Nguy cơ đường lỏng nhập ngoại 'phá' đường nội

Nhiều tháng nay, các doanh nghiệp (DN) mía đường nội địa đã phải chịu chồng chất những khó khăn, từ tác động của dịch Covid-19 cho tới mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam là 0%. Thế nhưng, đáng lo ngại hơn là tình trạng đường nhập lậu và đường lỏng nhập khẩu bán phá giá đang khiến DN đường nội lao đao.

Các chuyên gia cảnh báo, đường lỏng giá rẻ nhập ngoại sẽ gây tác động nặng nề lên ngành mía đường trong nước.

Các chuyên gia cảnh báo, đường lỏng giá rẻ nhập ngoại sẽ gây tác động nặng nề lên ngành mía đường trong nước.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), hiện có tới 1/3 nhà máy đường trong Hiệp hội đã phải đóng cửa. Nếu so với cách đây 3 năm đã giảm 12 nhà máy, chỉ còn 29 nhà máy đường đang tồn tại.

Ông Phạm Hồng Dương, Phó chủ tịch VSSA, cho biết chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh từ nguồn đường lỏng nhập khẩu là điều đáng quan tâm. Và mối đe dọa về nguồn đường lỏng từ Trung Quốc như một điển hình mà nhiều thị trường đường ở các nước đã và đang phải đối mặt. “Tức là trong nước, họ bán đường thành phẩm với giá rất cao, nhưng khi mang ra nước ngoài theo nhiều hướng, nhất là xuất lậu lại bán giá rất thấp để phá giá. Cho nên việc nhiều quốc gia ở EU hay Mỹ đã từng áp đặt biện pháp chống phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu”, ông Dương đánh giá.

Trước thực trạng trên, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ các công ty đại diện cho ngành sản xuất trong nước (bên yêu cầu). Một trong những nội dung mà Cục Phòng vệ thương mại thẩm định hồ sơ là xác định chứng cứ về việc bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước.

Ông Vũ Thế Thành, một chuyên gia trong ngành thực phẩm cho biết, đường lỏng (HFCS) được làm từ bắp, nhưng có “chế hóa” để tăng độ ngọt, không phải đơn giản như người ta ép mía để lấy đường ăn (đường sucrose). Nhiều nghiên cứu cũng thể hiện hệ quả của việc sử dụng đường lỏng là nguy cơ tăng nhiễu loạn hấp thu khiến thèm ăn, tăng cân, tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư, suy giảm trí nhớ…

Từ cách đây 3 năm, sản lượng đường lỏng NK vào Việt Nam đã đạt hơn 89 nghìn tấn (7% nhu cầu sử dụng đường nội địa). Những năm gần đây, con số này được cho là đang tăng lên rất lớn.

Theo các DN nội địa trong ngành đường, việc đường lỏng từ Trung Quốc được nhập khẩu giá rẻ vào Việt Nam có tác động tiêu cực không nhỏ tới công tác tiêu thụ đường trong nước. Một số ý kiến khác cho rằng, đường lỏng Trung Quốc nhập về Việt Nam đáng lẽ phải chịu mức thuế cao nhưng để né khoản thuế này nên được đưa qua các nước ASEAN, sau đó mới xuất vào Việt Nam để trốn thuế.

Từ 2 năm trước, VSSA đã từng có kiến nghị các biện pháp tự vệ đối với đường lỏng HFCS nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm làm giảm tác động tiêu cực của đường lỏng lên ngành đường Việt Nam.

Về việc cạnh tranh trong thị trường chất tạo ngọt, đại diện của FPTS cũng chỉ rõ đường lỏng có giá thấp hơn đường mía và củ cải từ 10 – 15% trong khi độ ngọt có thể lên tới 1,2 – 1,5 lần đường thường. Do đó, xu hướng sử dụng đường lỏng NK giá rẻ làm chất tạo ngọt trong chế biến ở Việt Nam đang tăng nhanh trong thời gian gần đây và tình trạng bán phá giá đang làm lao đao ngành mía đường Việt.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguy-co-duong-long-nhap-ngoai-pha-duong-noi-502293.html