Nguy cơ Maidan và mối quan hệ Belarus – Nga – Phương Tây

Trước thềm bầu cử Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko đã nói về việc Minsk cần ngăn chặn mối đe dọa có thể làm sụp đổ đất nước theo kiểu Maidan.

Và không chỉ Belarus lo lắng về điều đó, Nga cũng đang đứng ngồi không yên trước viễn cảnh này.

Mới đây Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nói về mối đe dọa có thể làm sụp đổ đất nước, đến từ lực lượng đối lập.

Ông nhấn mạnh, mọi thay đổi ở Belarus nên đến từ hiến pháp, chứ không phải từ “các thí nghiệm chính trị” kiểu Maidan; nếu không, đất nước sẽ đánh mất lịch sử của mình. Do đó, việc giữ gìn chủ quyền của đất nước phải là nhiệm vụ chính.

Cuộc bầu cử tổng thống tại Belarus được dự kiến tổ chức vào ngày 9 tháng 8 tới. Trong chiến dịch tranh cử, một số nhà lãnh đạo phe đối lập và ứng cử viên Viktor Babariko đã bị bắt giữ.

Bộ Nội vụ nước này nhấn mạnh các vụ giam giữ không liên quan đến chính trị, mà do sự vi phạm thủ tục tổ chức các sự kiện lớn. Bản thân ông Babariko còn bị nghi ngờ trốn thuế tại Belgazprombank (công ty con của Gazprombank Nga), nơi mà ông làm lãnh đạo trước đó.

Tuy nhiên, giới truyền thông phương Tây cho rằng vị Tổng thống kỳ cựu của Belarus đang cố gắng loại bỏ các đối thủ chính trị để tiếp tục nắm quyền ở đất nước này.

Theo nhận định của các học giả phương Tây, không chỉ mình ông Lukashenko lo lắng cho vận mệnh chính trị của mình, mà Nga cũng rất lo lắng về tương lai của Belarus, nếu như nhà lãnh đạo này thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới.

Quan hệ Nga – Belarus có thể có nhiều biến động sau cuộc bầu cử tháng 8 tới

Quan hệ Nga – Belarus có thể có nhiều biến động sau cuộc bầu cử tháng 8 tới

Uy tín của ông Lukashenko sụt giảm

Tổng thống Alexander Lukashenko đã cầm quyền Belarus từ năm 1994 đến nay. Tuy nhiên uy tín của ông đã suy giảm đáng kể trong những tháng gần đây và nếu tình hình không được cải thiện, ông có thể thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 9 tháng 8.

Nếu điều này xảy ra, nó không chỉ làm rung chuyển Belarus, mà còn khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin lo ngại.

Vào đầu năm 2020, phần đông người dân Belarus tin rằng nhà lãnh đạo mạnh mẽ của họ sẽ có được nhiệm kỳ tổng thống thứ sáu, tương tự như các chiến thắng trước đây của ông.

Ngay cả các đối thủ của ông cũng phải im tiếng khi ông Lukashenko bảo vệ chủ quyền của Belarus, trước kế hoạch của Tổng thống Nga Putin về việc hợp nhất hai quốc gia trước đây cùng nằm trong Liên bang Xô viết.

Nhưng COVID-19 đã làm thay đổi mọi thứ. Khi ông Lukashenko tuyên bố đại dịch hoành hành và thường xuyên nói không chính xác về phạm vi và mức độ ảnh hưởng của nó, những người dân thường bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bắt đầu chỉ trích ông.

Họ đặc biệt phẫn nộ trước áp lực của chính quyền khi yêu cầu tham dự lễ kỷ niệm ngày 9 tháng 5 kết thúc Thế chiến II mà không đeo khẩu trang hoặc có găng tay bảo vệ, lại còn phải ký vào một bản kiến nghị ủng hộ Lukashenko.

Đầu tháng 5, nhà chức trách đã bắt giữ blogger nổi tiếng Serge Tikhanovsky, người đã tuyên bố ý định tranh cử tổng thống.

Nhưng vợ của ông ta, bà Einil Tikhanovskaya, đã tự ứng cử để thay thế vị trí này và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Vào tháng 6, hàng người đợi ký tên vào lá phiếu thỉnh nguyện của bà ở Minsk, Brest và Gomel kéo dài nửa dặm (0,8 km), bất chấp việc cảnh sát kêu gọi mọi người giải tán.

Các cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện từ 20 đến 22/5 cho thấy chỉ có 3 - 6,24% cử tri ủng hộ ông Lukashenko, trong khi bà Tikhanovskaya đạt mức 12,7 - 18%, còn cựu Giám đốc điều hành của Belgazprombank, Victor Babariko (hiện bị KGB Belarus bắt giữ) chiếm ưu thế rõ ràng, với sự ủng hộ của 50 - 54,9% số người được hỏi.

Vào ngày 30 tháng 6, Ủy ban Bầu cử Trung ương ở Minsk chính thức cho phép Babariko và Tikhanovskaya tham gia chiến dịch tranh cử, sau khi xem xét chữ ký của những người ủng hộ hai ứng viên này.

Và nếu ông Lukashenko vượt qua họ vào ngày 9 tháng 8, một cuộc cách mạng màu khác ở Đông Âu rất có khả năng sẽ xảy ra ở Belarus.

