Nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt nước ngầm

Việt Nam là quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhưng nguồn nước mặt tại các hồ, sông suối đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm do nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt tự do xả ra môi trường không qua xử lý. Bên cạnh đó, với nguồn nước ngầm – nguồn nước mà chúng ta không nhìn được bằng mắt thường thì đang bị khai thác quá mức, đẩy Việt Nam có nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt nước ngầm.

Sống cạnh sông Mã, những tưởng nguồn nước sẽ dồi dào vô tận, nhưng gần 1000 hộ dân xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nước ngầm. Hầu hết các giếng nước ở đây đều khô trơ cạn như thế này. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, nhiều hộ đã tiếp tục khoan giếng mới sâu hơn, nhưng kết quả là nước ngầm bơm lên có dấu hiệu ô nhiễm nặng.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, thôn Tu Mục 2, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa

Khoan lên giếng nào cũng như thế này, cứ bơm xong thả một ít nước chè vào là ra đen như mực như thế này, thì dân tình chúng tôi từ trong tết đến giờ, thực ra mà nói ăn thì cố ép lọc mà ăn chứ không yên tâm, mà trước hay sau nếu dùng nguồn nước này sẽ sinh bệnh.

Ông Nguyễn Huy Lương, thôn Tu Mục 2, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa

Giếng hết nước, không còn nước ăn nữa rồi, gánh nước cũng không gánh được nữa, mà giờ đi đào cái khác nó nhiễm phèn, nước nó đen, không ăn được, nhờ các chính quyền giúp cho dân tình chúng tôi, để chúng tôi có nước ăn.

Câu chuyện trên là minh chứng rõ nhất cho nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt nước ngầm tại Việt Nam. Theo nghiên cứu từ của Bộ Tài nguyên môi trường, một số khu vực đô thị đã và đang xảy ra hiện tượng ô nhiễm cục bộ nước dưới đất với một số thông số TDS, Amoni, kim loại nặng như chì, Asen, mangan vượt quy chuẩn Việt Nam. Đặc biệt, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM các thông số này lại càng nghiêm trọng hơn.

Ông Đỗ Văn Định - Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống

Nước ngầm có chỉ số không thể xử lí đc, trước hết là về asen mangan, amoni..những chỉ số này nếu tách ra đc thì sẽ có một giá thành rất cao thì thường là các giếng nước ngầm người ta bỏ qua chỉ tiêu đó. Thì thường là khi người ta khai thác nước ngầm hệ lụy đầu tiên là ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những bãi rác lộ thiên không được xử lý, những nguồn nước thải tự do xả ra môi trường, các loại hóa chất độc hại ... Tất cả đang ngấm, thẩm thấu và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Riêng ở các vùng ven biển, do tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nước ngầm đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn ngày càng gia tăng. Các chuyên gia cảnh báo, ô nhiễm nguồn nước kể cả nước mặt và nước ngầm đang ngày càng tăng cả về mức độ và quy mô.

Ông Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Phải kiểm soát đồng bộ vì rõ ràng ô nhiễm từ nước ngầm nguồn là do bề mặt ngấm xuống và cạn kiệt là do dùng nhiều quá, nên cạn kiệt, khai thác quá mức khả năng nên tôi nghĩ rằng hết sức thận trọng trong kiểm soát nếu không đến một lúc nào đó chúng ta sẽ không còn để mà khai thác.

Theo thống kê của Hiệp hội tài nguyên nước quốc tế, xét về nguồn nước nội địa, Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới với 3.600m³/người/năm. Thậm chí, theo Bộ Tài nguyên Môi trường, đến năm 2025, lượng nước bình quân đầu người Việt Nam chỉ còn một nửa con số này. Trong bối cảnh nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt cả nước mặt và nước ngầm, thì câu chuyện sử dụng nước một cách tiết kiệm lại cần phải nhắc lại với mỗi người dân, mỗi gia đình./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/nguy-co-o-nhiem-va-can-kiet-nuoc-ngam