Nguy cơ ngộ độc từ sữa bột pha sẵn

Ngộ độc sữa bột pha sẵn có thể xảy ra khi dụng cụ chứa sữa không đảm bảo, nước pha nhiễm vi sinh vật.

Mới đây, tại hai trường tiểu học ở Hậu Giang hàng trăm học sinh của hai trường tiểu học đã bị đau bụng, nôn ói sau 30 phút uống sữa miễn phí được pha sẵn. Nguyên nhân của vụ ngộ độc đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Nguyên nhân có thể gây ra tình trạng ngộ độc cấp

Theo TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, rất nhiều nguyên nhân gây ra nguy cơ ngộ độc cấp từ sữa pha sẵn.

Nguyên nhân có thể đến từ dụng cụ chứa đựng sữa (bình, chai, lọ…), dụng cụ pha sữa không đảm bảo bị nhiễm vi sinh vật. Nguồn nước dùng để pha sữa nếu không phải là nước sạch hoặc nhiễm vi sinh vật cũng có thể gây ngộ độc. Thậm chí, bàn tay của người pha sữa có nhiễm vi khuẩn cũng khiến người uống gặp nguy hiểm.

Ngoài ra, việc bảo quản không đúng cách sữa bột sau khi mở nắp cũng có thể khiến vi sinh vật trong không khí xâm nhập vào bên trong và gây ngộ độc cấp khi sử dụng.

Bệnh nhân khi bị ngộ độc cấp thường có những triệu chứng điển hình như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.

Có nên dùng sữa gần hết hạn?

Chuyên gia này cho hay: “Sữa gần hết hạn sử dụng thường không gây ra nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm đều có thời gian sử dụng nhất định và sữa cũng vậy. Khi gần hết hạn lượng dinh dưỡng sẽ không còn được đảm bảo chất lượng và hàm lượng ghi trên bao bì”.

Sữa sẽ có nguy cơ nguy hại cho sức khỏe khi hết hạn hoặc bị hỏng. Khi đó, các thành phần trong sữa biến đổi thành các chất nguy hiểm.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, Phó viện Trưởng viện Dinh dưỡng Lâm sàng nếu bảo quản ở nơi điều không tốt sữa chưa hết hạn vẫn có thể hỏng và gây ngộ độc cho người sử dụng.

Gần 400 học sinh của hai trường tiểu học ở Hậu Giang được đưa đi cấp cứu vì ngộ độc sữa. Ảnh: Bửu Phúc.

Gần 400 học sinh của hai trường tiểu học ở Hậu Giang được đưa đi cấp cứu vì ngộ độc sữa. Ảnh: Bửu Phúc.

Cách sử dụng sữa bột pha sẵn

Theo TS Từ Ngữ, việc sử dụng sữa bột cần lưu ý sau:

- Uống ngay sau khi pha.

- Không được để quá 6 tiếng trong điều kiện bảo quản lạnh. Một số người cho rằng bảo quản lạnh sẽ giúp sữa uống ngon nhưng điều đó cũng làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn.

- Sau khi mở nắp lấy sữa cần phải đóng kín để tránh hấp thu độ ẩm từ môi trường bên ngoài.

- Để hộp sữa ở nơi thoáng mát, không bảo quản trong tủ lạnh làm tăng nguy cơ nhiễm chéo vi khuẩn từ các thực phẩm khác trong tủ.

- Sữa sau khi mở nắp chỉ nên dùng trong thời gian từ 15-30 ngày. Khi thấy sữa có dấu hiệu bất thường thì không nên uống để tránh nguy cơ ngộ độc.

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cho rằng ngoài các yếu tố trên, để đảm bảo không bị ngộ độc, dụng cụ pha sữa phải sạch sẽ cần phải được tuyệt trùng trước khi dùng. Nước pha sữa phải đảm bảo không nhiễm vi khuẩn, nên dùng nước ấm.

Ngoài ra, người pha sữa cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiến hành công việc này, thậm chí không được nói chuyện trong khi pha.

Phạm Loan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguy-co-ngo-doc-tu-sua-bot-pha-san-post791053.html