Nguy cơ đối đầu Nga-Mỹ trong cuộc chiến cuối cùng ở Idlib

Việc Nga bố trí hạm đội hải quân đông đảo trên Địa Trung Hải gần Syria sau khi cáo buộc Mỹ lên kế hoạch dàn dựng một cuộc tấn công giả bằng vũ khí hóa học tại các khu vực do phiến quân kiểm soát là dấu hiệu cho thấy Moscow dường như đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Washington.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, gần đây đã cảnh báo về việc Mỹ tăng cường lực lượng hải quân trên Địa Trung Hải, đồng thời cáo buộc Washington “một lần nữa chuẩn bị cho các hành động khiêu khích quy mô lớn nhằm vào Syria bằng cách sử dụng chiêu bài chất độc hóa học để khiến tình hình trở nên bất ổn nghiêm trọng và phá vỡ tiến trình hòa bình đang diễn ra”.

Theo suy đoán của Nga, Mỹ có thể vin cớ là một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học do lực lượng chính phủ Syria tiến hành tại tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của các phiến quân nổi dậy tại Syria, để cùng các đồng minh của Anh và Pháp phát động tấn công Syria. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi năm ngoái, Washington đã hai lần tấn công Syria với lý do đáp trả cáo buộc lực lượng chính phủ Syria tấn công hóa học dân thường.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc ngày 28/7 đã bác bỏ thông tin do Nga đưa ra, khẳng định Mỹ không gia tăng lực lượng ở Địa Trung Hải, nhưng cũng cảnh báo quân đội Mỹ “sẵn sàng đáp trả” nếu có chỉ đạo trực tiếp từ tổng thống. Theo quan sát của Business Insider, Mỹ chỉ có một tàu khu trục được nhìn thấy tại Địa Trung Hải, trong khi Nga có tới 13 tàu chiến và cả tàu ngầm.

Tàu Hải quân Nga phóng tên lửa trong cuộc diễn tập ở Crimea (Ảnh: AFP)

Số lượng tàu hải quân của Nga ở vùng biển gần Syria được cho là đông nhất kể từ khi Moscow bắt đầu tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Syria từ năm 2015 theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Hầu hết các tàu của Nga đều được trang bị tên lửa hành trình Kalibr với khả năng công phá mạnh mẽ.

Anna Borshchevskaya, chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, cho rằng mục đích của Nga khi cáo buộc Mỹ có khả năng gây ra một cuộc tấn công giả bằng vũ khí hóa học tại Syria là nhằm hỗ trợ cho chính quyền Syria trong việc giải phóng một trong những thành trì cuối cùng của phiến quân.

Theo các chuyên gia, nếu Idlib được lực lượng chính phủ Syria giải phóng, lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn, huấn luyện và trang bị vũ khí tại đây có thể sẽ bị tiêu diệt. Do vậy, Mỹ được cho là sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng chính phủ Syria tại Idlib để tránh kịch bản này xảy ra. Đây cũng là một trong những điều mà Nga đang lo ngại.

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Ả rập Xê út hôm 29/8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải phóng Idlib khỏi tay các phần tử khủng bố.

“Idlib là thành trì quan trọng cuối cùng của các phần tử khủng bố, những kẻ đang bắt giữ dân thường làm lá chắn sống và ép các nhóm vũ trang muốn đàm phán với chính quyền Syria phải phục tùng chúng. Do vậy, xét trên mọi khía cạnh, “khối u” này cần phải được loại bỏ”, ông Lavrov cho biết.

Nguy cơ đối đầu

Xét về khả năng đối đầu giữa Nga và Mỹ, Omar Lamrani, nhà phân tích quân sự tại hãng tư vấn địa chính trị Stratfor, nhận định Nga khó có thể ngăn chặn một cuộc tấn công của Mỹ tại Syria mặc dù Moscow duy trì lực lượng hải quân đông đảo ở khu vực sát nách Syria.

Tên lửa hành trình phóng đi từ tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải nhằm vào căn cứ không quân Syria rạng sáng 7/4/2017 (Ảnh: AFP)

“Trên thực tế, Nga không thể làm gì để ngăn chặn cuộc tấn công (từ Mỹ). Nếu Mỹ xuất hiện và phóng tên lửa hành trình, thì ngay cả khi Nga bố trí lực lượng ở những vị trí lý tưởng để hạ gục mục tiêu, Moscow cũng không thể bắn hạ tất cả tên lửa Mỹ vì đây sẽ bị coi là hành động gây chiến trực tiếp với Mỹ và có thể khiến tàu Mỹ tấn công Nga”, chuyên gia Lamrani nói.

Theo ông Lamrani, trong các cuộc tấn công trước đây nhằm vào Syria, Mỹ đều tìm cách né tránh để không gây thiệt hại về người và của cho các lực lượng Nga đồn trú tại Syria, từ đó tránh không để căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới trở thành xung đột trực diện. Ông Lamrani cho rằng Mỹ làm vậy không phải vì không đủ khả năng đối phó hạm đội tàu của Nga, mà bởi Washington không muốn khơi mào Chiến tranh thế giới thứ 3 với Moscow trong vấn đề Syria.

“Thành thực mà nói, Mỹ áp đảo hoàn toàn tại Địa Trung Hải và các tàu của Nga không phải là đối thủ của Mỹ. Nếu các tàu của Nga chạm trán với Mỹ, Mỹ sẽ sử dụng không lực áp đảo trong khu vực để đáp trả và tất cả các tàu của Nga trên biển sẽ bị phá hủy trong khoảng thời gian rất ngắn”, ông Lamrani nhận định.

Trong các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Syria hồi tháng 4 năm ngoái và tháng 4 năm nay, các lực lượng Nga tại Syria gần như không phản ứng mà để cho các hệ thống phòng không của Syria tự hoạt động. Lần này, Nga đã triển khai hàng loạt tàu chiến tới gần Syria và theo các chuyên gia, Moscow có thể đang phát tín hiệu tới Mỹ cũng như đồng minh rằng họ sẽ vào cuộc bảo vệ Syria nếu Damascus bị tấn công.

Tuy nhiên, chuyên gia Lamrani coi việc tập hợp lực lượng của Nga trên Địa Trung Hải gần đây chỉ là động thái mang tính răn đe và Moscow không có ý định can thiệp quân sự thực sự. Thay vì bước vào một cuộc xung đột không quân và hải quân quy mô lớn với Washington, Moscow có lẽ đang sử dụng một vũ khí dành cho chiến tranh hiện đại là vũ khí “tuyên truyền”.

Mỹ có thể sẽ tránh tấn công trực tiếp vào các cơ sở quan trọng nhất của Syria - nơi có các lực lượng quân sự của Nga đồn trú để tránh leo thang căng thẳng. Sau đó, Nga sẽ lên tiếng mô tả cuộc tấn công hạn chế của Mỹ nhằm vào Syria đã thất bại như cách Moscow từng làm trước đây.

Theo Dân trí

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//nguy-co-doi-dau-nga-my-trong-cuoc-chien-cuoi-cung-o-idlib_n40490.html