Nguy cơ sinh viên phải bỏ học vì trường thiếu trầm trọng phòng học và kí túc xá

Vừa đầu năm học, nhiều học viên, sinh viên theo học nghề tại Trường Cao đẳng Lào Cai đã đối mặt trước nguy cơ phải bỏ ngang vì nhà trường thiếu thốn trầm trọng hệ thống phòng học, kí túc xá.

Hạng Thị Đớt, nữ sinh viên người Mông, nhà ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu vượt gần 200 km sang theo học chuyên ngành yêu thích tại khoa Y Dược – trường Cao Đẳng Lào Cai. Gia cảnh trong diện hộ nghèo, Đớt được nhà nước hỗ trợ mỗi tháng 1.490.000 đồng, trừ tiền trọ kí túc xá vừa đủ tiền ăn và sinh hoạt tối thiểu.

Sinh viên Hạng Thị Đớt cho biết, kí túc xá cách giảng đường gần 10 km khiến em đi lại rất vất vả

Sinh viên Hạng Thị Đớt cho biết, kí túc xá cách giảng đường gần 10 km khiến em đi lại rất vất vả

Tưởng có thể yên tâm học tập, nhưng khó khăn lại phát sinh khi con đường đi học mỗi ngày quá dài, bởi giảng đường bố trí ở cơ sở chính tại phường Bình Minh, thành phố Lào Cai, còn kí túc xá lại ở cơ sở thuộc phường Bắc Cường cách gần 10 km.

“Thuê trọ gần giảng đường đắt đỏ em không đủ điều kiện, mua xe máy lại càng không. Ngày sang nhập học bố mẹ chỉ cho em mấy trăm đi đường. Giờ em không biết phải đến lớp bằng cách nào…”, Đớt tâm sự.

Không riêng mình Đớt, tại khoa Y Dược đang có khoảng 40 sinh viên cùng cảnh ngộ. Giảng đường một nơi, kí túc một nơi bắt buộc nhà trường phải phân công thầy cô mỗi buổi đi làm kiêm nhiệm thêm việc đưa đón sinh viên. Những lúc bất đắc dĩ phải huy động cả xe tập lái chở các em đi học. Trường cũng đã tính phương án để các em đi xe buýt, nhưng không khả thi vì điểm dừng đỗ cách cổng trường khá xa và giá vé 10.000 đồng/lượt cũng chẳng hề rẻ đối với sinh viên nghèo.

Sinh viên Đỗ Văn Trường mỗi ngày phải đi về 80 km bằng xe máy

Những sinh viên được ở kí túc ít nhiều cũng có phần may mắn, vì vừa tiện nghi, vừa rẻ, mỗi tháng chỉ phải đóng 120.000 đồng bao gồm cả điện, nước. Nhưng suất ở kí túc lại không hề “thênh thang”.

Nam sinh viên năm nhất Đỗ Văn Trường, khoa Điện công nghiệp, nhà ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, do nhập học đợt sau nên kí túc đã kín chỗ phải ra ngoài tìm phòng trọ. Ròng rã nhiều ngày không tìm được phòng nào dưới tiền triệu, tính kiếm bạn ở ghép nhưng trường mới, lớp mới chưa quen mấy người, em không còn lựa chọn khác đành ngậm ngùi đi về mỗi ngày gần 80 km bằng xe máy.

“Với giá xăng bây giờ đổ 40.000 đồng/bình em đi học được 2 hôm, bù lại ăn uống hết ở nhà nên cũng rẻ. Có điều sáng phải dậy sớm mới kịp đến trường. Em vẫn mong có thể tìm được chỗ ở gần giảng đường để ổn định học tập”, Trường nói.

Nhà để xe của giáo viên thành phòng thực hành nghề xây dựng

Những trường hợp khó khăn trong tìm chỗ ở như Đỗ Văn Trường ở Cao đẳng Lào Cai có lẽ tới hàng nghìn. Bởi tính riêng học viên, sinh viên nhập học mới hệ cao đẳng, trung cấp năm học 2020 – 2021 tại đây vào khoảng 2.000 em, trong đó 70% là con em dân tộc thiểu số đến từ các huyện trong toàn tỉnh và hầu hết đều có nhu cầu ở kí túc.

