Nguy cơ nghẽn mạng ATM dịp Tết

Còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, câu chuyện làm sao để tránh tình trạng 'nghẽn' mạng ATM dịp giáp Tết lại được nhiều người quan tâm. Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán khá dài, càng khiến nhu cầu chi tiêu trong xã hội tăng cao, dẫn đến nhiều nguy cơ quá tải, không rút được tiền từ ATM.

Nhiều ATM báo lỗi

Rút kinh nghiệm thực tiễn những năm qua, ngay khi hết quý III-2018, nhiều ngân hàng đã chủ động lên kế hoạch và triển khai những giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời lượng tiền mặt cũng như hoạt động thông suốt của hệ thống ATM trong dịp Tết. Tình trạng người xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt rút tiền tại các cây ATM đã được hạn chế; hiện tượng các cây ATM đồng loạt báo lỗi, ngừng giao dịch,… đã được khắc phục rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế hiện tượng quá tải khiến nhiều cây ATM không “nhả” tiền vẫn diễn ra. Dịp Tết Nguyên đán năm 2018, nhiều cây ATM tại TP Hồ Chí Minh nghẽn trên diện rộng khiến không ít người khốn đốn vì không rút được tiền. Mới đây, trong dịp Tết Dương lịch 2019 vừa qua, không ít người dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng không thể rút tiền được tại nhiều cây ATM ở một số thời điểm trong ngày.

Chị Trần Thị Hạnh mới chuyển công tác từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh được gần một năm. Những ngày cuối năm 2018, vừa nhận được tin nhắn báo tiền lương đã được chuyển vào tài khoản, chị tranh thủ ra cây ATM trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) để rút tiền, nhưng chỉ thấy trên màn hình hiện ra dòng chữ thông báo “tạm ngừng giao dịch”. Không nản lòng, chị ghé vào vài cây ATM ở những tuyến đường khác, nhưng cây nào cũng đều báo lỗi hệ thống. Cuối cùng, chị đành phải vào quầy giao dịch rút tiền, nhưng vì cuối năm lượng khách hàng giao dịch rất đông, cho nên sau khi lấy số thứ tự, chị Hạnh phải chờ khoảng 30 phút mới đến lượt. “Vì Tết Nguyên đán tới tôi có kế hoạch đi nước ngoài, cho nên muốn tranh thủ nghỉ Tết Dương lịch về Hà Nội thăm gia đình. Tiền chi tiêu đi lại, tiền mua quà cáp,… nhiều thứ phải tiêu bằng tiền mặt vì đâu phải cửa hàng nào cũng có POS để quẹt thẻ. Nhưng với tình trạng rút tiền ATM như những ngày qua, quả thật tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Để rút vài chục triệu đồng mà phải vào quầy giao dịch chờ để rút rất mất thời gian”, chị Hạnh chia sẻ.

Phối hợp giảm quá tải

Theo ý kiến của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân không rút được tiền từ ATM, trong đó nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là do lượng giao dịch rút tiền tăng đột biến gây quá tải cục bộ, khiến hệ thống ATM có thời điểm gần như tê liệt. Số lượng thẻ ATM được phát hành vẫn tăng dần theo từng năm, nhưng thống kê chưa đầy đủ, trong phần lớn các giao dịch qua ATM thì giao dịch rút tiền mặt vẫn là chủ yếu. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, đến nay, cả nước có 147,3 triệu thẻ ATM được phát hành. Cùng với việc tăng nhanh số lượng thẻ, mạng lưới ATM và máy POS cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa phục vụ khách hàng. Đến cuối tháng 9-2018, các đơn vị đã lắp đặt 18.173 máy ATM và hơn 294.500 máy POS/EFTPOS/EDC, tăng tương ứng 4,5% và 13,5% so cùng kỳ năm 2017. Đã có hơn 224,3 triệu món giao dịch qua ATM với tổng trị giá 622.967 tỷ đồng; giao dịch qua POS/EFTPOS/EDC gần 55,5 triệu món với tổng trị giá 117.887 tỷ đồng.

Nhằm khắc phục tình trạng nghẽn mạng ATM trong dịp Tết, ngay trước khi bước vào mùa cao điểm, NHNN đã liên tục ra văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường chất lượng dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động hệ thống ATM dịp cuối năm và lễ, Tết; yêu cầu các đơn vị giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ ATM, nhất là tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư, nơi có nhu cầu rút tiền mặt lớn,…

Từ giữa tháng 12-2018, NHNN đã yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ phải chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết. Trong đó, đặc biệt lưu ý các ngân hàng chủ động tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời; có các biện pháp phù hợp nhằm giảm quá tải cho ATM, bảo đảm hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, ổn định và an toàn; tránh tình trạng gián đoạn trong hoạt động, gây bức xúc cho khách hàng. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Công tác bảo đảm chất lượng, an toàn, thông suốt các giao dịch ATM và hệ thống thanh toán và bảo đảm nhu cầu tiền mặt dịp cuối năm luôn được NHNN đặc biệt quan tâm. NHNN thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại về chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, hoạt động của hệ thống ATM.

Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, để bảo đảm hệ thống ATM hoạt động thông suốt trong dịp Tết, NHNN đã yêu cầu NAPAS tập trung nguồn lực để kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng, kỹ thuật (máy móc, thiết bị, đường truyền…) và theo dõi, giám sát chặt chẽ để bảo đảm hoạt động chuyển mạch thẻ an toàn, thông suốt và ổn định; cung cấp thông tin cho NHNN khi phát hiện các vụ việc ATM của các ngân hàng thành viên gặp sự cố để kịp thời chỉ đạo xử lý,...

Đại diện một số NHNN chi nhánh địa phương cho biết, theo chỉ đạo của NHNN, các đơn vị này đã yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ trên địa bàn thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng, an ninh, an toàn hoạt động hệ thống ATM. “Để tránh xảy ra tình trạng quá tải ATM cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động, năm nay, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chuẩn bị tiền mặt chi trả cho công nhân ở các khu công nghiệp rất sớm”, một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết. Ngoài việc chuẩn bị nguồn nhân lực, tiền mặt và tăng tần suất tiếp quỹ cho các cây ATM tại các địa bàn giáp ranh, các ngân hàng phải thương thảo với doanh nghiệp chuyển bảng chi lương, thưởng sớm cho ngân hàng để có thể lập bàn chi trả tiền mặt ngay trong doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng luôn có phương án dự phòng là đặt các máy POS tại doanh nghiệp để nhân viên ngân hàng quẹt thẻ cho công nhân và chi trả tiền mặt tại chỗ,…

Để giảm lượng chủ thẻ rút tiền trực tiếp tại máy ATM, một số ngân hàng đã được NHNN cho phép thí điểm kết hợp các đơn vị công nghệ thông tin, viễn thông triển khai một số dịch vụ thanh toán tới khu vực vùng sâu, vùng xa, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân. Trong dịp Tết Nguyên đán, ViettelPay đã chính thức triển khai gần 200 nghìn điểm giao dịch phủ khắp 63 tỉnh, thành phố nhằm phục vụ nhu cầu nạp, rút tiền mặt, thanh toán tài chính cho người dân. Các điểm giao dịch ViettelPay luôn có nhân viên hỗ trợ các khách hàng trong trường hợp không thạo sử dụng các thiết bị công nghệ.

VIỆT PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38936302-nguy-co-nghen-mang-atm-dip-tet.html