Phương Tây nói gì?

Theo giới học giả, việc ông Lukashenko có thể rớt đài sau một phần tư thế kỷ nắm quyền lực không phải là lý do duy nhất khiến cuộc bầu cử Tổng thống Belarus vào tháng 8 trở nên quan trọng đối với Moscow.

Các nhà lãnh đạo Nga đã theo sát bước chân của ông Lukashenko kể từ giữa những năm 1990.

Những phát ngôn của Tổng thống Nga Boris Yeltsin trong chiến dịch tái cử năm 1996, bao gồm cả lời kêu gọi người Nga “bầu chọn với cả trái tim mình”, đã được sao chép trực tiếp từ chiến dịch của Lukashenko.

Và khi ông Putin kế nhiệm Tổng thống Yeltsin vào năm 1999, ông cũng tuyên bố về cái gọi là “sự trở lại của những giá trị bền vững”.

Theo giới quan sát phương Tây, giống như Lukashenko đã hồi sinh lá cờ và con dấu Belarus thời Liên Xô cũ, ông Putin đã khôi phục quốc ca Liên Xô ở Nga.

Họ cũng cho rằng ông Putin theo bước Lukashenko, kiềm chế các đảng phái đối lập và các đối thủ chính trị. Rồi quốc hội và tòa án cũng được chuyển đổi thành các bộ phận của chính quyền, phỏng theo mô hình của Belarus.

Cuối cùng, cuộc trưng cầu dân ý ở Nga ngày 1 tháng 7, chính thức cho phép ông Putin giữ chức tổng thống sau năm 2024 (bằng cách đặt lại giới hạn thời gian của hai nhiệm kỳ liên tiếp trong hiến pháp), chính là hình ảnh phản chiếu của ông Lukashenko vào năm 2004.

Ngoài ra, bài viết của tác giả Vladislav Inozemtsev cho Project Syndicate còn chỉ ra, việc Tổng thống Putin cho phép người Nga bỏ phiếu trực tuyến hoặc bỏ phiếu bên ngoài các điểm bỏ phiếu trong giai đoạn bầu cử sớm kéo dài một tuần, cũng tương tự như ở Belarus – đó chính là mô hình đã bảo đảm cho Lukashenko giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác.

Vấn đề cốt lõi

Theo giới truyền thông phương Tây, nếu ông Lukashenko thất bại vào tháng tới, đây sẽ là một cú đánh mang tính biểu tượng vào “phiên bản Nga” của mô hình chính trị Belarus và có thể định hình tương lai của Nga.

Về phía Moscow, từ lâu các nhà lãnh đạo Nga đã coi Kiev là ngả về phương Tây hơn là đi theo con đường của Nga, và họ coi Minsk mới là người bạn và đồng minh đáng tin cậy của mình.

Người Nga rất tôn trọng người Belarus vì những đau khổ mà họ phải chịu đựng trong Thế chiến II và công dân hai nước đã có được tình trạng kinh tế bình đẳng kể từ khi thành lập Nhà nước Liên minh Nga và Belarus năm 1999. Vì vậy, một sự thay đổi tương tự Ukraine ở Belarus có thể sẽ phá vỡ nền tảng của chính quyền Putin.

Ngày nay, Lukashenko là hình ảnh mang tính biểu tượng của Belarus đúng như hình tượng Putin ở nước Nga.

Hay nói theo cách khác, “ngày nay không có nước Nga nếu không có Putin” – như lời của ông Vyacheslav Volodin (hiện là Chủ tịch Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga) đưa ra vào năm 2014. Vào thời điểm đó, ông Volodin là Phó Chánh văn phòng đầu tiên của Văn phòng Tổng thống Nga.

Ngoài các vấn đề trên, theo bình luận của Project Syndicate, căng thẳng gia tăng giữa hai ông Putin và Lukashenko khiến tình hình càng thêm khó đoán. Kể từ năm 2000, Nga đã trợ cấp đều đều cho Belarus với tổng số tiền lên đến 100 tỷ USD, nhưng không nhận được gì ngoài những tuyên bố ủng hộ mang tính ngoại giao.

Thêm vào đó, ông Lukashenko còn thường xuyên chỉ trích ông Putin và gieo rắc tư tưởng hoài nghi về Nga trong Liên minh Á-Âu, dự án địa-chính trị đầy tham vọng của ông Putin.

Hơn nữa, Kremlin hiện nay có thể không còn khả năng hoặc không có ý chí can thiệp vào sự ủng hộ đối với ông Lukashenko. Việc Belarus không có sự phân chia sắc tộc theo kiểu Ukraine (tức tỷ lệ người ủng hộ Nga cao ở các vùng miền) cũng làm suy yếu ảnh hưởng của ông Putin.

Câu hỏi lớn hiện nay là cái gọi là “con đường dân chủ” kiểu Maidan có xuất hiện ở Belarus, tương tự như ở Ukraine năm 2014 hay không (với hy vọng không có bạo lực). Nếu chế độ của Lukashenko ở Belarus không giữ được, thì tình hình ở Nga cũng có thể bắt đầu xuất hiện những cảnh báo nóng.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nguy-co-maidan-va-moi-quan-he-belarus-nga-phuong-tay-3413581/