Nguy cơ lan rộng kịch bản Sri Lanka

Sri Lanka hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia Nam Á này giành độc lập vào năm 1948. Câu chuyện rối ren của Sri Lanka đang mang tới bài học đắt giá cũng như lo sợ cho các nước đang phát triển khác, đặc biệt là những quốc gia cũng đang chìm trong bất ổn kinh tế, về nguy cơ rơi vào kịch bản tương tự.

Trong vài tháng qua, Sri Lanka bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập. Quốc đảo này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng quan trọng, cũng như tình trạng thiếu trầm trọng lực lượng tuần tra, thuốc men và dự trữ ngoại hối trong bối cảnh khủng hoảng cán cân thanh toán.

Khủng hoảng tài chính dẫn đến sự phẫn nộ của công chúng và các cuộc biểu tình bạo lực trong nước, buộc Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và nội các phải từ chức và một thủ tướng mới được bổ nhiệm. Xung đột Nga-Ukraine và đại dịch COVID-19 là những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình kinh tế ảm đạm. Tuy nhiên, sự thiếu quản trị tốt có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay.

Nepal – Nhiều bất ổn tương đồng

Bản thân Nepal đang có nhiều bất ổn kinh tế tương đồng với Sri Lanka. Thâm hụt thương mại ngày càng tăng, dự trữ ngoại hối giảm và lạm phát tăng vọt ảnh hưởng đến đời sống của người dân và làm tê liệt nền kinh tế Nepal.

Kinh tế Nepal có nhiều vấn đề tương đồng với Sri Lanka.

Kinh tế Nepal có nhiều vấn đề tương đồng với Sri Lanka.

Ngân hàng Trung ương Nepal (NRB) ghi nhận dự trữ ngoại hối vào khoảng 10 tỷ USD tính đến giữa tháng 4-2022 - thấp hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Dựa trên con số này, các nhà phân tích cho rằng Nepal chỉ có thể duy trì nhập khẩu trong 6 tháng rưỡi nữa. Ngoài ra, Nepal còn đang thâm hụt thương mại trầm trọng. Thâm hụt thương mại của Nepal trong giai đoạn từ 2003-2004 đến 2019-2020 tăng khoảng 13 lần. Xu hướng này chỉ ra các vấn đề cơ cấu mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

Chính sách thuế hiện hành, quy mô thị trường, sự sẵn có của nguyên liệu thô cho sản xuất, mức lương, chất lượng công nghệ, chi phí vận chuyển và năng suất lao động không có lợi cho các khoản đầu tư vào Nepal. Hiệu suất kém trên các chỉ số này đã không khuyến khích đầu tư, dẫn đến mức sản xuất và năng suất thấp hơn.

Quy mô thị trường được xác định theo dân số của Nepal là nhỏ và GDP bình quân đầu người của người dân (1.155 USD) cũng thấp nhất ở Nam Á sau Afghanistan. Theo ước tính của Tổ chức Năng suất châu Á, năng suất của lực lượng lao động Nepal thấp nhất ở Nam Á. Một yếu tố quan trọng khác tác động đến sản xuất và xuất khẩu là chất lượng cơ sở hạ tầng. Theo dữ liệu từ WB, Nepal đang ở vị trí yếu nhất về môi trường đầu tư, sản xuất và năng suất. Tất cả những điều này dẫn đến hoạt động xuất khẩu kém.

Theo dữ liệu mới nhất của RNB, tỷ lệ lạm phát của Nepal là 7,28%. Lạm phát cao hơn hiện nay là do sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng do xung đột Nga-Ukraine gây ra, giá các sản phẩm xăng dầu tăng, giá trị đồng USD tăng cao, chi tiêu lớn (chiếm gần 2,5% GDP) trong các cuộc bầu cử cấp địa phương và lệnh cấm nhập khẩu hàng xa xỉ. Tình hình kinh tế hiện tại, tức là lạm phát tăng và dự trữ ngoại hối cạn kiệt, có thể làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực. Ước tính khoảng 4,6 triệu người ở Nepal bị mất an ninh lương thực.

Công chúng ngày càng lo sợ về việc liệu Nepal có phải đối mặt với “số phận” vỡ nợ tương tự như Sri Lanka hay không, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát leo thang và thâm hụt thương mại cao. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng cơ cấu kinh tế của Sri Lanka và của Nepal khác nhau. Ví dụ, Nepal có nợ nước ngoài ít hơn nhiều so với Sri Lanka. Bên cạnh đó, đóng góp của du lịch vào nền kinh tế Nepal tương đối thấp.

