Nguy cơ lạm dụng bích họa đường phố

Mới đây, sự xuất hiện các bức bích họa với chủ đề 'Hà Nội xưa và nay' trên bức tường của một đoạn phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận.

Mới đây, sự xuất hiện các bức bích họa với chủ đề “Hà Nội xưa và nay” trên bức tường của một đoạn phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận.

Bên cạnh ý kiến đồng tình trước việc các bức tranh góp phần làm đẹp cảnh quan đường phố thì không ít ý kiến lại cho rằng, việc thay đổi diện mạo của một tuyến phố dù bằng các bức tranh mang tính nghệ thuật cũng không thể tùy tiện, bởi có thể các bức tranh sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường.

Ý kiến này không phải không có lý, vì từ lâu phố Phan Đình Phùng vẫn mang dáng vẻ trầm mặc, cổ kính với các điểm di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng của Thủ đô. Bởi vậy, giờ đây việc khoác thêm cho những bức tranh rực rỡ mầu sắc liệu có thật sự phù hợp?

Nhìn rộng ra có thể thấy, thời gian qua, để cải thiện không gian công cộng và diện mạo của địa phương, việc trang trí các tuyến phố, ngõ xóm bằng những bức bích họa với rất nhiều kích cỡ khác nhau đã được triển khai khá rầm rộ. Thí dụ tại Hà Nội, kể từ năm 2010, khi con đường gốm sứ ven sông Hồng được khánh thành và trở thành công trình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của Thủ đô, đến nay thành phố đã có thêm nhiều con đường, ngõ phố được thay đổi diện mạo bằng các bức bích họa.

Những bức tường cũ kỹ, ố vàng, lem luốc, nham nhở các loại tờ rơi quảng cáo,... đã thật sự “lột xác” khi được khoác lên mình “tấm áo mới” là các bức vẽ đa dạng đề tài: tranh phong cảnh, tranh mô tả hoạt động lao động sản xuất, tranh tái hiện lịch sử... Tiêu biểu có thể kể đến các bức bích họa xuất hiện ở những tuyến phố: Phùng Hưng, Duy Tân, Hồ Tùng Mậu,... và mới đây là phố Phan Đình Phùng. Hay các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Phú Thượng...

Không thể phủ nhận rằng, những bức tường tranh sống động ấy đã giúp các con phố trở nên sáng sủa, đẹp đẽ hơn. Thậm chí, nhiều phố có các bức tường phủ tranh bích họa nhanh chóng trở thành địa điểm yêu thích của người dân, nhất là giới trẻ.

Không chỉ phát triển mạnh ở Hà Nội, phong trào vẽ tranh bích họa cũng khá phát triển ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Một số nơi, bích họa đã giúp thu hút khách du lịch tìm đến với địa phương như: làng bích họa xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), làng bích họa Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), làng bích họa đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi), làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), làng bích họa Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam), làng bích họa quận Hải Châu (Đà Nẵng). Còn tại TP Hồ Chí Minh, có thể bắt gặp nhiều bức bích họa xuất hiện trong các ngõ, phố như: Bùi Thị Xuân, 3/2, Sư Vạn Hạnh, Lê Hồng Phong, Pasteur, Lý Văn Phức, Nguyễn Khoái...

Tuy nhiên, dường như thực trạng nêu trên đồng thời cũng đặt ra nỗi lo về nguy cơ “lạm phát” tranh bích họa. Bởi ở một số nơi đã và đang xuất hiện tâm lý ganh đua, “kém miếng khó chịu”, muốn có tranh bích họa bằng mọi giá. Thế nhưng, thay vì cần phải tham khảo ý kiến của giới chuyên môn, các bức bích họa được vẽ cẩu thả bằng một số “thợ vẽ” còn non kém trình độ, nội dung không phù hợp với khu dân cư. Hậu quả là sự xuất hiện các bức tranh tường không có giá trị nghệ thuật và khiến cảnh quan môi trường thêm nhem nhuốc.

Rõ ràng, dù với mục đích cải thiện diện mạo đô thị hay xóm làng, phục vụ cộng đồng thì các bức bích họa cũng cần phải được cơ quan chức năng tổ chức, quản lý và kiểm soát chặt chẽ về nội dung, chất lượng nghệ thuật, địa điểm vẽ tranh, cũng như công tác bảo dưỡng,... tuyệt đối không thể để tùy tiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, dễ dẫn đến nguy cơ “ô nhiễm thị giác”. Dù thế nào thì chỉ khi các bức bích họa đạt chất lượng và hiệu quả thẩm mỹ, tạo được bản sắc riêng, phù hợp với văn hóa bản địa và yêu cầu quy hoạch thì mới tìm được chỗ đứng trong đời sống cộng đồng.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38078602-nguy-co-lam-dung-bich-hoa-duong-pho.html