Nguy cơ đóng cửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Các đường băng tại 2 sân bay lớn nhất cả nước đang xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ dẫn đến uy hiếp an toàn bay, phải đóng cửa nếu không nhanh chóng được nâng cấp, sửa chữa

ẢNH: NGỌC THẮNG - ĐỘC LẬP/ĐỒ HỌA: HỒNG KỲ

Đây là nội dung chính trong văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký vừa gửi Bộ Tài chính kiến nghị bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Theo Bộ Giao thông, do khai thác vượt tần suất và thiết kế, đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất đã xuất hiện nhiều rạn nứt, mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe theo vệt lăn của càng máy bay.

Tương tự, đường băng 1B của sân bay Nội Bài có nhiều điểm bị bong bật, nứt vỡ tấm bê tông xi măng, khe co giãn bong vật liệu chèn khe. Một số tấm bê tông xi măng bị lún.

"Mặc dù xuống cấp, hệ thống sân đường khu bay tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất phải tiếp tục khai thác vượt tải. Việc bảo trì, sửa chữa hư hỏng nặng nề, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay là rất cần thiết và vô cùng cấp bách" - văn bản nêu rõ.

Trước mắt, để đảm bảo hoạt động khai thác tại cảng hàng không được liên tục, Thứ trưởng Lê Đình Thọ kiến nghị Bộ Tài chính cho phép Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng khu bay để sửa chữa ngay hệ thống sân đường khu bay.

Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ, dự kiến cần gần 4.500 tỉ đồng để thực hiện nâng cấp các hạng mục trên.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV, cho biết khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện nâng cấp các đường băng hiện nay là vướng cơ chế. Cụ thể, sau khi cổ phần hóa, nhà nước vẫn nắm hơn 90% cổ phần chi phối nên các tài sản khu bay vẫn thuộc quản lý của nhà nước, không thuộc quản lý của ACV. Vì vậy, mọi hoạt động sửa chữa, đầu tư ACV đều phải xin ý kiến, dựa theo cơ chế sử dụng ngân sách của nhà nước.

Trong khi đó, theo ý kiến của Bộ KH-ĐT tại Văn bản số 1332 ngày 8.3.2018, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT chỉ còn 10% dự phòng để giải quyết các tồn đọng. Nguồn thu từ hoạt động khai thác tài sản khu bay thì phải thực hiện theo quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản công và chưa cân đối đủ để thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo, nâng cao năng lực mà ACV đề xuất. Tiền ngân sách không đủ, cơ chế giao cho ACV quản lý khai thác hạ tầng khu bay cũng vẫn đang trong quá trình được Cục Hàng không VN xây dựng đề án trước khi trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt.

Hà Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nguy-co-dong-cua-duong-bang-noi-bai-tan-son-nhat-1004556.html