Sri Lanka cần trả khoản nợ nước ngoài trị giá 4 tỷ USD trong năm nay trong khi khoản nợ của Nepal trong năm nay chỉ ở mức 400 triệu USD. Tương tự như vậy, trong khi đóng góp của du lịch vào GDP của Nepal là khoảng 3%, thì đóng góp của du lịch vào GDP của Sri Lanka là khoảng 12%. Bởi vì hai lý do trên, Nepal ít có khả năng giống như Sri Lanka.

Dù vậy, tình hình kinh tế hiện tại của Nepal gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng nước này cần bắt đầu các bước đi phù hợp nhằm tăng sản lượng và năng suất. Tiến sĩ Swarnim Wagle, Cố vấn kinh tế trưởng tại Văn phòng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nhận xét: “Nepal giống Sri Lanka không phải về chỉ số và cơ cấu kinh tế mà là về quản trị không hiệu quả và chính sách sai lầm”.

Bangladesh – Dễ đi theo “vết xe đổ”

Mặc dù có các chỉ số kinh tế không tồi tệ như Sri Lanka, một số chuyên gia kinh tế suy đoán rằng thâm hụt thương mại và nợ nước ngoài ngày càng tăng có thể khiến Bangladesh rơi vào một cuộc khủng hoảng tương tự Sri Lanka trong những năm tới. Tuy nhiên, Hans Timmer - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới khu vực Nam Á - cho rằng Bangladesh không đứng trước nguy cơ khủng hoảng mà Sri Lanka hiện đang phải đối mặt và tình hình ở Bangladesh rất khác.

Bangladesh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro kinh tế.

Sự hỗn loạn kinh tế của Sri Lanka không phải là một tai nạn đơn thuần mà là kết quả của một loạt các chính sách kinh tế thiếu hiệu quả của chính phủ. Trong thập kỷ qua, chính phủ Sri Lanka thực hiện rất nhiều dự án lớn không mang lại lợi nhuận nhưng lại được thực hiện bằng các khoản vay lãi suất cao. Chính phủ cũng thu về 9 tỷ USD từ thị trường quốc tế để đổi lấy trái phiếu nợ có bản chất ngắn hạn và đi kèm với lãi suất cao hơn gần 8%. Kết quả là tổng nợ nước ngoài của đảo quốc này lên tới 51 tỷ USD, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ là 80 tỷ USD. Do đó, Sri Lanka không trả được khoản vay trị giá gần 8 tỷ USD và buộc phải tuyên bố phá sản.

Ngược lại, ở Bangladesh, chính phủ thực hiện một số dự án lớn được tính toán kỹ lưỡng và khả thi như cầu Padma, đường sắt Metro, đường cao tốc trên cao Dhaka, nhà máy điện hạt nhân Rooppur và cảng biển Payra, tất cả đều được định hướng sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn. Do đó, việc hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng cũng sẽ thúc đẩy nền kinh tế và mang lại đầu tư hơn nữa cho Bangladesh. Ngoài ra, phần lớn các khoản vay nước ngoài cho các dự án này là từ các bên cho vay đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Cũng cần lưu ý rằng Bangladesh không có trái phiếu thương mại hoặc trái phiếu chủ quyền như Sri Lanka. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2020 chỉ ra rằng Bangladesh có GDP là 324,2 tỷ USD, lớn hơn GDP của Pakistan và Sri Lanka cộng lại. Trong khi các khoản nợ nước ngoài của Sri Lanka chiếm gần 50% GDP, các khoản nợ nước ngoài của Bangladesh chỉ chiếm 17% GDP. Theo Giáo sư Mustafizur Rahman, một chuyên gia tại Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD): “Hai chỉ số chính về quản lý nợ của Bangladesh vẫn đang ở vị trí tốt. Một là tỷ lệ dư nợ nước ngoài trên GDP và hai là tỷ lệ nợ phải trả theo tỷ lệ phần trăm của ngoại hối từ xuất khẩu”.

