Nguy cơ ngồi tù do sử dụng biển 'xe hộ đê' rởm

Trước thông tin hàng loạt xe ô tô sử dụng biển 'xe hộ đê' giả mạo để giành quyền ưu tiên, trốn mua vé tại các trạm thu phí, nhiều người dân tỏ ra khá bức xúc vì cho rằng, đây chẳng khác nào hành vi ăn cắp của công, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm cá nhân vi phạm để làm gương.

Quy định chặt chẽ về đối tượng được cấp biển “xe hộ đê”

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, “Hộ đê” là hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho đê điều, bao gồm cả việc cứu hộ các công trình liên quan đến an toàn của đê điều. Do đó, xe hộ đê chính là phương tiện di chuyển chuyên chở người làm công tác hộ đê - một trong những xe được ưu tiên di chuyển.

Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, những xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh...

Một xe ô tô đeo biển trắng vẫn gắn biển "xe hộ đê" qua các trạm thu phí

Một xe ô tô đeo biển trắng vẫn gắn biển "xe hộ đê" qua các trạm thu phí

Những loại xe này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên – Luật sư Lê Hồng vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Bên cạnh đó, Quyết định 113/QĐ-BNN-TCTN Quy định về quản lý, phát hành và cấp biển xe hộ đê làm nhiệm vụ khẩn cấp về phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành đã quy định chi tiết về việc các cá nhân tổ chức được cấp biển xe hộ đê.

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Xe của tổ chức, cá nhân được điều động để vận chuyển thiết bị, vật tư, nhân lực phục vụ công tác hộ đê, làm nhiệm vụ khẩn cấp về phòng, chống thiên tai; Xe phục vụ các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thực hiện chỉ đạo công tác hộ đê, làm nhiệm vụ khẩn cấp về phòng, chống thiên tai…Cục Phòng, chống thiên tai cấp biển “xe hộ đê” cho các đối tượng này, hoạt động trong phạm vi toàn quốc.

Giả mạo “xe hộ đê” sẽ bị xử lý hình sự?

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, liên quan đến việc xử lý vi phạm của người điều khiển các phương tiện ưu tiên, trong đó có xe hộ đê, Khoản 2, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng” thì bị phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng.

Việc một số xe biển trắng không được cơ quan có thẩm quyền cấp biển “xe hộ đê” nhưng vẫn trưng biển giả là hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tộinày theo Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi.

Do “xe hộ đê” thuộc đối tượng xe ưu tiên. Việc cấp biển không đúng đối tượng là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Điều 357 BLHS 2015, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10-dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị coi là phạm tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, có thể bị phạt tù tới 7 năm – Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Trường hợp chủ phương tiện biết rõ mình không thuộc diện ưu tiên nhưng vẫn xin cấp và sử dụng loại phù hiệu này nhằm mục đích trốn vé đường, giành các quyền ưu tiên, nếu xảy ra tai nạn, tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại, cá nhân này cũng có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Có thể nói, việc sử dụng không đúng các phù hiệu ưu tiên hoặc làm giả các phù hiệu đó làm thất thoát tiền của Nhà nước, tạo ra tiền lệ xấu. Để quản lý tốt việc sử dụng biển “xe hộ đê’, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng kiểm tra, rà soát và siết chặt việc cấp, quản lý và sử dụng biển, kiên quyết thu hồi các biển xe cấp sai đối tượng và sử dụng sai mục đích. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần xác minh những đối tượng sản xuất, sử dụng biển “xe hộ đê” giả, có chế tài nghiêm theo quy định của pháp luật.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nguy-co-ngoi-tu-do-su-dung-bien-xe-ho-de-rom/785652.antd