Nguy cơ sạt lở cao tại Bắc Cạn

Với địa hình nhiều đồi, núi dốc cao… Bắc Cạn luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân, nhất là khi tình trạng san ủi đất làm nhà còn tùy tiện. Toàn tỉnh hiện có khoảng 300 điểm với hơn 2.000 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, trong khi mùa mưa bão vẫn còn dài.

Xử lý điểm nguy cơ sạt lở cao tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể.

Mùa mưa năm nào tại Bắc Cạn cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất, đá ta-luy dương và ta-luy âm ở tất cả các huyện, thành phố. Nhẹ thì hư hại tài sản, nặng thì mất nhà cửa, chết người. Tháng 8-2017, gia đình anh Doanh Thiêm Phương, thôn Nà Vài, xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn) đang say ngủ thì bất ngờ một mảng đất lớn từ la-luy dương sụt xuống, đổ vào nhà vùi lấp, gây tử vong cháu Ngô Thanh Tâm, vợ anh Phương bị thương nặng do đất vùi lấp đến ngực, anh Phương bị đất dồn, hất văng ra ngoài nên may mắn thoát nạn. Toàn bộ ngôi nhà hư hỏng nặng.

Riêng trong mùa mưa 2017, huyện Ngân Sơn đã có 30 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở, làm chết một người, một người bị thương; thiệt hại về vật chất hàng trăm triệu đồng. Cũng trong tháng 8-2017, một mảng ta-luy dương bất ngờ sạt xuống ngôi nhà bà Hoàng Thị Hoa, tổ 12, phường Phùng Chí Kiên (TP Bắc Cạn) làm đổ tường bếp, vùi lấp nhiều vật dụng, con trai của bà Hoa bị thương phải đi cấp cứu.

Tại TP Bắc Cạn, tình trạng san ủi đồi trái phép, không theo quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng không đồng bộ đang tạo ra vô số điểm nguy cơ sạt lở cao. Phần lớn những gia đình sinh sống trong khu vực này đều không an toàn do hạ tầng ít được đầu tư. Nhiều khu dân cư do người dân mua đất tự san lấp mặt bằng không đúng kỹ thuật nên có mái ta-luy cao, dựng đứng, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, nhất là khi đang mùa mưa bão. Ngoài những khu dân cư tự phát, hiện nay, còn có bốn khu dân cư tự xây được cấp phép với khoảng 270 lô đất. Đây đều là những khu dân cư do các cá nhân, doanh nghiệp tự bỏ kinh phí san ủi, chia lô, bán đất. Đến nay, đất đã bán, nhà đã xây nhưng hầu hết các khu dân cư này đều không được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, mái ta-luy dương cao, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

Sạt lở đất còn gây thiệt hại nặng cho các tuyến giao thông. Mới đây nhất, trong tháng 7-2018, tại km 116 + 100, trên đường từ TP Bắc Cạn-Na Rì, đoạn qua đèo Áng Toòng thuộc địa phận thôn Bản Lù, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, hàng trăm mét khối đất, đá lở xuống làm tắc đường cục bộ. Đá lớn va vào một xe ô-tô đang lưu thông gây hư hại nặng, rất may, không có thiệt hại về người.

Sạt lở đất, đá vào ngày 6-8 làm tắc đường trên tuyến 258B từ Ba Bể đi Pác Nặm.

Riêng những ngày đầu tháng 8, trên các tuyến giao thông ở Bắc Cạn đã bị sạt lở hàng trăm điểm ta-luy, khối lượng đất, đá gần 10.000 m3. Trung bình mỗi năm, các tuyến giao thông ở Bắc Cạn bị thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng vì sạt lở.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn Bắc Cạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 điểm có nguy cơ sạt lở và có hơn 2.300 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai cao. Trong đó, số hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất hơn 1.400 hộ, hơn 200 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, hơn 600 hộ có thể bị ảnh hưởng bởi ngập úng.

Các khu vực tập trung nhiều điểm trượt lở chủ yếu ở ngoại vi TP Bắc Cạn; dọc Quốc lộ 3, đường thị trấn Phủ Thông-Chợ Rã (Ba Bể), đường TP Bắc Cạn-Bằng Lũng (Chợ Đồn); thị trấn Chợ Rã (Ba Bể); thị trấn Chợ Mới; xã Lương Bằng, Bằng Lãng (Chợ Đồn); thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn).... Nhiều hộ dân nơm nớp lo sạt lở, đá lăn hằng ngày. Như tại thôn Phiêng Liềng 2, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn), 20 hộ dân ở đây đang phải sống cùng nguy cơ đá lăn từ trên đỉnh núi Pù Mương xuống. Nguy cơ sạt lở ngày càng lớn khi trên đồi Pù Mương xuất hiện vết nứt rộng khoảng 50cm, dài khoảng 50m làm sụt đất vào nhà một số hộ dân trong thôn.

Theo Chủ tịch UBND xã Lý Ngọc Bằng, các vết nứt có dấu hiệu ngày càng rộng ra, một số hộ có điều kiện đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Những hộ còn lại mong muốn được di dời nhưng không có đất nên vẫn phải sống chung với nguy cơ sạt lở, cần phải có dự án để xử lý dứt điểm.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Cạn, từ 2011-2015, đã thực hiện bốn dự án bố trí dân cư cho 219 hộ dân, trong đó, bố trí tập trung 79 hộ, bố trí xen ghép 140 hộ. Con số này không thấm vào đâu so với tổng số hộ đang nằm trong vùng nguy cơ cao. Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư tỉnh Bắc Cạn giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025 với số vốn cần hơn 600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2015-2025 quy hoạch triển khai 79 dự án bố trí ổn định dân cư cho 2.609 hộ dân (giai đoạn 2015-2020 tổ chức bố trí ổn định cho 1.088 hộ dân; định hướng giai đoạn 2020 - 2025 tổ chức bố trí ổn định cho 1.521 hộ dân).

Tuy nhiên, vấn đề Bắc Cạn không có kinh phí để thực hiện quy hoạch này ngay lập tức. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn Hà Kim Oanh cho biết, thiếu kinh phí nên việc thống kê những hộ nguy cơ sạt lở cao nhiều khi chỉ để phục vụ công tác cảnh báo. Việc di dời chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ bố trí xây dựng được một vài khu tái định cư cho những hộ đang rất nguy cấp.

Mùa mưa 2018 tại Bắc Cạn được dự báo sẽ mạnh về tần suất, cường độ khi diễn biến thời tiết ngày càng bất thường. Nhiều điểm ta-luy dương đã bị sạt lở nhỏ, lẻ gây mất chân, dễ sạt mảng lớn nếu mưa kéo dài, trong khi nhiều hộ dân vì nhiều lý do vẫn kiên quyết “bám trụ” ở vị trí nguy cơ cao. Nếu không sớm có giải pháp căn cơ thì thiệt hại do sạt lở là điều được dự báo trước.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37311902-nguy-co-sat-lo-cao-tai-bac-can.html