Nguy cơ đối với ĐBSCL từ các dự án thủy điện sông Mekong sẽ giảm?

Một nhà cựu ngoại giao Mỹ, chuyên gia về Đông Nam Á nói nguy cơ từ các dự án thủy điện lớn trên sông Mekong đối với vùng hạ du, trong đó có thể sẽ giảm đi vì không còn hấp dẫn các nhà đầu tư và ngày càng lỗi thời.

Các dự án thủy điện trên sông Mekong bấy lâu nay gây tranh cãi

Các dự án thủy điện trên sông Mekong bấy lâu nay gây tranh cãi

Các nhà môi trường nhiều năm qua nói rằng đắp đập trên sông Mekong là một ý tưởng tồi và họ đã đúng. Các tổn hại môi trường đối với vùng đông bắc Thái Lan, Lào, ở hạ lưu là Campuchia và tây nam Việt Nam (ĐBSCL) là rất lớn.

Ngày 30/6, ba nước thành viên Ủy hội sông Mekong (MRC) gồm Campuchia, Thái Lan và Việt Nam yêu cầu Lào thực hiện đánh giá nghiêm ngặt tác động xuyên biên giới của thủy điện Luang Prabang, tăng cường các biện pháp giảm nhẹ tác hại tiềm ẩn của dự án, MRC cho biết trong thông cáo ngày 1/7.

Ngoài Luang Prabang, theo bài trên Asia Sentinel, MRC cũng yêu cầu cung cấp thêm thông tin về dự án đập Sanakham, gần biên giới Lào với Trung Quốc.

Điều trớ trêu và tin tốt là cả hai con đập đó đều có thể không được xây dựng trên con sông đang bị hạn hán nghiêm trọng và thiếu nước và cả các đập khác của Lào tại Pak Lay và Pak, mặc dù chúng đã được MRC chấp nhận vào năm 2017 và 2018. “Đó không phải là vì chính phủ Lào đã thay đổi ý kiến. Các quan chức Lào vẫn đang vận động mạnh mẽ cho các dự án. Đó là bởi vì các dự án thủy điện lớn không còn khả năng được ngân hàng cấp vốn”, David Brown (được nói là nhà cựu ngoại giao Mỹ, có nhiều kiến thức về Đông Nam Á) viết trên Asia Sentinel.

Thời gian thai nghén một dự án thủy điện lớn rất dài và phức tạp. Các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án nhằm mục đích có lợi nhuận chắc chắn trước khi họ chi ra hàng tỷ đô la cho các khoản vay, sẽ được hoàn trả trong một vài thập kỷ.

Sinohydro và Datang Power, hai công ty đã xây dựng hàng chục con đập lớn ở Trung Quốc, có khả năng đã tính toán các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc để xây dựng đập Pak Lay, Pak Beng và Sanakham.

Nhưng theo ông Brown, đã đến lúc, ngay cả khi loại bỏ yếu tố ngoại cảnh, đập thủy điện lớn không còn ý nghĩa kinh tế. Giá thành điện mặt trời và điện gió đã giảm nhanh chóng trong thập kỷ qua đến nỗi thủy điện lớn không còn hấp dẫn đến mức được ngân hàng hào hứng cấp vốn.

Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, được thiên nhiên ưu đãi nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió dồi dào. Các dự án năng lượng mặt trời quy mô nhỏ có thể được đưa ra thị trường trong một hoặc hai năm tới; dự án gió quy mô nhỏ mất thêm một chút thời gian.

“Tôi đã liên lạc với Brian Eyler của Trung tâm Stimson, tác giả cuốn sách "Những ngày cuối cùng của dòng sông hùng mạnh" là cuốn sách tiếp theo về những khổ nạn ngày nay của dòng sông, để hỏi liệu anh ta có đồng ý rằng bằng cách bắt đầu hoạt động tham vấn trong MRC, chính phủ Lào đang cố gắng tạo ra một ảo ảnh về các tiến triển trong tầm nhìn của họ với mục tiêu trở thành “viên pin của Đông Nam Á”, ông Brown viết.

"Có," Eyler trả lời. "Ngoài việc thiếu tài chính cho các dự án, vẫn chưa có bên nào mua điện từ các con đập. Không con đập nào trong số anh đề cập có thỏa thuận mua điện. Thật đáng ngại khi thấy MRC bắt đầu quá trình [tham vấn] mà các thỏa thuận mua bán tài chính và năng lượng chưa được kiểm tra. Có lẽ tính toán của chính phủ Lào là thông qua các cuộc tham vấn đa quốc gia] như một cách để thu hút nguồn tài chính và thỏa thuận mua bán điện”.

“Giờ đây, việc thảo luận về các dự án đập này mang lại ảo tưởng về sự tiến triển khi trên thực tế tất cả các tín hiệu đều chỉ ra các đập chính trên sông Mekong đang lỗi thời trong tương lai rất gần. Dòng chảy không đáng tin cậy, các lựa chọn thay thế rẻ hơn, hiệu quả tăng lên ở các thị trường trọng điểm như Thái Lan và Việt Nam đang làm giảm đáng kể nhu cầu năng lượng được sản xuất từ các đập lớn. Rõ ràng Lào cần nghĩ đến các lựa chọn phát triển thay thế”, ông Eyler nói.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nguy-co-doi-voi-dbscl-tu-cac-du-an-thuy-dien-song-mekong-se-giam-1683110.tpo