Nguy cơ nội chiến ở Lebanon sau vụ nổ cảng Beirut

Căng thẳng giữa các dòng tôn giáo, đại diện cho lợi ích các bên ở Lebanon đang gia tăng.

Iran tiếp tục ủng hộ phong trào người Shiite Hezbollah, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar nâng cao vai trò đối trọng bằng cách gia tăng ảnh hưởng của họ đối với cộng đồng Hồi giáo Sunni. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn Trung Đông.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng và chủ nghĩa bè phái chính trị-tôn giáo, cùng với Hezbollah và ảnh hưởng của Iran ở Lebanon đã gia tăng kể từ mùa hè năm nay.

Hậu quả của vụ nổ xảy ra ở cảng Beirut, đặc biệt liên quan đến các đội cứu nạn, dọn dẹp hiện trường và các bệnh viện, có thể sẽ làm tăng sự lây lan của coronavirus trên quy mô lớn, làm suy yếu thêm nền kinh tế.

Điều đó đã gây tổn hại đến hình ảnh của đất nước, khiến các nhà tài trợ quốc tế đang từ chối viện trợ cho Lebanon cho đến khi nước này tiến hành cải cách chính trị.

Các cuộc biểu tình ở Lebanon đang lan rộng và có thể dẫn tới xung đột cấp độ khu vực do nhiều bên tham gia

Các cuộc biểu tình ở Lebanon đang lan rộng và có thể dẫn tới xung đột cấp độ khu vực do nhiều bên tham gia

Cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ bước chân vào Lebanon

Đế chế Ottoman từng cai trị Gaza, Israel, Bờ Tây, Ai Cập, Libya, Yemen, Syria, Iraq và Lebanon.

Đây từng được coi là khu vực "ảnh hưởng ngoại vi" truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, nên nước này và Qatar muốn đánh bật ảnh hưởng của các nước vùng Vịnh và phương Tây ra khỏi các quốc gia này.

Trong bối cảnh đó, Saudi Arabia và các đồng minh Sunni ở vùng Vịnh lại đang từ bỏ việc cố gắng gây ảnh hưởng đến cộng đồng người Sunni ở Lebanon, bất chấp lập trường chung của họ là chống lại phong trào người Shiite Hezbollah.

Vào thời điểm đặc biệt này, việc các quốc gia vùng Vịnh rút khỏi Lebanon kết hợp với sự yếu ớt của Iran và Hezbollah, đã tạo cơ hội vàng cho Ankara bước vào Lebanon, đẩy lui ảnh hưởng của Tehran.

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã nỗ lực lấp đầy khoảng trống ảnh hưởng ở Lebanon, tăng cường cung cấp vũ khí cho các cộng đồng Sunni ở phía bắc, cũng như gia tăng viện trợ sau vụ nổ ở Beirut.

Các phương tiện truyền thông ủng hộ các nước vùng Vịnh bao gồm cả ở Lebanon và trong khu vực, cùng với các cơ quan truyền thông thân Iran và ủng hộ Hezbollah cũng đã lên tiếng cảnh báo trước những diễn biến này.

Điều này gây tò mò, vì một số nhà phân tích tin rằng Iran đã đoàn kết với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại phương Tây và các đồng minh trong khu vực.

Thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar không hoàn toàn hoạt động song song với Iran, mặc dù đôi khi họ hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi.

Với sự tài trợ của Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực dựa trên Tổ chức Anh em Hồi giáo Sunni - một dự án về cơ bản là đối lập với sự ủng hộ các phong trào người Shiite của Iran.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ cũng gặp khó khăn về kinh tế - một phần do đại dịch và các lệnh trừng phạt của phương Tây trong những năm gần đây, nhưng nước này vẫn giàu có và tiềm lực hơn Iran.

Thêm vào đó, phần lớn các nước phương Tây vẫn coi Ankara là đồng minh quan trọng chống lại ảnh hưởng của Nga và Iran trong toàn khu vực. Theo họ, để Thổ Nhĩ Kỳ thành công ở Lebanon, Iraq và Syria vẫn tốt hơn là Iran.

Nguồn cơn dầu mỏ vùng đông Địa Trung Hải

Theo giới phân tích, ở Lebanon hiện nay khó có thế lực nào ngăn chặn được bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một Hezbollah hùng mạnh trước đây nay đang suy yếu, sa lầy, do đấu đá nội bộ với người Sunni trong lãnh thổ của mình, sẽ không thể đối chọi được Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của họ ở Lebanon.

Việc kéo được Lebanon vào trong phạm vi ảnh hưởng của mình sẽ cho phép Ankara tiếp cận nhiều hơn với phía đông Địa Trung Hải và các nguồn khí đốt của nó, một triển vọng đặc biệt đáng mơ ước do Lebanon có các mỏ khí đốt ở thềm lục địa.

Nó cũng sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận biên giới với Israel mà từ đó nước này có thể đe dọa nhà nước Do Thái và ủng hộ phong trào của người Palestine.

Về mặt lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa những tay súng Hồi giáo Sunni từ Lebanon tới Idlib để thay họ chống lại các lực lượng do Iran hậu thuẫn và Qatar có thể sẽ tài trợ cho những dự án như vậy.

