Nguy cơ mất an toàn giao thông từ những bến thủy nội địa không phép

Dù chưa được cấp phép hoạt động, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng nhiều bến thủy nội địa vẫn ngang nhiên xây dựng và hoạt động ngày đêm, gây bụi bẩn, ô nhiễm và ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ cũng như đường thủy dọc tuyến Sông Bôi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Không có giấy phép

Trên địa bàn huyện Lạc Thủy, nhiều bến thủy nội địa không có giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm, bụi bẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ví dụ như bến Tiền Phong 1, Quyết Tiến ở xã Yên Bồng, Chéo Vòng 2 ở xã Lạc Long….

Qua tìm hiểu, nhóm phóng viên nhận thấy những bến thủy nội địa này chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất và vận chuyển dăm gỗ đi các tỉnh.

Ông Trần Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Yên Bồng, cho biết, hiện tại các bến thủy nội ở trên địa bàn xã đã làm thủ tục xin cấp phép mở bến thủy nội địa, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Trên địa bàn xã có 3 điểm nằm trong quy hoạch bến thủy nội địa của tỉnh là bến Tiền Phong 1, Tiền Phong 2 và một bến của Công ty TNHH Hào Hưng.

Bến thủy nội địa Tiền Phong 1 (thuộc xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy) vẫn ngang nhiên hoạt động sản xuất và vận chuyển dăm gỗ đi các tỉnh khác.

Theo ông Tuấn, các bến thủy Tiền Phong 1 và Hào Hưng đã hoạt động từ năm 2014, chủ yếu phục vụ vào việc sản xuất dăm gỗ. UBND xã đã yêu cầu chủ của các bến thủy làm thủ tục hồ sơ để xin cấp phép nhiều lần và họ cũng đã làm hồ sơ nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa được cấp phép hoạt động.

Ông Tuấn cho biết thêm, hằng năm, cán bộ ở Sở Giao thông vận tải (GTVT) và cán bộ ở huyện cũng đã xuống kiểm tra định kỳ, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân hoàn tất thủ tục, hồ sơ để được cấp phép hoạt động. UBND xã cũng đã có đề nghị tại các hội nghị ở huyện và làm việc với các lãnh đạo của các đoàn kiểm tra về việc hợp pháp hồ sơ thủ tục để các doanh nghiệp, cá nhân yên tâm sản xuất.

“Phần đất của bến thủy nội địa Hào Hưng là đất nông nghiệp mua lại của người dân còn phần đất của bến Tiền phong 1 là đất 5% của xã thuê 5 năm, chưa chuyển mục đích sử dụng đất”, ông Tuấn chia sẻ.

Một bến thủy nội địa khác trên địa bàn xã Khoan Dụ phục vụ cho việc sản xuất dăm gỗ.

Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã có buổi làm việc với ông Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình. Ông Quản cho biết: "Tháng 9/2017, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 18/09/2017 về việc công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa địa phương sông Bôi.

Theo quy hoạch tuyến Sông Bôi gồm có 1 cảng và 13 bến thủy nội địa, trong đó có 2 bến khách và 11 bến hàng hóa. Hiện tại chỉ có bến Chéo Vòng 1 (xã Lạc Long, huyện Lạc Thủy) của Công ty TNHH MTV Thanh Nông được cấp phép hoạt động, bến Chéo Vòng 2 (cũng thuộc xã Lạc Long) chuẩn bị được cấp phép, các bến còn lại đều chưa được cấp phép hoạt động.

Sở GTVT tỉnh Hòa Bình cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện kiểm tra xử lý, đình chỉ các bến thủy nội địa chưa được cấp phép hoạt động trên địa bàn huyện".

Nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ cũng như đường thủy dọc tuyến sông Bôi từ các bến thủy nội địa không phép

Văn bản chỉ đạo có hiệu lực trên… giấy (!?)

Về phía chính quyền địa phương, UBND huyện Lạc Thủy đã có văn bản chỉ đạo số 333/UBND – KT&HT ngày 24/4/2018 về việc quản lý, hoàn thiện hồ sơ đầu tư xây dựng bến thủy nội địa và đề nghị cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa tuyến Sông Bôi, huyện Lạc Thủy.

Đối với các bến thủy nội địa nằm trong quy hoạch (Công ty TNHH MTV Thanh Nông Lạc Thủy (Lạc Long), Công ty TNHH MTV Huy Hoàng, Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Hòa Bình, Công ty TNHH Hoàng Anh, Công ty Trồng rừng Tây Nam, Công ty TNHH Hào Hưng), UBND huyện yêu cầu các doanh nghiệp trên triển khai làm các thủ tục hồ sơ về đầu tư xây dựng bến và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động bến theo quy định.

Nếu từ nay đến ngày 10/5/2018 doanh nghiệp, cá nhân chưa thực hiện theo quy định, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành chức năng liên quan lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.

Dường như văn bản chỉ đạo số 333/UBND – KT&HT ngày 24/4/2018 của UBND huyện Lạc Thủy vẫn "nằm im" trên giấy (?)

Đối với các doanh nghiệp khai thác bến thủy không có trong quy hoạch như Công ty TNHH chế biến nông sản Đoàn Kết, Công ty TNHH Linh Nhung, Công ty giấy Bãi Bằng, Công ty TNHH dăm gỗ Bình, Công ty TNHH Hoàng Anh, Công ty TNHH MTV thương mại đầu tư Phú Hưng, Công ty TNHH Khải Khanh, UBND huyện đình chỉ các doanh nghiệp trên dừng khai thác, hoạt động các bến thủy nội địa hoạt động tự phát của các doanh nghiệp trên kể từ ngày 30/04/2018….

Dường như văn bản chỉ đạo này của UBND huyện Lạc Thủy mới chỉ nằm trên “giấy” bởi thực tế, các bến thủy nội địa trên địa bàn huyện Lạc Thủy vẫn ngang nhiên xây dựng và hoạt động ngày đêm, gây bụi bẩn, ô nhiễm và ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ cũng như đường thủy dọc tuyến Sông Bôi.

Phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã liên hệ và đặt giấy giới thiệu đề nghị làm việc với UBND huyện Lạc Thủy cách đây hơn 2 tuần nhưng vẫn chưa nhận được sự phản hồi từ phía chính quyền địa phương (?).

Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng trên ra sao, sẽ bị xử lý như thế nào? Dư luận chờ lời giải đáp của lãnh đạo UBND huyện Lạc Thủy.

Trước sự “thờ ơ” của UBND huyện Lạc Thủy, cũng rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình về sự việc này.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Tuấn – Nguyễn Duẩn – Quang Vượng

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/ban-doc/nguy-co-mat-an-toan-giao-thong-tu-nhung-ben-thuy-noi-dia-khong-phep-15790