Nguy cơ 'được mùa mất giá' sẽ tiếp diễn nếu không tập trung vào chế biến

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào khâu chế biến nông sản 'Nếu không tập trung vào chế biến thì câu chuyện thừa và thiếu vẫn xảy ra'.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) cho biết, chủ trương gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường tiêu thụ nông sản là rất đúng đắn, tuy nhiên, ý kiến của cử tri cho rằng, nhiều năm qua công tác này chưa được triển khai tích cực.

Việc gắn kết các liên kết trong tổ chức chuỗi giá trị sản xuất không bền vững, chủ yếu là các doanh nghiệp trung gian, người dân sản xuất một số mặt hàng nông nghiệp có khi hòa, có khi lỗ vốn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra những giải pháp để hỗ trợ nông dân trong vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cương trả lời chất vấn đại biểu tại Hội trường Quốc hội ngày 6/11

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cương trả lời chất vấn đại biểu tại Hội trường Quốc hội ngày 6/11

Trả lời chất vấn của đại biểu về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp đang tập trung triển khai ở tất cả vùng miền. Kiên Giang là một trong những địa phương đang triển khai rất tích cực. Về lúa, Kiên Giang dẫn đầu có trên 4 triệu tấn, và chủ trương của tỉnh là giảm nhanh sản lượng lúa, nhường chỗ cho các ngành nghề khác, do đó sản lượng lúa Kiên Giang giảm. Đây là chủ trương rất đúng.

Về phát huy lợi thế thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, gần nửa triệu tấn thủy sản ở Kiên Giang hiện đang khai thác tốt. Kiên Giang cũng là địa phương đi đầu trong tổ chức mô hình nuôi tôm, tuy nhiên chưa nhiều, tới đây chúng ta phải làm quyết liệt hơn, kể cả lúa gạo. Qua nhiều lần thăm quan, làm việc cho thấy Kiên Giang đang làm rất tốt…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp rất đúng. Bộ sẽ cùng với các tỉnh, đặc biệt là Kiên Giang tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện chuỗi, liên thông sản xuất cho các ngành hàng.

Cũng liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản, đại biểu Ngô Thanh Danh (đoàn Đắk Nông) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nêu giải pháp về việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay. Cụ thể, trong đó cây hạt tiêu mất cả mùa và giá, còn cây cà phê thì mất giá kéo dài, gây khó khăn cho người sản xuất.

Trả lời vấn đề mà đại Ngô Thanh Danh quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vấn đề bất cập nhất ở Việt Nam hiện nay là khâu chế biến, vì vậy chưa thể giải quyết được vấn đề được mùa mất giá.

"Giá vàng cũng biến động, dầu cũng biến động, nông sản cũng vậy! Đại biểu có nói về cây hạt tiệu, Việt Nam sản xuất 350.000 tấn, trong khi thế giới có 600.000 tấn. Như vậy, chúng ta chiếm tới 60% của thế giới. Thừa đến như vậy cơ mà", Bộ trưởng Cường cho hay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sản lượng nông nghiệp dư thừa như vậy cũng có trách nhiệm của Bộ và các ngành liên quan. Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho biết, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào chế biến, nếu không tập trung vào chế biến thì câu chuyện thừa và thiếu vẫn xảy ra.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguy-co-duoc-mua-mat-gia-se-tiep-dien-neu-khong-tap-trung-vao-che-bien-99196.html