Nguy cơ hiệu ứng lan tỏa do cuộc chiến giá dầu

Bối cảnh trong nước khiến cả Nga và Saudi Arabia khó có thể xuống thang trong cuộc chiến giá dầu đã nổ ra. Thế giới đang rất lo ngại trước hiệu ứng lan tỏa từ cuộc chiến giá dầu mới.

OPEC và Nga bất đồng về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ

OPEC và Nga bất đồng về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ

Ngày 9/3 vừa qua, thị trường dầu thô giao theo kỳ hạn trên thế giới ghi nhận giá dầu Brent tại London giảm 30% ngay từ khi mở cửa, mức thấp nhất giữa phiên chạm mốc 31,02 USD/thùng còn giá dầu ngọt nhẹ ở New York lúc thấp nhất chỉ còn 27,96 USD/thùng. Như vậy, sau khi giảm 10,07% vào lúc đóng cửa phiên cuối tuần trước (6/3), giá dầu thô đã giảm thêm 32% trong phiên đầu tuần này. Số liệu thống kê cho thấy đây là cơn chấn động nghiêm trọng nhất xảy ra trên thị trường dầu mỏ thế giới kể từ Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991.

Nguyên nhân trực tiếp gây ra cơn hoảng loạn trên thị trường năng lượng quốc tế là việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài OPEC do Nga đứng đầu không thể đạt được sự thống nhất về thỏa thuận giảm sản lượng sau tháng 3/2020. Từ ngày 1/4 /2020, các nước sản xuất dầu sẽ không bị ràng buộc bởi thỏa thuận hạn chế sản lượng nữa.

Thông thường giá dầu mỏ ở mức tương đối thấp có lợi cho sự phục hồi của kinh tế thế giới vì có thể giúp giảm giá thành sản xuất của doanh nghiệp và kiềm chế lạm phát tăng cao. Nhưng giá dầu xuống quá thấp lại giống như “con dao hai lưỡi". Hiện nay, nhiều nước nhập khẩu dầu đang trong tình trạng giá cả hàng hóa xuống thấp, muốn đẩy lên cũng khó. Như vậy, giá dầu giảm quá mạnh sẽ làm gia tăng áp lực giảm giá hàng hóa. Nếu tình trạng trên kéo dài, một số nước rơi vào tình trạng giảm phát, tăng thêm khó khăn cho việc phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, giá dầu đi xuống còn trở thành đòn giáng mạnh xuống các nước sản xuất dầu mỏ. Sau khi giá dầu mất khoảng 30%, thị trường chứng khoán nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và khu vực Trung Đông đã phải “tạm ngừng” để nhà đầu tư có thể bình tĩnh trở lại. Hiện nay, trên thế giới cơ bản hình thành cục diện cạnh tranh giữa các nước OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC với Mỹ. Nhu cầu dầu mỏ đi xuống, trong bối cảnh đã ở mức thấp một thời gian dài, sẽ đặt kinh tế một số nước trước thử thách, đặc biệt là các nước phụ thuộc tương đối lớn vào xuất khẩu dầu mỏ.

Một vấn đề đáng chú ý khác là trong bối cảnh các nhà đầu tư thế giới thiếu niềm tin, việc thị trường dầu mỏ điều chỉnh mạnh đã và có thể tiếp tục gây ra hiệu ứng dây chuyển trên các thị trường khác như thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường hàng hóa… Khi tâm lý lo sợ ngày càng gia tăng, việc tìm nơi trú ẩn sẽ chủ đạo quá trình quyết sách của các nhà đầu tư.

T. Hằng

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nguy-co-hieu-ung-lan-toa-do-cuoc-chien-gia-dau-122363.html