Nguy cơ mất thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ: Bài học mới

Doanh nghiệp trong nước chỉ biết bán gạo, chưa chú tâm đến vấn đề thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ...

Thương hiệu gạo ST25 - loại gạo được công nhận là ngon nhất thế giới tại cuộc thi gạo thế giới năm 2019, đang có nguy cơ bị mất khi có 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo này.

Theo đó, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) đã phát hiện ra trong webiste ở Mỹ đang có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại cho gạo ST25. Ông Hồ Quang Cua - người cùng các cộng sự lai tạo giống lúa ST25 cũng đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ.

Tuy nhiên, ngoài hồ sơ ông Hồ Quang Cua đã nộp thì vẫn còn 4 hồ sơ nữa cũng đã nộp đăng ký. Nếu chậm chân hoặc không có động thái sẽ dẫn tới nguy cơ thương hiệu gạo ST25 bị một công ty nào đó của Mỹ đăng ký và được cơ quan Chính phủ Mỹ cấp bảo hộ nhãn hiệu. Khi đó, gạo Việt sẽ gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ dưới mác nhãn hiệu ST25.

Đánh giá câu chuyện gạo ST25 của Việt Nam bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu, Ths Nguyễn Bình Minh, giảng viên Trường Đại học Thương mại, cho biết, đây không phải là vấn đề mới, những câu chuyện tương tự như vậy đã xảy ra khá phổ biến trong thương mại quốc tế. Thường thì trong lĩnh vực này hễ chậm là mất hoặc doanh nghiệp phải tốn rất nhiều công sức, chi phí đòi lại.

Nhiều thương hiệu lớn, có tên tuổi của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc, Vinamit... từng liên quan đến việc vi phạm và tranh chấp thương hiệu, việc đòi lại rất gian nan.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (giữa) giới thiệu gạo ST25 tại điểm bán hàng gạo ST ở TP.HCM. Ảnh: NNVN

Kỹ sư Hồ Quang Cua (giữa) giới thiệu gạo ST25 tại điểm bán hàng gạo ST ở TP.HCM. Ảnh: NNVN

Theo Ths Nguyễn Bình Minh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường làm ăn tự phát, không được huấn luyện bài bản và cũng không có tham vọng tạo ra những sản phẩm có giá trị. Đôi khi doanh nghiệp có những may mắn đặc biệt, không ngờ thành công nhưng khi làm lại không tính đường xa, chỉ tính làm ra sản phẩm, bán được là tốt, cắt giảm tối đa chi phí nên không đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, thậm chí càng không đăng ký ở nước ngoài.

"Đó là một sơ hở. Có khi doanh nghiệp ban đầu chỉ muốn có một sản phẩm tốt, có thể bán được hơn so với người khác, nhưng rồi sản phẩm ấy ra được thế giới, vượt qua cả kỳ vọng và dự đoán của doanh nghiệp nên họ chưa tính đến các bước tiếp theo. Tôi tin rằng, nếu biết có lẽ doanh nghiệp cũng đăng ký bảo hộ thương hiệu", Ths Nguyễn Bình Minh nói.

Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (doanh nghiệp tư nhân do con trai kỹ sư Hồ Quang Cua làm chủ, ông Hồ Quang Cua là cố vấn) cũng chia sẻ trên báo chí rằng, trong kế hoạch, doanh nghiệp chưa tính tới việc sẽ xuất khẩu gạo ST24 hay ST25. Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, nếu chỉ bán qua trung gian là doanh nghiệp nước ngoài chứ không phân phối trực tiếp đến khách hàng được, thì giá trị mang lại không đáng kể. Doanh nghiệp Việt bị ép giá rất nhiều từ các nhà phân phối, bán lẻ ở nước ngoài.

"Đây là một trường hợp để rút kinh nghiệm, là hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các doanh nghiệp về ý nghĩa, vai trò của thương hiệu trong kinh doanh thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp khi có sản phẩm có giá trị, có thương hiệu tốt phải đi kèm với ý thức bảo vệ thương hiệu bằng cách bảo hộ pháp luật và nhận diện thương hiệu trên thị trường", Ths Nguyễn Bình Minh lưu ý.

Từ sự việc này, vị giảng viên Trường Đại học Thương mại cho rằng, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ KHCN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ... phải có phương án hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp về lộ trình xây dựng sản phẩm.

Nếu doanh nghiệp làm ra sản phẩm có mức độ cạnh tranh cao dù đó mới chỉ là sản phẩm thử nghiệm, chưa tính đến giải pháp làm thương hiệu thì doanh nghiệp có thể đặt trong kế hoạch khi nào đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Còn nếu sản phẩm đã đạt được một quy mô thị trường nhất định thì phải khẩn trương đăng ký sở hữu trí tuệ, có thể lựa chọn đăng ký sớm ở những thị trường mà sản phẩm của doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh.

"Muốn mở rộng thị trường, không có cách nào khác, phải đầu tư cho sở hữu trí tuệ. Đầu tư ban đầu tốn phí nhưng sẽ rẻ hơn nhiều so với khi bị người khác đăng ký trước", vị giảng viên nhấn mạnh.

Trong trường hợp sản phẩm đã được doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công, theo ông Minh, có hai cách:

Thứ nhất, đàm phán lại với những người đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công. Những người này thực chất chỉ mua đi bán lại, muốn cạnh tranh với người khác trên thị trường nên đăng ký bảo hộ để người khác không được làm. Điểm yếu của người đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công kia chính là họ không phải là nhà sản xuất, do vậy doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đàm phán để họ nhượng quyền thương hiệu đó hoặc mua lại thương hiệu, hoặc hợp tác với họ để làm.

Thứ hai, trong trường hợp khó khăn hơn, những người đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công thực sự muốn cạnh tranh với doanh nghiệp Việt thì doanh nghiệp Việt buộc phải kinh doanh sản phẩm khác, đồng thời phải tận dụng truyền thông, ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia phân tích, làm rõ sản phẩm đã bị đăng ký bảo hộ thương hiệu ở thị trường kia không phải là sản phẩm của doanh nghiệp Việt, tránh tình trạng "hồn Trương Ba, da hàng thịt".

Đối với gạo ST25, cơ hội giành thương hiệu này tại Mỹ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn. Đến ngày 22/3, tra cứu thông tin công khai trên WIPO - cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, các đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ liên quan đến sản phẩm gạo ST25 đều trong trạng thái đang chờ xử lý (pending). Điều này có nghĩa là đến thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp giấy văn bằng bảo hộ.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại đã liên hệ với ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" bộ giống lúa ST25, để trao đổi thông tin về vụ việc này và tư vấn một số vấn đề liên quan đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại.

Cơ quan này cho rằng chủ thương hiệu gạo ST25 cần nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, củng cố các cơ sở pháp lý, có đội ngũ chuyên gia, luật sư để thực hiện các bước đi nhằm bảo vệ thương hiệu sản phẩm gạo này.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nguy-co-mat-thuong-hieu-gao-st25-o-my-bai-hoc-moi-3431063/