Nguy cơ lây cúm gia cầm H10N3 giữa người với người là thấp

Trung Quốc đã ghi nhận trường hợp mắc cúm gia cầm H10N3 đầu tiên ở người từ 1/6. Nhưng các nhà khoa học đánh giá rủi ro lây cúm gia cầm H10N3 giữa người với người là không cao.

Thịt gà được bầy bán tại Thượng Hải. Ảnh: AP

Thịt gà được bầy bán tại Thượng Hải. Ảnh: AP

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) xác nhận một người đàn ông 41 tuổi tại thành phố Trấn Giang tỉnh Giang Tô là người đầu tiên trên thế giới nhiễm virus cúm H10N3.

Người đàn ông này nhập viện ngày 28/4 và chẩn đoán mắc H10N3 từ 28/5. NHC thông báo tình trạng sức khỏe của ông này hiện vẫn ổn định.

NHC không công bố chi tiết nguyên nhân người đàn ông này mắc H10N3 nhưng khẳng định đã mở cuộc điều tra những người tiếp xúc gần với bệnh nhân này và nhận thấy rủi ro lây nhiễm là rất thấp.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đánh giá H10N3 khá hiếm ở gia cầm và không gây tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng chưa thể xác định được nguồn lây virus cúm H10N3 của bệnh nhân tại Trung Quốc và không có ca nào mới trong cộng đồng địa phương. Cũng theo WHO, không có dấu hiệu lây lan virus cúm H10N3 giữa người với người.

Các virus cúm gia cầm tuy không tác động mạnh đến các loài chim, gà nhưng lại gây tình trạng nghiêm trọng ở người. Điều này từng được ghi nhận với cúm H7N9 khiến 300 người tử vong tại Trung Quốc trong mùa Đông 2016-2017.

Các chuyện gia nhận tình tình trạng lây lan rộng cúm H10N3 là rất thấp. Trường hợp mắc cúm H10N3 đầu tiên xảy ra ở Trung Quốc vốn là nơi có rất đông gia cầm chăn nuôi cũng như chim hoang dã.

Với việc giám sát chặt chẽ hơn, đã có nhiều ca nhiễm virus cúm gia cầm được ghi nhận. Trong tháng 2 vừa qua, Nga ghi nhận trường hợp người nhiễm virus H5N8 đầu tiên trên thế giới. H5N8 vốn đã “hoành hành” tại nhiều trang trại gia cầm khắp châu Âu, Nga và Đông Á trong mùa Đông 2020.

WHO phân tích: “Vì cúm gia cầm vẫn xuất hiện ở các loài được chăn nuôi do vậy việc ngẫu nhiên lây sang người không phải là bất ngờ. Nhưng điều này nhắc nhở chúng ta rằng nguy cơ về dịch cúm gia cầm vẫn hiện hữu”.

Vẫn có nguy cơ virus biến đổi, phối hợp với những chủng khác có trong nông trại hoặc các loài chim di cư dẫn đến thay đổi gen và mang rủi ro lây nhiễm cho con người.

Giáo sư Ben Cowling tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết H5N1 chỉ cần vài biến đổi sau đó đã lây từ người sang người. Do vậy, ông Ben Cowling cho rằng việc thu được thông tin về gen của virus cúm H10N3 sẽ hỗ trợ đưa ra đánh giá liệu đây có phải là loại đáng lo ngại.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguy-co-lay-cum-gia-cam-h10n3-giua-nguoi-voi-nguoi-la-thap-20210603080412291.htm