Nguy cơ nhiễm bệnh khi trời nồm ẩm

Sau Tết, thời tiết bước vào giai đoạn nồm ẩm, độ ẩm trong không khí cao. Thêm vào đó, hình thái thời tiết không cố định, sáng sớm thường mưa phùn, đến trưa sẽ dừng mưa hoặc chuyển nắng nhẹ nhưng chiều tối lại có thể chuyển lạnh. Kiểu thời tiết như vậy rất dễ khiến mọi người nhiễm bệnh, nhất là với người già có sức đề kháng kém.

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng nguy cơ nhiễm bệnh sốt vàng

Bệnh lý hàng đầu liên quan đến đường hô hấp

Độ ẩm cao trong không khí gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể. Độ ẩm cao còn tạo điều kiện tốt cho các loại vi rút, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Theo bác sĩ Trần Đình Thắng, Bệnh viện Lão khoa trung ương, đường hô hấp rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Đường hô hấp gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên có mũi, họng, hầu, thanh quản và các xoang. Đường hô hấp dưới có khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phế quản tận cùng và phế nang.

Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, nóng - lạnh thất thường, đường hô hấp rất dễ bị các bệnh như viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Những người cao tuổi có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia càng dễ mắc những bệnh này. Biểu hiện của bệnh thường là ho, sốt, có đờm, khó thở, khò khè...

Trời nồm ẩm dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp.

Trời nồm ẩm dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp.

Bác sĩ Trần Đình Thắng lưu ý, với viêm mũi họng là một dạng bệnh viêm đường hô hấp trên. Bệnh có thể khởi phát bằng các đợt cấp tính và dần chuyển sang mạn tính nếu không được điều trị dứt điểm. Các cơn ho kéo dài có thể gây đau thượng vị và kẽ liên sườn do cơ hoành bị kích thích nhiều gây co kéo. Viêm họng mạn tính hoặc viêm mũi mạn tính cũng rất dễ gây ra viêm xoang.

Viêm phế quản, viêm phổi là dạng bệnh thuộc viêm đường hô hấp dưới. Bệnh rất nguy hiểm với người già bởi dấu hiệu lâm sàng không đặc trưng. Người cao tuổi bị viêm phế quản, viêm phổi không sốt cao như người trẻ nên người thân dễ chủ quan, thường chỉ đưa vào viện khi bệnh đã diễn biến xấu. Chính vì vậy, người cao tuổi cần cảnh giác với những dấu hiệu bệnh, chú ý đến những thay đổi bất thường của cơ thể để có biện pháp xử lý kịp thời.

Không chủ quan với bệnh cúm mùa

Một bệnh thường xảy ra vào mùa đông - xuân khi trời nồm ẩm, đó là cúm mùa. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, cúm mùa H1N1 là loại cúm thường gặp ở Việt Nam do vi rút gây ra và lây truyền qua đường hô hấp.

Người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân hoặc dùng chung dụng cụ với bệnh nhân... Các trường hợp mắc cúm mùa có xu hướng gia tăng vào thời điểm giao mùa đông -xuân như hiện nay.

Còn theo bác sĩ Phạm Thế Thạch, khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), phần lớn các ca nhiễm cúm mùa thường biểu hiện hắt hơi, sổ mũi và ở những người khỏe mạnh chỉ từ 5 - 7 ngày đều tự khỏi.

Tuy nhiên, ở những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người bị đái tháo đường, tăng huyết áp..., bệnh cúm dễ chuyển biến phức tạp, biến chứng, trong đó tổn thương phổi là hay gặp nhất và trong thời gian ngắn có thể diễn biến suy đa phủ tạng.

Do đó, khi có biểu hiện cúm như sốt, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi... kèm theo cảm giác mệt mỏi quá mức bình thường, đau tức ngực, sốt cao tăng lên thì nên đến viện để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Tăng cường sức đề kháng

Để hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết nồm ẩm đến sức khỏe người cao tuổi, bác sĩ Trần Đình Thắng khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là tăng cường sức đề kháng bằng cách thay đổi thực đơn trong các bữa ăn hằng ngày thật khoa học, hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nên cung cấp nhiều rau xanh, hoa quả tươi thay vì tăng chất đạm, chất béo.

Ngoài ra, bổ sung nước uống mỗi ngày cũng là cách để tăng sức đề kháng, tránh nguy cơ bị mất nước. Sinh hoạt hằng ngày nên ngủ đủ giấc, tránh việc thức khuya gây mệt mỏi, tạo cơ hội cho các loại bệnh phát triển. Cùng với đó nên duy trì chế độ tập thể dục, thể thao hằng ngày.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là giữ gìn vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ. Thường xuyên lau nhà cửa bằng những loại vải dễ hút nước. Chăn màn cũng nên thay đổi thường xuyên đề phòng nấm mốc, ẩm ướt gây nhiều loại bệnh. Quần áo trước khi mặc nên sấy, tránh mặc quần áo ẩm.

Ngoài ra, sử dụng máy hút ẩm để làm giảm lượng ẩm trong nhà cũng là một giải pháp khả thi khi trời nồm. Hạn chế để người cao tuổi ra ngoài trời khi thời tiết đang mưa phùn, hay bất chợt lạnh. Nếu dính nước mưa, cần thay quần áo khô, sưởi ấm người ngay.

Để phòng bệnh về đường hô hấp hoặc bệnh cúm, hằng ngày người cao tuổi cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau mỗi bữa ăn và súc họng bằng nước muối loãng. Hạn chế tối đa hoặc bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào, bia rượu, nhất là những người đã bị các bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang.

Riêng với bệnh cúm, vi rút gây bệnh có thể lây lan qua “bàn tay bẩn” khi xì mũi, hắt hơi... Chính vì vậy, việc rửa tay bằng xà phòng rất quan trọng. Khác với nhiều loại vắc xin khác, tiêm đủ số mũi là có tác dụng phòng bệnh, vắc xin cúm cần tiêm phòng mỗi năm.

Việc tiêm phòng cúm sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh; khi mắc bệnh, biểu hiện bệnh cũng sẽ nhẹ hơn những người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Do đó, mọi người nên tiêm vắc xin phòng cúm, nhất là những người có cơ địa miễn dịch yếu kém như người cao tuổi, trẻ em...

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/927439/nguy-co-nhiem-benh-khi-troi-nom-am