Bên cạnh đó, kinh tế Bangladesh đã chống chọi với những ảnh hưởng của dịch COVID-19 khá tốt. Bangladesh đã đạt mức tăng trưởng doanh thu 15% trong 8 tháng qua, tăng trưởng tín dụng khu vực tư nhân gần 11% - bao gồm cả xu hướng tăng trưởng đầy hứa hẹn trong xuất khẩu. Khi tăng trưởng tín dụng khu vực tư nhân tiếp tục tăng mạnh, xuất khẩu và dự trữ sẽ tăng nhiều hơn trong những năm tới. Về lương thực, Bangladesh không phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực chính và đang hướng tới an ninh lương thực bền vững. Bangladesh nhận được khoản kiều hối kỷ lục 22 tỷ USD năm 2021.

Tuy nhiên, chuyên gia Hans Timmer cũng khuyến cáo chính phủ nên thận trọng đối với các chính sách tài khóa trong nước vì căng thẳng Nga-Ukraine có tác động trên toàn thế giới về lạm phát và khủng hoảng lương thực. Bất ổn chính trị kéo dài hàng thập kỷ của Sri Lanka và sự lãnh đạo yếu kém của nước này trong việc quản lý các tác động địa chính trị là nguyên nhân lớn dẫn đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Mặc dù kịch bản Sri Lanka nhiều khả năng sẽ không xảy ra với Bangladesh, ít ra là trong ngắn hạn, nhưng đó là một hồi chuông cảnh tỉnh để Bangladesh tiếp tục củng cố khuôn khổ kinh tế-chính trị của mình.

Pakistan – một Sri Lanka tiếp theo?

Pakistan đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế bất ổn khá nghiêm trọng, bao gồm một khoản nợ 6,4 tỷ USD phải trả trong vòng 3 năm tới. Chính phủ đương nhiệm đang cố gắng đàm phán để có được gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Pakistan có nguy cơ cao trở thành Sri Lanka thứ 2.

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên Pakistan tìm kiếm gói cứu trợ từ IMF, mà là lần thứ 23. Dự trữ ngoại hối của Pakistan đang cạn kiệt nhanh. Pakistan mất gần một nửa lượng dự trữ ngoại hối trong vài tháng qua. Theo một báo cáo được Bloomberg công bố, giá trị tiền tệ của Pakistan đang ở mức tồi tệ nhất ở châu Á, khi đồng nội tệ rupee mất giá 8% trong vài tháng qua.

Trong bối cảnh này, gói cứu trợ từ IMF cũng như từ các quốc gia khác trở nên cấp thiết đối với sự tồn vong của đất nước. Nhưng để đảm bảo một gói cứu trợ của IMF không đơn giản vì sẽ đi kèm với các điều kiện khó khăn đối với chính phủ mới. Một số điều kiện này bao gồm việc tái thiết hợp pháp hệ thống ngân hàng và thuế, giảm thâm hụt ngân sách, loại bỏ trợ cấp điện và năng lượng cùng với sự can thiệp ít hơn của Ngân hàng nhà nước Pakistan vào thị trường ngoại hối.

Có một số nguyên nhân đằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế Pakistan hiện nay. Đầu tiên và quan trọng nhất là chi tiêu lớn của Pakistan cho các dự án không khả thi, bao gồm dự án xe buýt điện ngầm, dự án xe lửa màu cam và một số dự án khác. Những dự án này được xây dựng dựa trên nguồn vốn vay nước ngoài nên khiến Pakistan chìm trong nợ nần. Thứ hai, việc đồng rupee Pakistan không ngừng giảm giá so với đồng USD gây ra thêm những rắc rối cho đất nước khi một mặt nợ nước ngoài đang tăng lên, mặt khác, lạm phát cũng gia tăng và người dân ngày càng rơi xuống dưới mức nghèo khổ.

Sự chậm trễ hơn nữa trong việc đảm bảo một thỏa thuận với IMF khiến tình trạng kinh tế trở nên tồi tệ hơn và trong thời gian ngắn, Pakistan sẽ là Sri Lanka tiếp theo. Pakistan cần thỏa thuận của IMF và sự giúp đỡ của các nước khác. Nhưng câu hỏi thực sự là, liệu chính phủ có thể dẫn dắt đất nước tăng trưởng kinh tế bền vững hay không? Bởi vì, nhắc lại một lần nữa, nguyên nhân cốt lõi của khủng hoảng Sri Lanka là bất ổn chính trị kéo dài hàng thập kỷ và sự lãnh đạo kém trong việc quản lý các tác động địa chính trị.

Bích Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nguy-co-lan-rong-kich-ban-sri-lanka-i664869/