỏi EVN càng sớm càng tốt.

Quản lý ngành điện theo quy luật cung - cầu

Điện năng là một sản phẩm có ba điểm đặc biệt: (i) không thể lưu kho hay đưa vào dự trữ khi thừa; (ii) các quá trình sản xuất, lưu thông phân phối và tiêu dùng xảy ra đồng thời, gần như ngay tức khắc; và (iii) các hộ dùng điện (người mua điện) có tác động trực tiếp đến các nhà máy phát điện và lưới điện (người bán điện) - trực tiếp làm giảm hiệu quả hay mất ổn định của hệ thống điện. Vì vậy, hơn bất cứ ngành nào khác, ngành điện, xét về mặt kỹ thuật, rất cần được quản lý và vận hành chặt chẽ theo quy luật cung - cầu.

Trước hết, thiếu điện tức là cung về điện nhỏ hơn cầu về điện. Các giải pháp phải hướng đến tăng cung và giảm cầu. Mối quan hệ cung - cầu được thể hiện qua giá. Vì vậy, để tăng cung và giảm cầu thì giá điện cần phải được nâng lên.

Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, với các phân tích về nguyên nhân dẫn đến thiếu điện như nêu trên, giá điện còn đóng vai trò của tác nhân, hoặc là, gây cộng hưởng (làm sâu sắc hơn) các nguyên nhân trên, hoặc là khắc phục (vô hiệu hóa) các nguyên nhân trên.

Ngoài ra, theo quy luật cung - cầu, việc nâng giá bán điện sẽ dẫn đến tiết kiệm điện trong tiêu dùng. Theo kinh nghiệm của thế giới, chi phí đầu tư cho việc tiết kiệm 1 kWh điện rẻ hơn 2,5 lần so với chi phí đầu tư để sản xuất ra 1 kWh điện. Vì vậy, việc nâng giá bán điện vừa giảm được cầu, vừa tăng được cung.

Quản lý ngành điện theo quy luật giá trị

Sản phẩm điện phải được quản lý theo các nguyên lý cơ bản của chính trị - kinh tế học về “giá” và “giá trị sử dụng” của điện.

Về việc giá điện “so sánh” của Việt Nam thấp (so với của các nước trong khu vực, so với các nước có thu nhập tương đương và so với các nước trên thế giới), đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay tại các cuộc hội thảo.

Giá bán điện của các nhà máy điện bán cho EVN, và giá bán điện của EVN bán cho người dùng điện ở Việt Nam không tương xứng với giá thành (chi phí sản xuất ra nó). Ví dụ, với cùng một công nghệ phát điện bằng than (có hiệu suất như nhau - cũng tiêu hao khoảng 2.500 kcal nhiệt từ than để sản xuất được 1 kWh điện và với cùng giá nhiên liệu than đầu vào như nhau), các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam chỉ bán được điện với giá cao hơn chi phí sản xuất 1-5%, vì giá bán điện bình quân của hệ thống (bán cho người dùng điện) còn quá thấp. Trong khi ở các nước, mức chênh lệch này tối thiểu là 12-18%. Do vậy, khả năng tái sản xuất mở rộng của các nguồn điện (bên cung cấp điện) gần như không có.

Việc giảm chi phí sản xuất để tăng mức lợi nhuận đối với sản phẩm điện không đơn giản. Các công nghệ phát điện hay các quy trình chuyển hóa năng lượng từ nhiệt năng thành điện năng (nhiệt điện chạy than, dầu, khí, uran), từ thế năng thành điện năng (thủy điện), từ động năng thành điện năng (phong điện) hay từ quang năng thành điện năng (điện mặt trời)... đều phải tuân theo các định luật cơ bản của bảo toàn năng lượng. Hay nói cách khác, trong cùng một điều kiện phát triển của khoa học - công nghệ, các nhà máy điện không thể vượt qua được các ngưỡng kỹ thuật chung để giảm chi phí sản xuất.

(*) Đại học Điện lực Hà Nội

TS. Nguyễn Thành Sơn (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282802/nguy-co-thieu-dien-va-giai-phap-thi-truong-.html