Theo thầy Nguyễn Duy Khánh, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, nhà trường chỉ có hai dãy kí túc với 54 phòng, sức chứa trên 400 sinh viên. Trường xoay sở mượn tạm được thêm 400 suất kí túc ở các trụ sở giáo dục khác của tỉnh đang chờ giải phóng, tính ra vẫn thiếu rất nhiều.

“Trong hoàn cảnh này nhà trường phải xét ưu tiên cho sinh viên trong diện hộ nghèo, cận nghèo, con em chính sách vào ở kí túc. Thậm chí trong một số trường hợp nhất định phải vận động sinh viên năm trước ra ngoài thuê trọ, nhường suất kí túc cho các em năm nhất, vì nhiều em ở vùng cao xuống, nhất là hết lớp 9 vừa vào học trung cấp còn rất bỡ ngỡ”, thầy Khánh cho hay.

Phòng học phải làm vách ngăn đôi

Không chỉ thiếu kí túc xá, hệ thống phòng, lớp học của trường Cao đẳng Lào Cai hiện giờ cũng thiếu hụt trầm trọng, nhất là hệ thống phòng học thực hành trong khi đặc thù của đào tạo nghề, nội dung ứng dụng, thực hành chiếm khoảng 70% thời lượng. Khắc phục khó khăn, các khoa phải linh động đủ mọi cách như khoa Cơ khí, khoa Du lịch quây hành lang thành lớp học; khoa Xây dựng thực hành trong nhà để xe…

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Điện – Điện tử cho biết, cả lớp mới, lớp cũ của khoa vào khoảng 30 lớp. Do sinh viên đông nên tất cả các phòng bây giờ đều phải ngăn ra; diện tích thực hành nhỏ hẹp, mọi thiết bị không thể để sẵn trong phòng mà bê ra, bê vào mỗi giờ học rất bất tiện.

“Các lớp đều học kín lịch sáng chiều kể cả cuối tuần. Khả năng tới đây khoa phải bố trí cho các em học thêm cả buổi tối nhưng khó khăn ở công tác quản lý sinh viên thế nào vào thời gian ban ngày các em không tới lớp, và học buổi tối thì hiệu quả chắc chắn sẽ không lý tưởng”, cô Đào nói.

Sinh viên thực hành ngoài hành lang đường nội bộ

Trường Cao đẳng Lào Cai hiện nay được kiện toàn trên cơ sở sáp nhập 3 Trường chuyên nghiệp và 2 Trung tâm hồi cuối năm 2018, đầu 2019. Đây là Trường Cao đẳng duy nhất của tỉnh Lào Cai, đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương cũng như cả nước. Tỉnh Lào Cai cũng quan tâm, thành lập riêng một Ban Chỉ đạo, xây dựng chiến lược phát triển nhà trường.

Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ kiện toàn bộ máy, sắp xếp cơ sở vật chất, song song với quy mô đào tạo tăng cao trên 7.000 học viên, sinh viên thì tỷ lệ phòng học lý thuyết, phòng thực hành và phòng ở kí túc lại đều giảm mạnh do trụ sở của một số trường, trung tâm cũ bị thu hồi trả lại cho tỉnh.

Điều đáng nói, công tác đào tạo nghề chưa bao giờ được chú trọng như hiện nay nên thu hút rất đông thanh niên trong độ tuổi, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào thiểu số tham gia học tập từ đòn bẩy là chính sách hỗ trợ của nhà nước và nỗ lực của cơ quan quản lý và nhà trường. Nhưng những khó khăn ngay khi bước chân vào cánh cổng trường chuyên nghiệp có thể là nguy cơ lớn khiến các em bỏ ngang việc học nghề, lỡ mất cơ hội tìm việc làm, tự lập thân, lập nghiệp./.

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sinh-vien-phai-bo-hoc-vi-truong-thieu-tram-trong-phong-hoc-va-ki-tuc-xa-817227.vov