Sau đó, Ankara cũng có thể sử dụng lực lượng ủy nhiệm Sunni của Lebanon trong các chiến dịch khác của mình ở Libya và Armenia, ở biên giới phía bắc của Iran.

Một vấn đề nghiêm trọng đối với Lebanon là bất kỳ lực lượng nào ở Lebanon được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đều có thể xảy ra xung đột nghiêm trọng với những người theo đạo Thiên chúa ở nước này, do một phần lớn người theo đạo Thiên chúa Lebanon là người gốc Armenia. Điều đó càng làm tăng khả năng khủng hoảng chính trị và xung đột quân sự.

Ở khía cạnh này, lợi ích của Israel và các đối tác Ả Rập của họ cũng giống nhau, đều muốn chứng kiến sự sụp đổ của Hezbollah và ngăn chặn tham vọng của Qatar, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Các quốc gia Ả Rập và Mỹ có thể sẽ tài trợ cho các lực lượng dân quân Thiên chúa giáo ở nước này, còn Israel sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí và đào tạo.

Hy Lạp, Síp và Armenia cũng có thể hỗ trợ những người theo đạo Thiên chúa Lebanon do họ cùng quan tâm đến việc khiến Thổ Nhĩ Kỳ và các liên kết tôn giáo của họ bị sa lầy ở Lebanon.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đẩy nhanh việc thúc đẩy ảnh hưởng ở Lebanon, kết quả có thể sẽ dẫn đến một cuộc nội chiến mới ở một đất nước nghèo đói và bè phái, với kho vũ khí bất hợp pháp khổng lồ và nhiều thế lực nước ngoài gây chia rẽ sâu sắc trong lòng của nó. Đây là một kịch bản rất đáng lo ngại.

Kích hoạt cuộc chiến Trung Đông mới?

Theo các chuyên gia, sự gia tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và một cuộc nội chiến ở Lebanon là không có lợi cho Iran.

Tehran coi việc Ankara mở rộng ảnh hưởng sang Lebanon là một bước đi hướng tới việc củng cố sự hiện diện ở cả Lebanon lẫn nước láng giềng Syria. Để chống lại điều này, Iran có thể sẽ cố gắng tăng cường viện trợ cho Hezbollah, khiến đất nước này càng lâm vào vòng xoáy hỗn loạn.

Cuộc nội chiến ở Lebanon có thể mang lại lợi ích trước mắt cho Israel, khi một Hezbollah vốn đã suy yếu lại bị sa lầy vào xung đột cục bộ và thậm chí có thể bị đánh bại bởi những kẻ thù khác, mà không gây tổn thất nào hoặc thiệt hại rất ít cho nhà nước Do Thái.

Nhưng lợi ích đó cũng đi kèm một số hệ lụy khiến Israel có lí do để không mong muốn một cuộc nội chiến mới xảy ra ở Lebanon.

Sự bất ổn hơn nữa ở biên giới phía bắc của Israel có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn và sự hồi sinh của vấn đề Palestine, do tỷ lệ lớn người tị nạn Palestine sống ở Lebanon.

Những nhóm dân chúng thân Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ở biên giới phía bắc của Israel cũng không mong muốn điều này, đặc biệt là khi họ đang rất không hài lòng với chính sách của Tel Aviv về vấn đề Palestine.

Ngoài ra, sự không đáng tin cậy về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, cũng như khả năng các quốc gia Ả Rập giàu có có thể chuyển sang ủng hộ những người Sunni cực đoan, là một lý do khác khiến nhà nước Do Thái không muốn chứng kiến một cuộc nội chiến Lebanon lần thứ hai.

Hiện nay Israel cũng đang sa vào một cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch và đang gặp vấn đề với sự ổn định của chính phủ. Do đó, đây không phải là thời điểm Nhà nước Do Thái muốn thấy một cuộc khủng hoảng ở Lebanon.

Ở Tel Aviv hiện nay có rất ít người ủng hộ việc gửi quân đến Lebanon, bất chấp chiến dịch chống lại Hezbollah đang diễn ra ở Syria (trong phạm vi hẹp).

Sự bất ổn của Lebanon có thể kích hoạt cuộc chiến Trung Đông mới. Thay vì chờ đợi những thảm kịch sẽ xảy ra, phương Tây và các khối có ảnh hưởng khác có thể phải hành động để ngăn chặn sự bùng nổ của cuộc nội chiến ở nước này trước khi quá muộn. EU và Mỹ, cùng với Liên Hợp Quốc và các nước Ả Rập có ảnh hưởng, có thể tiếp tục coi Hezbollah là một nhóm khủng bố và trừng phạt nhóm này.

Nhưng lệnh cấm cũng phải được áp đặt đối với các chuyến hàng vũ khí cho cả lực lượng bán vũ trang ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar. Nếu không, tai họa có thể không đến từ Iran và Hezbollah, mà lại đến từ chính những đồng minh thân thiết của phương Tây.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nguy-co-noi-chien-o-lebanon-sau-vu-no-cang-beirut-3423607/