Nguy cơ hỏa hoạn tại các xưởng chế biến gỗ ở Bình Dương

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018 đã có hàng loạt vụ cháy nổ liên quan đến các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ ở Bình Dương, gây chết người và thiệt hại vật chất lên đến hàng chục tỷ đồng. Giải pháp nào để phòng ngừa nguy cơ hỏa hoạn đang là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng ở địa phương.

Bình Dương hiện có hơn 600 DN sản xuất, kinh doanh ngành gỗ (chiếm khoảng hơn 50% số DN ngành gỗ cả nước), tập trung chủ yếu ở các thị xã (TX) Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một… Trong đó, chỉ có khoảng 10% là DN lớn, có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, thiết bị PCCC hiệu quả, còn lại là các DN quy mô nhỏ, hệ thống nhà xưởng cũ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Thời gian gần đây, chỉ riêng TX Tân Uyên đã xảy ra ít nhất 3 vụ cháy nổ nghiêm trọng, thiêu rụi hàng ngàn mét vuông nhà xưởng và vật tư, hàng hóa, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí có nhiều DN trắng tay, phá sản sau hỏa hoạn.

Điển hình như vụ cháy xảy ra tại nhà xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Bí Ngô 3 (phường Tân Phước Khánh, TX Tân Uyên) ngày 5-1, đã xóa sổ nhà xưởng rộng hơn 1.000m2 và thiêu rụi toàn bộ vật liệu sản xuất, gỗ thành phẩm, máy móc thiết bị. Nghiêm trọng hơn, vụ cháy trên đã làm ông Võ Văn Dương (43 tuổi) và bà Hà Thị Lê (41 tuổi), cùng quê Hà Tĩnh, bị ngạt khói, tử vong.

Vụ cháy xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Bí Ngô 3 (phường Tân Phước Khánh, TX Tân Uyên) ngày 5-1 đã làm 2 người bị chết

Gần đây nhất là vụ cháy xưởng sản xuất của Công ty gỗ Mỹ Nghệ tại cơ sở 2 mới khai trương (phường Thuận Giao, TX Thuận An), thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng rộng hơn 1.000m2, khiến chủ đầu tư phải xây dựng lại toàn bộ cơ sở và đầu tư hệ thống máy móc mới.

Mặc dù thiệt hại sau mỗi vụ hỏa hoạn là rất nghiêm trọng, nhưng phần lớn các DN chỉ chú ý đến gia tăng doanh số và lợi nhuận, chứ ít quan tâm đầu tư máy móc, hệ thống dây dẫn điện, hút bụi liên nhà xưởng, chống cháy theo khuyến cáo của ngành chức năng. Thậm chí việc lắp đặt hệ thống phun sương tự động tại các khu vực dễ phát lửa với chi phí rẻ, đơn giản, nhưng rất ít cơ sở sản xuất thực hiện, vì vậy nguy cơ cháy nổ vẫn luôn rình rập, đe dọa đến an toàn của công nhân lao động và an ninh trật tự trong khu vực.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương, nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ nhà xưởng trong thời gian qua là do ý thức của chủ DN và người lao động; hệ thống máy móc sử dụng lâu ngày, nhà xưởng xuống cấp, nhất là việc kéo nối điện tùy tiện trong khu vực sản xuất… dẫn đến hậu quả khôn lường.

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, nhất là vào những ngày cao điểm nắng nóng, lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương đã lập đoàn kiểm tra các DN chuyên sản xuất chế biến gỗ, rà soát lại toàn bộ việc trang bị các thiết bị PCCC, điều kiện về giao thông phục vụ chữa cháy, ngăn cháy; hệ thống điện sản xuất, điện bảo vệ và đặc biệt là kiểm tra hệ thống thông gió cưỡng bức tại khu vực sơn, đường ống của hệ thống này phải làm bằng vật liệu không cháy, phòng nổ… Đơn vị cũng xử phạt nghiêm các DN không thực hiện đúng luật chuyên ngành và các hướng dẫn chuyên môn về PCCC nhằm tránh thiệt hại, nhất là nhân mạng trong các cơ sở chế biến gỗ.

XUÂN TRUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nguy-co-hoa-hoan-tai-cac-xuong-che-bien-go-o-binh-duong-508552.html