Nguy cơ gia tăng các dịch bệnh mùa Đông-Xuân

Các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch do thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả như: cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh dại, sốt rét, bạch hầu, ho gà...

Ngày 21-9, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức với các điểm cầu tại 62 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã, TP trực thuộc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định: Cùng với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu thì các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi vẫn ghi nhận số mắc cao, gây tăng gánh nặng trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ La Tinh.

"Trên toàn cầu, kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết đến nay vẫn là vấn đề nan giải vì chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Số mắc sốt xuất huyết trên thế giới có xu hướng gia tăng cả về số mắc và phạm vi địa lý, khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề với số mắc và tử vong hàng đầu trong nhóm bệnh truyền nhiễm lưu hành", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã từng bước kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm. Công tác phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 được thực hiện hiệu quả. Năm 2020, các bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh sốt rét giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều bệnh truyền nhiễm khác diễn biến ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn tại cộng đồng, không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A khác.

Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết vẫn có số mắc cao, tăng cục bộ tại một số địa phương; ghi nhận nhiều ca bệnh bạch hầu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Trung, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng có hiệu quả, nhưng còn có hạn chế cần được giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị ngày 21-9

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị ngày 21-9

Dự báo trong cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch do thời tiết mùa Đông Xuân rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Ngoài nguy cơ và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả như: cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh dại, sốt rét, và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là các bệnh có vắc-xin phòng bệnh như bệnh bạch hầu, bệnh ho gà có thể ghi nhận thêm nhiều ca mắc.

Bên cạnh đó, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như thay đổi bất thường về khí hậu, thiên tai, quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa nhanh, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, hành vi, lối sống và tập quán người dân vẫn còn nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư cho phòng chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn ở cả Trung ương và địa phương.

Tại Hội nghị trực tuyến, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã báo cáo về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, bạch hầu và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu. Trong đó có hướng dẫn chẩn đoán các trường hợp bệnh bạch hầu nghi ngờ, trường hợp bệnh xác định để có các biện pháp xử lý, phòng chống thích hợp. Lưu ý về định nghĩa các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhận bạch hầu trong thời kỳ mắc bệnh (người bệnh và người lành mang trùng) để áp dụng các biện pháp phòng bệnh, xử lý ổ dịch nghiêm ngặt.

Các điểm cầu tại 62 tỉnh, TP tham gia Hội nghị trực tuyến ngày 21-9

Bệnh bạch hầu đã có vắc-xin phòng bệnh, tiêm phòng bệnh bạch hầu đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần lựa chọn đúng vắc-xin bạch hầu về liều lượng và thời điểm tiêm chủng. Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, bệnh nhân, ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh và điều trị dự phòng để hạn chế tối đa lây nhiễm. Biện pháp sử dụng kháng sinh dự phòng có tác dụng quyết định, nhằm loại trừ nguồn lây trong cộng đồng (bệnh nhân và người lành mang trùng) rất hiệu quả.

Hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, PGS-TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Hồ Chí Minh cho biết, bệnh sốt xuất huyết được Tổ chức Y tế thế giới phân loại là vấn đề y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu. Tại Việt Nam, công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết được đẩy mạnh, có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và ban ngành đoàn thể, của mỗi người dân nên đã có những kết quả nhất định, cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, các chuyên gia đã cập nhật phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết ở người, cập nhật phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, Quy trình tiêm chủng an toàn và quy định giám sát tai biến sau tiêm chủng.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo đối với công tác tiêm chủng, đề nghị ngay sau hội nghị này, Sở Y tế báo cáo UBND xây dựng và triển khai tiêm chủng đầy đủ, an toàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại 4 kế hoạch tiêm chủng vắc-xin. Đồng thời, các Sở Y tế đẩy mạnh tham mưu UBND tỉnh, TP tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, truyền thông đến người dân các thông điệp, khuyến cáo tới người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân; thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch và bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tự giác thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình; tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh và đưa trẻ đi tiêm chủng.

Phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT để triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục ngay từ đầu năm học 2020-2021. Thực hiện vệ sinh lớp học thường xuyên, bố trí đủ xà phòng, nước sạch và các phương tiện rửa tay cho học sinh; hướng dẫn học sinh và người chăm sóc trẻ em cách rửa tay bằng xà phòng, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Tăng cường chỉ đạo triển khai hoạt động tiêm chủng tại các tỉnh trên địa bàn phụ trách, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô xã, phường. Đặc biệt tại các tỉnh có ghi nhận các trường hợp bạch hầu khu vực Tây Nguyên, tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm vắc-xin phòng chống dịch bạch hầu. Thực hiện tiêm chủng an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19, xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng, truyền thông an toàn tiêm chủng trên địa bàn...

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguy-co-gia-tang-cac-dich-benh-mua-dong-xuan-210784.html