Nguy cơ lạm dụng truyền dịch

Truyền dịch được coi là một biện pháp hiệu quả và an toàn trong quá trình điều trị nhiều bệnh khác nhau. Tuy nhiên, không ít người chỉ mệt mỏi, cảm cúm thông thường cũng truyền dịch dẫn đến tác hại khôn lường. Mới đây, 2 trẻ nhỏ ở Hà Nội và Hải Phòng đã tử vong khi truyền dịch để bù nước do tiêu chảy, thêm một tiếng chuông cảnh báo cho tình trạng này.

Ảnh minh họa.

Có thể gây tử vong

Ngày 19/10, liên quan tới trường hợp tử vong bất thường của bé Nguyễn Gia B. (22 tháng tuổi, ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) sau khi được gia đình đưa tới khám tại phòng mạch của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP Hà Nội), ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã có văn bản giao Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Chủ tịch UBND quận Long Biên kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình thăm khám cho bé Nguyễn Gia B. tại phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc.

Về phía Sở Y tế Hà Nội đã có báo nhanh về trường hợp tử vong của bệnh nhi Nguyễn Gia B. Theo đó, chiều 16/10, bệnh nhi Nguyễn Gia B. (22 tháng tuổi, ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được bố mẹ đưa đến Phòng khám chuyên khoa Nội của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP Hà Nội), để khám, với các dấu hiệu sốt, tiêu chảy. Bệnh nhi B. được bác sĩ Cúc khám và trực tiếp truyền dịch Ringer lactat. Tuy nhiên, sau khi truyền được khoảng 15 phút thì bệnh nhi B. có biểu hiện tím tái. Bác sĩ Cúc đã rút kim truyền và cùng gia đình đưa bé B. vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu.

Khi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bé B. đã có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, không đo được mạch, huyết áp, đồng tử giãn 4mm - không phản xạ ánh sáng; bé được cấp cứu theo phác đồ, nhưng sau hơn 30 phút vẫn không có kết quả. Bệnh nhi B. được chẩn đoán tử vong ngoại viện. Trước sự việc này, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của Phòng khám chuyên khoa nội tại địa chỉ 392 đường Ngô Gia Tự; đồng thời yêu cầu Phòng Y tế quận Long Biên phối hợp với Công an quận Long Biên và các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc này.

Cùng đó, Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết đang xác minh làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu Nguyễn Ngọc H. (6 tuổi, ở số 16/17/119 đường Trần Phú, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) tại Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân. Theo đó, vào khoảng 5 giờ sáng 16/10, cháu H. được gia đình đưa tới BVĐK quận Lê Chân khám cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, môi khô, đi ngoài và nôn. Nhận thấy cháu H. bị tiêu chảy, nôn và mất nước nặng nên bệnh viện đã tiến hành truyền bù nước điện giải, kết hợp thở ô xy và ủ ấm tại phòng cấp cứu. Sau khoảng 40 phút truyền nước, cháu H. có biểu hiện co giật nên ca trực đã tiến hành các biện pháp chống sốc, đồng thời gọi cấp cứu 115 để phối hợp. Tuy nhiên, cháu H. đã tử vong trước khi Trung tâm 115 đến nơi...

Chia sẻ về nỗi sợ truyền dịch, chị Phạm Thu Hương ở Hải Hậu, Nam Định khi kể, ở quê chị, từ trẻ con đến người già, ai thấy người ốm mệt, ho sốt là được người nhà cho đi tiêm và truyền. Tầm tháng 6 năm ngoái, đi làm đồng về thấy người mệt lả và ngây ngấy sốt, cổ họng bỏng rát chị đến một phòng khám tư để truyền dịch. Truyền được khoảng 15-20 phút, chị Hương thấy người lạnh toát lên và khó thở liền gọi người truyền dịch cho mình. Ngay lập tức chị được đưa vào bệnh viện gần đó cấp cứu vì sốc phản vệ. Cũng may kịp thời phát hiện nên chị qua khỏi. Những trường hợp cứ hễ thấy ốm, mệt là truyền dịch rồi gặp tai nạn như chị Hương không phải là hiếm. Thậm chí, không ít phụ nữ dù chỉ “xuống sắc” chút ít cũng tới các phòng khám tư nằng nặc đòi bác sĩ cho dùng thuốc bổ và truyền khoáng chất để khỏe đẹp trở lại.

