Nguy cơ lạm phát cuối năm cao, giải pháp nào để kiểm soát dưới 4%?

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức lạm phát thấp nhất thế giới nửa đầu năm. Tuy nhiên, trước nhiều sức ép hiện hữu, giải pháp nào để có thể ghìm cương lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2022, như mục tiêu Quốc hội đã đề ra?

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số lạm phát bình quân của Việt Nam chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, áp lực lạm phát trên toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng, bên cạnh nguyên nhân cầu kéo và chi phí đẩy còn do hệ quả của việc nới lỏng các biện pháp tài khóa, tiền tệ trong giai đoạn dịch Covid-19 kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.

Áp lực lạm phát gia tăng

Theo phân tích của Ngân hàng Deutsche (Đức) về lạm phát ở 111 nước, tỷ lệ lạm phát trung bình trong 12 tháng qua (từ tháng 6-2021 đến tháng 5-2022) là 7,8%; tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó (3%), chủ yếu do giá nhiên liệu và lương thực, thực phẩm tăng vọt.

Tại Việt Nam, nhìn lại nửa đầu của năm, giá xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng tăng theo giá thế giới; giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát là những nguyên nhân gây áp lực tăng lạm phát khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã điều hành linh hoạt, chủ động các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng.

Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vừa diễn ra, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá trong thời gian còn lại của năm 2022, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, lạm phát tiếp tục cao ở một số nền kinh tế lớn; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và quan hệ thương mại quốc tế.

Trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, rủi ro, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát nặng nề hơn… nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn

Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn

TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính cho rằng giá cả nhiên liệu, nhất là xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao do nguồn cung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Các nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt sẽ tiếp tục tăng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga nhưng chắc chắn vẫn không đáp ứng nhu cầu. Chuỗi cung ứng vật tư, hàng hóa trên thế giới bị đứt gãy sẽ tiếp tục làm cho giá vật tư, hàng hóa nhập khẩu tăng cao.

"Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động mạnh từ việc tăng giá vật tư, sản phẩm thế giới do nền kinh tế có độ mở lớn, nhập khẩu lớn. Do đó, xu hướng tăng giá bán, tăng lạm phát cho tới cuối năm là khá rõ", TS Nguyễn Ngọc Tuyến nói.

Bà Lê Thanh Nga, Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì cho rằng, Việt Nam có mức độ hội nhập tương đối lớn, cung cầu, giá cả các mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều vào tình hình thị trường nguyên vật liệu nhập khẩu. Vì vậy, việc giá các mặt hàng nguyên liệu, đặc biệt là nhóm nhiên liệu, năng lượng trên thị trường thế giới tiếp tục tăng làm tăng giá nhiều nguyên, vật liệu nhập khẩu, chi phí vận chuyển, logistics tăng, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và tăng giá hàng hóa trong nước - điều này sẽ tạo áp lực lạm phát cho nền kinh tế.

Giải pháp nào kiềm chế lạm phát dưới 4%?

Năm 2022, Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2022 hiện vẫn đang thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng với diễn biến giá cả các loại hàng hóa tăng trên thị trường thế giới, đặc biệt là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng như dầu khí, than đá, vật liệu xây dựng... thì việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện Tài chính), nếu trong trường hợp lạm phát trung bình cả năm vượt mức 4%, lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022, CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Tuy nhiên, xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng.

Để kiềm chế lạm phát, TS Nguyễn Ngọc Tuyến cho rằng cùng với điều chỉnh kịp thời công cụ thuế, giảm thuế đối với sản phẩm xăng dầu nhập khẩu nhằm ổn định giá, kìm hãm đà tăng của CPI cả nước trong khuôn khổ mục tiêu đã xác định thì cũng cần kiểm soát chặt chẽ giá sản phẩm hàng hóa đầu vào để hạn chế đà tăng giá bán, từng bước đầu tư tìm kiếm nguồn vật tư hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Qua đó, hạn chế tác động từ hàng nhập khẩu giá cao của thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quốc Phương tại buổi họp báo Chính phủ tháng 6: "Lạm phát tại Việt Nam chưa phải là vấn đề quá “nóng” như các nước châu Âu hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nguy cơ và sức ép là hiện hữu, do vậy chúng ta phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả để làm sao mức tăng CPI dao động dưới 4% đúng mục tiêu đề ra".

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nguy-co-lam-phat-cuoi-nam-cao-giai-phap-nao-de-kiem-soat-duoi-4-700973