Nguy cơ sử dụng kháng sinh không hợp lý trong điều trị viêm phổi

Kết quả của hai nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Pediatrics cho thấy, việc sử dụng kháng sinh phổ rộng một cách không hợp lý trong điều trị viêm phổi ở trẻ em còn khá phổ biến

Kết quả của hai nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Pediatrics cho thấy, việc sử dụng kháng sinh phổ rộng một cách không hợp lý trong điều trị viêm phổi ở trẻ em còn khá phổ biến và có sự khác biệt lớn trong lựa chọn kháng sinh để điều trị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Hai nghiên cứu này phân tích bệnh án điện tử của 10.000 bệnh nhi được điều trị viêm phổi tại các cơ sở điều trị thuộc cả ba khu vực thành thị, ngoại ô và nông thôn Pennsylvania và New Jersey, Mỹ. Kết quả cho thấy, chỉ có 40,7% bệnh nhi viêm phổi được sử dụng amoxicilin (hai kháng sinh được Hiệp hội Các bệnh nhiễm trùng nhi khoa và Hiệp hội Các bệnh nhiễm trùng Mỹ năm 2011 khuyến cáo là lựa chọn đầu tay để điều trị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng ở trẻ em là amoxicilin và penicilin). Trong khi đó, có tới 42,5% bệnh nhi được sử dụng kháng sinh macrolid và 16,8% bệnh nhi sử dụng kháng sinh phổ rộng.

Tỷ lệ các bác sĩ ở vùng nông thôn kê đơn kháng sinh phổ rộng để điều trị viêm phổi trẻ em cao gấp 7,5 lần so với các khu vực khác. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân mua bảo hiểm cá nhân có xu hướng sử dụng các kháng sinh phổ rộng cao gấp 1,42 lần so với các đối tượng khác. Việc lựa chọn kháng sinh để điều trị viêm phổi cộng đồng trẻ em giữa các cơ sở khác biệt đến mức có cơ sở ghi nhận tỷ lệ bệnh nhi được kê đơn kháng sinh macrolid là 20%, trong khi tỷ lệ ghi nhận tại một cơ sở khác lên tới 80%. Việc sử dụng kháng sinh một cách không hợp lý đã được chứng minh có thể làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc, đồng thời làm tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn của thuốc trên bệnh nhân.

Để giảm thiểu tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý trong điều trị viêm phổi trẻ em, TS. Adam L. Hersh (Khoa Nhi, Trường Đại học Utah) và BS. Matthew P. Kronman (Khoa Nhi, Trường Đại học Washington, Mỹ) khuyến cáo nên sử dụng các công cụ hỗ trợ kê đơn dựa trên bằng chứng, đồng thời xác định nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong lựa chọn kháng sinh giữa các cơ sở, giữa các đối tượng bệnh nhân và giữa thực hành lâm sàng với hướng dẫn điều trị.

DS. Nguyễn Tùng Sơn

((Theo Medscape.com, 2017))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguy-co-su-dung-khang-sinh-khong-hop-ly-trong-dieu-tri-viem-phoi-n133447.html