Không phải ai cũng truyền dịch được

Ths.BS Âu Thanh Tùng- Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM cho biết: Truyền dịch là truyền dung dịch có chất hòa tan như đường, chất đạm, chất béo, một số dung dịch chứa chất điện giải như natri clorua, kali clorua, bicabonat... Ngoài ra, còn có những chế phẩm đặc biệt như dịch truyền abumin, dịch truyền có yếu tố đông máu, tiểu cầu…

Thông thường, những chỉ định truyền dịch bao gồm: Truyền dịch dinh dưỡng hoặc bù điện giải cho người bệnh trước hoặc sau mổ, đặc biệt mổ các bệnh lý của ống tiêu hóa, người bệnh bị hôn mê, rối loạn nuốt hoặc các bệnh lý thực quản, dạ dày mà người bệnh không ăn uống được, truyền dịch bù điện giải ở người bệnh bị rối loạn điện giải, truyền dịch bù nước và điện giải ở người bệnh bị phỏng, nôn ói hoặc tiêu chảy, hay ở người bệnh bị sốt xuất huyết nặng...

Theo BS Tùng, nếu người bệnh uống được thì tốt nhất là nên chọn cách uống, điều quan trọng là truyền dịch bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ. Các cơ sở y tế thực hiện truyền dịch phải có đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị để xử lý khi không may có tai biến. Nhân viên y tế phải có kinh nghiệm nhận biết khi người bệnh bị sốc và biết cách xử trí đúng theo phác đồ.

Về thực trạng lạm dụng và nguy cơ của truyền dịch, PGS.BS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), khẳng định dịch truyền chỉ phát huy tác dụng khi đúng chỉ định. “Việc một số người cứ thấy sốt, mệt mỏi do sốt virus lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm. Chưa ai chứng minh việc truyền dịch có thể hạ sốt. Hơn nữa, người đang mệt mà đi truyền rất nguy hiểm. Thậm chí, ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm như bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực”, ông Dũng nói.

Dịch truyền có nhiều loại tùy theo tác dụng, trong đó phổ biến là loại cung cấp đường, muối và chất điện giải như glucose 5%, 10%; cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng... Bác sĩ Dũng cũng cho rằng, nếu có thể bù nước, dịch bằng cách thông thường thì người dân nên áp dụng chứ không nên truyền dịch. Ví dụ, với tỷ lệ 5 g đường/100 ml dung dịch thì việc truyền cho trẻ một chai Gglucose 5% chỉ tương đương với việc cho trẻ uống gần một thìa cà phê đường. Tương tự như vậy, truyền một chai dung dịch muối 9% chỉ như uống một bát canh nhạt.

Bác sĩ Âu Thanh Tùng cũng cảnh báo, không phải ai cũng truyền dịch được và không phải lúc nào truyền dịch cũng là lựa chọn hàng đầu. Tất cả các thuốc, dịch truyền đều có những phản ứng phụ không mong muốn, có thể tốt với người này nhưng không tốt với người khác. Ví dụ khi truyền dịch mà dịch thoát ra ngoài sẽ gây phù tại chỗ, gây viêm tĩnh mạch, không tuân thủ vô trùng thì sẽ gây nhiễm trùng. Đặc biệt khi truyền dịch nhanh, đối với người bệnh bị tăng huyết áp, suy tim và người lớn tuổi thì có thể bị phù phổi cấp, nghĩa là một lượng dịch lớn vào cơ thể sẽ ứ lại tại phổi làm cho người bệnh ngộp thở có thể gây tử vong. Vì vậy, khi truyền dịch phải do chỉ định của bác sĩ dựa trên các xét nghiệm cũng như thể trạng của bệnh nhân.

Minh Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/nguy-co-lam-dung-truyen-dich-tintuc421739