Nguy cơ tại các cơ sở kinh doanh chất dễ cháy

Ở TP Cần Thơ hiện có hàng trăm cơ sở kinh doanh chất dễ cháy với quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) được các chủ cơ sở quan tâm trang bị phương tiện chữa cháy và thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở kinh doanh chất dễ cháy ở Trung tâm Thương mại Cái Khế.

Chúng tôi vừa tháp tùng cùng đoàn kiểm tra đến kiểm tra an toàn PCCC một cơ sở kinh doanh sản phẩm hộp xốp, nylon, đồ nhựa… tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Tại đây, mặc dù chủ cơ sở có trang bị bình chữa cháy, có lối thoát hiểm… nhưng qua kiểm tra, một số bình chữa cháy đã quá hạn sử dụng, cơ sở này vẫn còn thắp hương thờ cúng… Bà Trần Thị Ngọc Thắng, chủ cơ sở kinh doanh, giải thích: “Công việc mua bán bận rộn, nhà lại đơn chiếc, nên chúng tôi chưa kiểm tra, thay mới bình chữa cháy. Còn việc thắp nhang thì tôi canh coi, đến lúc nhang tàn mới thôi”.

Cơ sở vật tư quảng cáo Nguyễn Lê, trên đường Trần Phú có văn phòng giao dịch của cơ sở nằm trong khu dân cư, còn nơi chứa hàng hóa được chủ cơ sở này xây dựng riêng, nằm biệt lập ngoài khu dân cư. Mặc dù hiểu tác hại khi hỏa hoạn xảy ra, nhưng cơ sở này do kinh doanh có quy mô nhỏ nên chưa chú ý xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ và nhân viên chưa được tập huấn đầy đủ về công tác PCCC. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, chủ cơ sở Vật tư Quảng cáo Nguyễn Lê, phường Cái Khế, cho biết: “Ý thức được sự cố cháy nổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và thậm chí là tính mạng con người nên chúng tôi rất quan tâm đến việc PCCC. Những cầu dao điện nào không cần thiết vào ban đêm thì chúng tôi tắt hết, các thiết bị chữa cháy lúc nào cũng sẵn sàng để sử dụng. Tuy nhiên, do cơ sở cũng chưa nắm hết quy định về PCCC nên chưa xây dựng đội chữa cháy tại chỗ…”.

Trong 9 tháng đầu năm, xảy ra 13 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số vụ cháy trên địa bàn thành phố, chủ yếu do nguyên nhân sự cố về điện. Đơn vị đã kiểm tra và lập biên bản gần 3.000 lượt cơ sở, có hơn 7.500 kiến nghị về an toàn PCCC, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 125 triệu đồng...

Là cơ sở kinh doanh các loại hóa chất, hương liệu công nghiệp với hàng trăm mặt hàng khác nhau, Công ty TNHH Nam Hà có trụ sở trên đường Lý Tự Trọng, phường An Cư, quận Ninh Kiều, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố về cháy nổ. Do là mặt hàng kinh doanh khá đặc biệt nên việc thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC là điều mà chủ cơ sở này cần làm và ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra nhắc nhở để loại trừ các nguy cơ xảy ra cháy nổ. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Hà, cho biết: “Hằng ngày, tôi rất chú trọng kiểm tra việc sắp xếp hàng hóa đúng yêu cầu, có bị rò rỉ hóa chất gì không. Đồng thời quan tâm kiểm tra thay thế thiết bị PCCC quá hạn”.

Theo Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ, hiện có hàng trăm cơ sở kinh doanh chất dễ cháy có quy mô nhỏ, vừa như các cơ sở vừa nêu trên nằm xen kẽ trong khu dân cư. Nếu để xảy ra cháy nổ rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy lan, trong khi đó, công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại các cơ sở này vẫn còn những bất cập đáng lưu tâm. Thượng tá Kiều Cao Thiêm, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC, cứu nạn và cứu hộ Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Đối với các cơ sở này tính chất nguy hiểm do sự cố cháy nổ rất cao. Ngoài việc nằm trong khu dân cư, một số các chủ cơ sở còn tổ chức sinh hoạt gia đình, nấu ăn tại cơ sở kinh doanh… Việc sắp xếp hàng hóa lấn chiếm lối đi trong các cơ sở này nếu có cháy nổ xảy ra nguy cơ gây thiệt hại về tài sản và tính mạng rất cao. Mặt khác, do tính chất quy mô nhỏ nên việc tổ chức PCCC của các cơ sở còn rất hạn chế, chủ yếu là thiếu phương tiện chữa cháy và chưa thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ”.

Để hạn chế cháy, nổ xảy ra, thời gian qua, lực lượng PCCC thành phố cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức qua loa lưu động, treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu hưởng ứng nơi công cộng… Thượng tá Kiều Cao Thiêm cho biết , lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy đối với các cơ quan, đơn vị, chợ và các khu dân có nguy cơ cháy cao. Các chủ cơ sở kinh doanh chất dễ cháy trong khu dân cư các tổ chức, cá nhân cần nâng cao hơn nữa ý thức PCCC, chủ động trang bị phương tiện chữa cháy, thực hiện nghiêm các quy định về PCCC, tập huấn và xây dựng đội ngũ chữa cháy tại chỗ đủ mạnh, kịp thời ứng phó với tình huống cháy nổ xảy ra, đảm bảo việc sản xuất kinh doanh lâu dài, bền vững.

Bài, ảnh: Phan Tại

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nguy-co-tai-cac-co-so-kinh-doanh-chat-de-chay-a115130.html